Mộc Kim Bồng “giữ nghề”

DUY HIỂN 06/01/2013 09:55

Sự hợp tác giữa JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) với chính quyền, cơ quan chức năng ở Hội An và doanh nghiệp làm công tác bảo tồn đã giúp thợ Kim Bồng vừa giữ được nghề truyền thống, vừa tiếp thu những tri thức khoa học của chuyên gia nước ngoài…

Cơ hội phục hồi

Bảo tồn phát huy tri thức nghề mộc kiến trúc làng Kim Bồng bắt đầu được khởi động từ giữa những năm 1980. Sau đó, đến các năm 1985, 1987, 1990 liên tiếp có các sự kiện về hội thảo khoa học, trùng tu Chùa Cầu, đặc biệt có sự tham gia về tài chính và nhân lực của nước ngoài (Nhật Bản) đã tạo điều kiện cho nghề mộc kiến trúc Kim Bồng phục hồi. Một số doanh nghiệp trùng tu lần lượt ra đời như Xí nghiệp tư doanh Kim An (nay là Công ty TNHH Xây dựng Kim An, gọi tắt là Công ty Kim An), Xí nghiệp tư doanh Kim Châu. Công ty Kim An do ông Đặng Văn Kim (người làng Kim Bồng) làm chủ, trong đội ngũ thợ hiện có 10 thợ người Kim Bồng. Xí nghiệp Kim Châu do ông Huỳnh Bài (cũng người Kim Bồng) và một cá nhân người phường Cẩm Châu thành lập. Gần đây, thấy xuất hiện thêm 2 doanh nghiệp Thành Đạt, Hưng Thái.

Du khách tham quan cơ sở mộc Kim Bồng.                                                                                                                                                                      Ảnh: D.HIỂN
Du khách tham quan cơ sở mộc Kim Bồng. Ảnh: D.HIỂN

Về phía JICA và Ban Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, các bên đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho các đội thợ về tính cần thiết giữ gìn chân xác di tích trong quá trình trùng tu. Việc tập huấn cũng được kết hợp trong quá trình thi công theo kiểu vừa học vừa làm, kết hợp với sự tư vấn của chuyên gia. Chuyên gia JICA cũng tập huấn phương pháp hạ giải (tháo dỡ) di tích, đánh số cấu kiện; xác định những phần kiến trúc có thể giữ lại, phần phải thay thế. Quá trình này giúp đội ngũ thợ thi công công trình nâng cao nhận thức về công tác trùng tu kiến trúc gỗ. Thợ Kim Bồng còn học được phương pháp người Nhật chống mối bằng cách lót dưới gốc cột một tấm chì. Thợ  của các công ty Kim An, Kim Châu cũng được tạo điều kiện ra Hà Nội dự các lớp tập huấn về bảo tồn di tích do UNESCO tổ chức. Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật tổ chức hằng năm ở Hội An đều có các cuộc hội thảo về trùng tu, tôn tạo di tích và các công ty này cũng được mời dự.

Sự hợp tác tốt giữa tổ chức JICA, chính quyền thành phố Hội An và các doanh nghiệp trùng tu, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thợ Kim Bồng. Văn phòng UNESCO Châu Á - Thái Bình Dương khi trao giải thưởng “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ” (năm 2000) đã đánh giá: “Dự án là một mô hình đào tạo bảo tồn di tích lịch sử thu được từ việc giúp đỡ đào tạo bằng kỹ năng cho nghệ nhân địa phương và chuyển giao kiến thức trong quá trình tu bổ tôn tạo”.

Gấp rút đào tạo

Không chỉ riêng thợ Kim Bồng “học nghề”, mà ngược lại các chuyên gia Nhật cũng khâm phục trước kỹ thuật dùng mộng để lắp ráp các cấu kiện gỗ một cách sít sao, chắc chắn mà không cần đến vật liệu kim loại trong kiến trúc gỗ Kim Bồng. Một số thợ mộc Kim Bồng thiện nghệ cũng rất giỏi trong việc tính toán, sắp xếp đòn tay, rui để tạo độ võng của mái ngói âm dương khi trùng tu nhà cổ. Chính độ võng này đã tạo nên dáng vẻ rất đặc trưng và gợi cảm của hình dáng ngôi nhà trong phố cổ Hội An. Ông Trần Ánh - Chánh Văn phòng Thành ủy Hội An, người đã nhiều năm nghiên cứu kiến trúc gỗ Hội An - nhận xét: “Trong trùng tu tôn tạo các di tích nhà gỗ ở Hội An, thợ Kim Bồng đảm bảo được các nguyên tắc như sử dụng đúng vật liệu truyền thống, giữ được kiểu dáng, phong cách kiến trúc của bộ khung nhà, các bộ vài, hệ mái, mặt tiền, tôn trọng tính đa dạng, hòa trộn các phong cách kiến trúc mà ngôi nhà vốn có”.

“Nếu như trước đây, những cấu kiện đã hư hỏng một phần thợ thường bỏ hẳn với suy nghĩ “lần làm lần khó”, thay mới hoàn toàn để cho bền lâu. Bây giờ, họ đã biết giữ lại để bảo đảm tối đa tính chân xác của di tích và rất có ý thức bảo tồn di sản của cha ông”.
(Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An)

Bên cạnh các doanh nghiệp Kim An, Kim Châu đã thoát ly ra khỏi đất Kim Bồng, tại làng nghề còn có một cơ sở đang tích cực tham gia trùng tu, xây dựng các kiến trúc gỗ. Đó là cơ sở của ông Huỳnh Ry. Từ những năm 1992-1995, cơ sở Huỳnh Ry đã phục chế thành công các điện thờ, các chi tiết trang trí nội thất một loạt các các công trình kiến trúc gỗ của người Hoa. Từ năm 2005 trở lại đây, cơ sở Huỳnh Ry đã xây mới một loạt các công trình kiến trúc gỗ như tổ đình chùa Non Nước (năm 2005), đình Thanh Quýt ở Điện Bàn) tăng đường chùa Tam Thai, Đà Nẵng (năm 2010). Đặc biệt, ông Huỳnh Ry và nhóm thợ đã xây dựng tự đường tộc Huỳnh Đại khá hoành tráng ngay trên đất Kim Bồng với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Kết cấu ngôi nhà với các chi tiết chạm trổ rất tinh tế, nhất là các đồ án trang trí lưỡng long triều nguyệt, nho-sóc, dơi, bầu rượu, cuốn thư... “Kết quả những năm qua chứng minh rằng mộc Kim Bồng hiện nay không chỉ mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ mà hoàn toàn có thể trùng tu, xây dựng mới các ngôi nhà gỗ” - nghệ nhân Huỳnh Sướng khẳng định.

Một công trình do thợ Kim Bồng thực hiện.                                                           Ảnh: D.HIỂN
Một công trình do thợ Kim Bồng thực hiện. Ảnh: D.HIỂN
Trong hơn 20 năm qua, Công ty Kim An đã trùng tu thành công nhiều công trình kiến trúc cổ Hội An, tiêu biểu như: Tụy Tiên Đường (14 Trần Phú), nhà 75 Trần Phú, nhà 80 Trần Phú, nhà thờ tộc Trương (69/1 Phan Châu Trinh); các đình: Đế Võng (Cẩm Châu), Xuân Mỹ (Cẩm Hà ), đình Sơn Phong, miếu tổ nghề Yến (Cù Lao Chàm)... Hiện nay, công ty đang nhận tôn tạo Khổng miếu Tam Kỳ.

Tại Kim Bồng, có một số thợ trẻ cũng tạo được uy tín trong nghề mộc kiến trúc, tiêu biểu nhất là nhóm thợ của Phạm Xuân Nguyên khi tham gia trùng tu nhiều nhà gỗ, chùa ở Hội An và làm từ đường lớn tại Quế Lộc (Nông Sơn). Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt đội ngũ thợ làm mộc kiến trúc đang hiển hiện vì phần lớn thợ mộc kiến trúc Kim Bồng đã cao tuổi, trong khi nguồn bổ sung đội ngũ thợ trẻ hầu như bị gián đoạn. Như Công ty Kim An, hầu hết thợ mộc đã trên 50 tuổi. Nguyên nhân là do nhu cầu xây dựng, trùng tu nhà gỗ không nhiều; khối lượng thi công phần gỗ  chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ công trình nên các công ty không tuyển nhiều thợ mộc. Hơn nữa, đơn giá thi công thấp nên không ai bỏ công chạm trổ một cách cầu kỳ, trau chuốt như xưa; các doanh nghiệp lại thường thuê thợ phía bắc vì giá cả rẻ hơn...

Các công trình kiến trúc gỗ vẫn không ngừng bị mối mọt âm thầm tấn công, chưa kể đô thị cổ Hội An hằng năm còn đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm trong lũ. Các tác nhân đó tiếp tục đe dọa sự sống còn của di sản nhà gỗ xứ Quảng. Vì vậy, nghề mộc Kim Bồng đang cần bảo tồn và đào tạo lực lượng kế cận. Đó là điều cũng cần thiết không kém nhu cầu giữ gìn những kiệt tác kiến trúc gỗ vậy.

DUY HIỂN

DUY HIỂN