Đà Nẵng, những góc nhìn...

29/12/2012 10:59

Trong tình hình khó khăn chung của cả nước, TP.Đà Nẵng vẫn dành nguồn kinh phí tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, đồng thời chăm lo cho đời sống người dân từ những điều bình dị nhất…

Dù khó khăn về nguồn thu, Đà Nẵng vẫn linh hoạt đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.Trong ảnh: Cầu Rồng vươn nhịp nối đôi bờ sông Hàn.Ảnh: THANH BÌNH
Dù khó khăn về nguồn thu, Đà Nẵng vẫn linh hoạt đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.Trong ảnh: Cầu Rồng vươn nhịp nối đôi bờ sông Hàn.Ảnh: THANH BÌNH

1. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm qua, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nói rằng “Khó khăn chưa từng thấy”. Năm 2012 là năm đầu tiên sau 15 năm chia tách, TP.Đà Nẵng hụt thu ngân sách. Trong đó, ngoài sự suy giảm của sản suất công nghiệp do khan hiếm đơn đặt hàng, tồn kho lớn, lãi suất ngân hàng cao…, việc đóng băng bất động sản là nguyên nhân chính. Còn nhớ, trong năm 2011 khi thị trường nhà đất cả nước hầu như tê liệt thì nguồn thu từ khai thác quỹ đất của Đà Nẵng vẫn đạt con số ấn tượng: hơn 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2012 Đà Nẵng thu 3.500 tỷ đồng từ đất nhưng đến thời điểm này ước chỉ đạt 1.300 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản đóng băng không chỉ tác động trực tiếp nguồn thu của thành phố mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới tăng trưởng các ngành khác như sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, dịch vụ nhà đất… Hệ quả là 7/11 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế năm 2012 của Đà Nẵng không đạt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý như tổng sản phẩm xã hội (GDP) ước tăng 9,1% trong khi kế hoạch tăng 13 - 13,5%. Tổng chi ngân sách của Đà Nẵng năm qua hơn 13.600 tỷ đồng trong khi tổng thu ngân sách ước đạt 10.900 tỷ đồng, thu hụt so với kế hoạch hơn 3.600 tỷ đồng.

2.Trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN), lãnh đạo thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để khơi thông sản xuất, kiềm chế thất nghiệp, đảm bảo không gây xáo trộn, bất ổn về xã hội. Chỉ riêng việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế năm qua cho DN trên địa bàn thành phố, tổng số tiền đã hơn 630 tỷ đồng. Nhờ đó, trong năm qua thành phố vẫn có hơn 2.300 DN được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký hơn 6.400 tỷ đồng. Hiện Đà Nẵng đã có hơn 15.800 DN (tổng vốn 65.600 tỷ đồng), 241 dự án FDI (tổng vốn 3,6 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện 1,61 tỷ đồng). Đáng kể, bất chấp kinh tế khó khăn Đà Nẵng vẫn tiếp tục tổ chức hàng loạt sự kiện quan trọng thành công như: Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012, Cuộc thi Dù bay quốc tế - Đà Nẵng lần đầu tiên, Vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012… thu hút đông đảo lượt khách tham quan.

Ngoài ra, xuất khẩu phần mềm tăng tới 53% cũng góp phần nâng tổng doanh thu từ xuất khẩu dịch vụ lên 800 triệu USD. Nhờ sự bù đắp của ngành dịch vụ, tiết kiệm chi ngân sách trong năm, linh động trong tổ chức nguồn thu nên Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các công trình trọng điểm đúng tiến độ. Nổi bật như toàn tuyến đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý có chiều dài gần 7km, trong đó có 2 cầu là Nguyễn Tri Phương và Khuê Đông (quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố); cầu Rồng và đường Nguyễn Văn Linh nối dài, cầu mới Trần Thị Lý, trung tâm hành chính thành phố, Bệnh viện Ung thư, 92 khu tái định cư… Lãnh đạo thành phố còn ấn định cụ thể ngày khánh thành 3 công trình cầu Rồng, cầu mới Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng (29.3.2013).

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ cầu Thuận Phước. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ cầu Thuận Phước. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

3.“Thành phố luôn làm theo hướng có lợi cho dân”. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến trước  báo chí về việc thành phố tiếp tục “siết nhập cư”. Dân số Đà Nẵng đến cuối năm 2011 đã hơn 951 nghìn người, mật độ 971 người/km2 (đứng thứ 9 trong các tỉnh, thành phố, trong khi diện tích đứng thứ 59). Mật độ dân số có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện (hơn 4/5 dân số thành phố tập trung tại 2 quận trung tâm chiếm 1/4 diện tích toàn thành phố). Dự báo, đến năm 2020 quy mô dân số thành phố đạt hơn 1,2 triệu dân, thu hút hơn 86 nghìn người từ các địa phương khác. 

Trước tình trạng bức xúc về nhà ở, thành phố khuyến khích người thuộc diện trình độ cao có nhà ở và việc làm ổn định được nhập cư vào ngoại thành; thực hiện việc nhập cư một cách có chọn lọc nhằm đảm bảo hài hòa giữa dân số và chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội. Đến nay, thành phố đã đưa vào sử dụng 164 chung cư cho người thu nhập thấp với hơn 7.700 căn hộ, hơn 700 phòng ký túc xá đáp ứng nhu cầu cho 6.000 sinh viên và đang triển khai xây dựng hoàn thiện 94 chung cư khác (tổng số hơn 12.000 căn hộ). Mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đánh giá Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện chương trình này. Đây là nỗ lực của chính quyền thành phố hướng đến người nghèo, người thu nhập thấp nhằm tạo chỗ ở ổn định.

4.Tôi có người bạn thân quê ở phường Nại Hiên Đông, TP.Đà Nẵng nhưng  lập nghiệp trên Tây Nguyên. Sau 15 năm về thăm quê, tìm hoài không ra con đường đất đỏ duy nhất ngày ấy, cả xóm nhà chồ ven bờ sông Hàn nhưng tất cả đã đổi thay. Đường cao tốc, nhà chung cư, cao tầng mọc lên san sát khiến bạn tôi không khỏi choáng ngợp trước ký ức quê nhà. Ai đến Đà Nẵng hôm nay cũng thừa nhận Đà Nẵng là thành phố có cơ sở hạ tầng, giao thông thông thoáng, không xô bồ, chật chội như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh. Ấn tượng nhất là cáp treo Bà Nà, những cây cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn bắc ngang sông Hàn kỳ vĩ cùng những cung đường uốn quanh nhiều bãi biển quyến rũ nhất hành tinh của Đà Nẵng như Non Nước, Mỹ Khê, Xuân Thiều… Một thành phố sạch, thân thiện, không có người ăn xin, khi tắm biển có người cứu hộ, gửi xe bệnh viện không mất tiền, người nghèo mắc bệnh ung thư được điều trị miễn phí… ngẫm ra đó là hình ảnh Đà Nẵng thấm đượm tình người, bình dị mà cao quý biết bao…

NGUYỄN THANH BÌNH