Phát triển bền vững nguồn tài nguyên
Vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, biển đảo, góp phần vào sự phát triển bền vững Quảng Nam.
Quản lý quy hoạch
Những năm gần đây, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành TN-MT. Vệt quy hoạch vùng đông của tỉnh đã hình thành. Tại TP.Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Duy Xuyên và Thăng Bình đã đo được 332 điểm lưới địa chính, chỉnh lý lập bản đồ địa chính gần 40 nghìn héc ta, làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch, bồi thường, thu hồi đất để thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh. Ngoài cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư thông thoáng, tỉnh còn tạo mặt bằng sạch đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, vì thế buộc các địa phương phải thu hồi diện tích đất lớn. Theo thống kê, từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, có 51.813ha đất bị thu hồi để phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng... Trong hàng “núi” việc mang tính phức tạp, rườm rà, việc thu hồi đất cũng gây không ít áp lực cho ngành quản lý đất đai. Thế nhưng, do quản lý chặt quy hoạch, hiện trạng đất đai nên dù còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng không còn xuất hiện “điểm nóng”. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 1.000 phương án bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng hơn 40.000ha, tái định cư cho gần 80.000 hộ dân. Tổng giá trị bồi thường hơn 80.000 tỷ đồng.
Nhờ làm tốt công tác thu hồi đất, đã bàn giao mặt bằng tạo thuận lợi cho các công trình, dự án triển khai.Ảnh: T.HỮU |
Theo ông Nguyễn Viễn, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thành công lớn nhất của ngành là làm tốt công tác tham mưu thu hồi đất, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ thế nhiều công trình, dự án triển khai đúng tiến độ, tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dài hạn. “Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định trên quan điểm thống nhất về chính sách giữa các địa phương, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, giải quyết đầy đủ các chính sách ổn định chỗ ở, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn, được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ” – ông Viễn nói.
Xác định quy hoạch là nhiệm vụ then chốt nên ngành TN-MT tham mưu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, có 16/18 huyện, 98 xã đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, 9 huyện đã lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011- 2015). Các địa phương còn lại cam kết hoàn thành vào năm nay. Thêm nữa, dự án thành lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp từ ảnh hàng không quốc gia khu vực miền núi tỷ lệ 1/10.000 đã thực hiện được 813.299ha, trong đó giao được 145.859ha.
Chống thất thoát
Từ khi thành lập Sở TN - MT đến nay, đã có 138 tập thể và 161 cá nhân thuộc sở quản lý được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ TN - MT; 4 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cá nhân đồng chí Giám đốc Sở được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012). Tập thể Sở TN - MT được tặng 7 Cờ thi đua xuất sắc, 10 Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ TN - MT; được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2003) và năm 2012 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. |
Quảng Nam là vùng đất giàu tài nguyên với nhiều loại khoáng sản quý như vàng, đá vôi, uranium, felspat, cát thủy tinh, cao lanh, đá ốp lát, than đá… Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 79 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Các doanh nghiệp khai khoáng đã nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường gần 49 tỷ đồng. Để chống thất thoát nguồn tài nguyên này, ngành TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025; phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản… nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu đến cảnh quan môi trường. Năm 2011, thực hiện Chỉ thị 08 củaTỉnh ủy và Chỉ thị 12 của UBND tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành và chính quyền các cấp đã truy quét, đẩy đuổi hơn 10 ngàn lượt người hoạt động trái phép ra khỏi địa bàn; phá hủy, tịch thu nhiều phương tiện, máy móc trang thiết bị phục vụ khai thác trái phép. Nạn “vàng tặc” bước đầu đã được hạn chế, thu hẹp, không còn công khai như trước.
Chiến lược khai thác, tái tạo tài nguyên nước được quan tâm đúng mức. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh cấp 153 giấy phép về thăm dò nước dưới đất, hành nghề khai thác nước dưới đất, khai thác và sử dụng nước mặt, xả thải vào nguồn nước. Cạnh đó, điều phối phát triển lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn theo hướng bền vững, đầu tư các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội dọc lưu vực theo lộ trình phù hợp. Đặc biệt là dự án Đánh giá môi trường chiến lược hệ thống thủy điện bậc thang lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do ADB tài trợ, dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ…
Ngoài nhiệm vụ chống thất thoát trong khai thác tài nguyên lòng đất, việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) luôn được chú trọng. Cùng với tỉnh Bến Tre, Quảng Nam được chọn làm thí điểm Hợp phần thích ứng với BĐKH do Vương quốc Đan Mạch tài trợ, triển khai giai đoạn 2011-2015 với nguồn kinh phí hơn 135 tỷ đồng. Đến nay, Quảng Nam đã đưa vào sử dụng nhiều công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH tại các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh. Ngành TN - MT cũng tích cự tham mưu xây dựng Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam về thích ứng BĐKH và tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ và nhân dân về “thích ứng với BĐKH”; thực hiện đánh giá thí điểm tác động của BĐKH tại khu vực vũng An Hòa; đánh giá đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn nước chống xâm nhập mặn.
Giám đốc Sở TN&MT Dương Chí Công khẳng định, dù còn không ít bất cập trong quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, nhưng ngành TN-MT đã cơ bản đạt được nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; quản lý tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch những vùng cấm trong hoạt động khoáng sản với mục tiêu cuối cùng là khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TRẦN HỮU