Làng "một nhà"
Tính cộng cư trong truyền thống của người Cơ Tu thể hiện rõ ở “làng một nhà” mà trong đó, mỗi góc bếp góp phần nuôi dưỡng truyền thống ấy cho đến tận bây giờ…
Một góc làng Atu bây giờ. Ảnh :Phương Giang |
Nhà 30 bếp
Cuối năm, những trận mưa rừng đánh tơi con đường độc đạo lên khu 7 Tây Giang nhão nhoẹt, bùn ngập quá gối. Chỉ khoảng hơn 30 cây số đường đất, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm xã Ch’Ơm ở vùng biên giới Việt - Lào, dù đã đóng xích vào cả hai lốp xe máy. Câu chuyện về làng Atu, ngôi làng từng sở hữu căn nhà dài với 150 nhân khẩu, thôi thúc chúng tôi tiếp tục cắt rừng. Đến nơi đã quá trưa, trong làng hầu như chỉ còn người già và trẻ con bởi mọi người đã tất bật lên rẫy. May mắn gặp được già làng Tơngôl Yên, câu chuyện về ngôi làng chỉ có một nhà được ông rì rầm kể lại bằng giọng Kinh lơ lớ...
“Hồi trước, cả làng chỉ ở một nhà thôi, mày về xuôi kể chắc chẳng ai tin đâu. Một nhà nhưng là nhà to, nhà dài, có tới 30 bếp, gần 150 người ở chung, ăn chung, làm chung. Ban ngày, người lớn lên rẫy. Tối về, nhà thì nấu sắn, nhà nấu cơm, ai có con thú, con cá bắt được mang ra nấu ăn chung, vui lắm!” - già Yên kể.
Già làng Tơngôl Yên khoe tấm tút mà ông đổi được từ Lào mang về. |
Căn nhà mà già Yên vừa nhắc, nay đã được đưa về trưng bày tại Làng văn hóa Cơ Tu tại trung tâm hành chính huyện Tây Giang từ năm 2007, sau hơn 30 năm chở che cho cả làng. Khác với người Pakô, truyền thống của người Cơ Tu không có nhà dài, nên ngôi nhà dài ở Atu được xem là “có một không hai” ở Quảng Nam. Chủ nhân của ngôi nhà là ông J’ngol Vă (sinh năm 1944), nhưng có công sức của cả làng dựng nên. Theo già làng Pơloong Din, phải mất gần một năm dân làng mới dựng xong căn nhà. Riêng việc tìm gỗ, xẻ gỗ đưa về làng đã mất mấy tháng trời. Đàn ông mang rìu, rựa vào rừng. Đàn bà gùi cơm nếp, gùi sắn đi theo. “Nhà dài đúng 25 sải tay người lớn, mỗi gia đình một góc bếp. Đêm xuống thì ngủ quanh bếp, ngày lên gọi nhau đi làm nương rẫy, mấy chục năm cả làng chỉ ở một nhà” – già Din nhớ lại.
Dần dà, số nhân khẩu tăng lên, nhiều hộ gia đình dựng nhà duông, nhà riêng để ở tiện cho việc lên rẫy, lên nương. Từ đó, bắt đầu lác đác xuất hiện những căn nhà nhỏ hơn. Đến năm 2007, huyện có chủ trương xin chuyển về trung tâm huyện để phục vụ cho công tác bảo tồn, cả thôn Atu thống nhất hiến tặng căn nhà dài của mình. Năm đó chưa có đường ô tô lên trung tâm xã, dân làng lại cùng chung tay tháo dỡ nhà, rồi vác từng cột, từng xà nhà xuống tận trung tâm xã A Xan cách đó hơn 30 cây số đường rừng. “Dân làng cứ chia nhau cơm đùm cơm nắm vận chuyển ngôi nhà chung về điểm trưng bày. Bây giờ về trung tâm huyện thấy cái nhà của làng mình, cũng ưng con mắt, sướng cái bụng”, Trưởng thôn Atu Tơngôl Pít cho biết.
Sống không cần tiền
Quá trưa, già làng Tơngôl Yên mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Bữa cơm chỉ có rau rừng chấm muối, một nồi canh sắn và ít thịt khô lấy từ giàn bếp. “Nhà báo thông cảm nhé, tau ăn như thế này quen rồi. Tau khỏe thì tau đi chơi, đi qua làng bên cạnh thăm họ hàng, đi qua tới Lào”. Khi chúng tôi hỏi đùa “tiền đâu mà già đi chơi”, già Yên cười khà khà: “Tau không cần tiền!”.
Căn nhà dài được dời xuống trung tâm huyện Tây Giang. |
Đâu riêng già Yên, nhiều người trong bản Atu coi chuyện không có tiền chẳng có gì… nghiêm trọng. Làm nương, làm rẫy đủ ăn do vùng biên biết làm lúa nước từ lâu. Thức ăn cũng sẵn, dù chỉ là rau rừng, thịt khô treo giàn bếp. Già Yên kể: “Mấy chục năm trước làm gì có tiền. Lần đầu tiên tau biết tiền là khi đi nhận tiền chế độ cho người có công với cách mạng. Tau mua muối, mua cá khô… nhiều thứ lắm, hết cả tiền thì về”. Trong làng Atu cũng có một tiệm tạp hóa do chị Pơloong Thị Nhốt (21 tuổi) làm chủ. Hàng hóa cũng chỉ có bánh kẹo, xà phòng và muối. Nhưng chị Nhốt cho biết dân làng vẫn quen trao đổi hàng hơn là mua bằng tiền.
Ngày trước, có cả một “con đường mã não” từ Atu và các làng vùng biên sang các bản lân cận của Lào. Người Cơ Tu ở các xã vùng biên mua mã não, vòng tay mang sang Lào đổi lấy heo, trâu, tấm tút mang về. Lâu lâu, dân bản như già Yên, già Din… vẫn sang các bản Cơ Tu bên Lào chơi, khi nào về cũng được tặng con heo, gùi nếp mới. Nhà nào ở Atu, ở Ch’nóc - những làng xa nhất của Tây Giang - đều có tấm tút mua từ Lào về…
NGUYỄN THÀNH CÔNG