Học trò mồ côi
“Mẹ ráng cho con học đến cấp 3 để con được một lần mặc chiếc áo dài trắng như bạn bè…”. Lời khẩn cầu của cô bé mồ côi ở đất nghèo Bình Nam, cũng là thay cho những người bạn có cùng hoàn cảnh cơ cực, côi cút như mình ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thăng Bình) làm thắt lòng người lớn.
1. Vào một ngày cách đây 12 năm, một cô gái trẻ cùng mẹ ruột lặng lẽ bỏ miền quê xứ Nghệ lưu lạc vào đất Quảng Nam, lánh xa mọi điều tiếng của xóm giềng vì đã trót dại với một anh trai làng… Không ít lâu sau, cậu bé Nguyễn Thành Nam ra đời tại trạm xá Quán Rường. Khi Nam gần một tuổi, người mẹ trẻ ấy giao con trai cho mẹ mình, tiếp tục hành trình vào Nam. Từ đó, người ta thấy ở chợ Quán Gò (Bình An, Thăng Bình) có một cụ bà giọng miền ngoài, hay đi làm thuê, hành khất nuôi cháu ngoại. Bà cụ hiền lành, chất phác, không giấu giếm thân phận được nhiều người thương tình giúp đỡ. Cậu bé Nguyễn Thành Nam dần lớn lên trong tình thương của bà ngoại và bà con làng xóm.
Cậu học trò mồ côi Nguyễn Thành Nam và cha nuôi Nguyễn Văn Phú. |
Rồi một ngày, bà ngoại phải hồi hương, một phụ nữ tốt bụng buôn bán ở chợ Quán Gò nhận chăm sóc Nam. Do cậu bé từ nhỏ chỉ quen ăn chay nên anh Nguyễn Văn Phú đưa em vào Tỉnh hội Cao Đài (Tam Kỳ). Xong bậc học mầm non, Nam không thể tiếp tục học lên tiểu học ở Tam Kỳ do khai sinh không rõ ràng, đất Bình Nam lại đón cậu bé về, anh Phú nhận làm cha đỡ đầu. Sớm nhận biết hoàn cảnh mồ côi, nhiều lần bị mắng vì không chăm học, từ suy nghĩ trẻ con của mình, cậu bé Nam không ít lần suy tính một cuộc “ra đi” nhưng đều không thành bởi cha nuôi chăm bẵm. Nam thừa nhận không phải lúc nào cũng là cậu bé chăm chỉ, sức học không thể bằng chúng bạn, thể trạng của cậu bé cũng yếu ớt, hay ốm vặt. Nhưng cái lớp 6A (trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) với nhiều bạn nghèo và sự hy sinh vô điều kiện của cha nuôi đã chuyển hóa cậu bé. “Cháu hứa không làm buồn lòng ba Phú và thầy cô, các bạn nữa”.
2. Xinh xắn, trắng trẻo như học trò ở phố, cô học trò Võ Thị Thùy Dương (lớp 9/2) đã trải qua những tháng ngày cơ cực đến mức khó tin. Cha qua đời vì ung thư, mẹ bị bệnh về trí não cần chăm sóc thường xuyên. Vậy mà cô bé đã vượt qua tất cả để tiếp tục đến lớp. Mỗi ngày, Thùy Dương phải dậy từ rất sớm, nấu ăn, vệ sinh cho mẹ; xong tất bật đến lớp. Tan học em lại vội vã trở về nhà, nấu ăn, chăm sóc mẹ, làm việc nhà… Bà con hàng xóm thương cô học trò nghèo hiếu thảo đã giúp sức cho mẹ con Thùy Dương từng miếng ăn, cái quần, tấm áo… Cô giáo chủ nhiệm Hồ Thị Bạch Cúc nói rằng với chừng đó công việc, một người lớn đã quá tải, nhưng Thùy Dương đã làm được tất cả. Không thể lúc nào cũng có thể tranh thủ giờ giải lao để chạy về với mẹ, cô bé đã nghĩ cách nhờ bà con hàng xóm chăm sóc mẹ khi mình đi học, đổi lại, cô không từ chối bất cứ việc gì để “đổi công”. Yêu mến người bạn hiếu thảo, các bạn cùng lớp từ nhiều năm nay đã tự nguyện lập quỹ giúp bạn với mức 1.000 đồng/bạn/tháng.
Võ Thị Thùy Dương và cô giáo chủ nhiệm. |
Với cô học trò này, có một cách để tuổi học trò cơ cực không trở thành vô nghĩa. Cô bé đã “cháy hết mình” trong những buổi sinh hoạt lớp, các phong trào chung của trường cũng không bao giờ thiếu vai trò dẫn dắt của Thùy Dương, để lớp luôn là đơn vị tiêu biểu của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
3. Nằm sâu trong xóm nhỏ, đường đi um tùm đầy gai bụi là căn nhà của bé Tăng Thị Hồng Danh. Cha của Danh, ông Tăng Văn H. (46 tuổi) qua đời vì bệnh ung thư. Bà Nguyễn Thị Cúc, mẹ của Danh một tay làm nông nuôi chồng và 7 con nhỏ, tất cả đều trong độ tuổi đến trường, đứa nhỏ nhất mới lên 2. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá. Bàn học của Danh cũng là chỗ ngủ của ba chị em lớn, chỗ để sách vở của Danh là thùng mì tôm màu đỏ, để phân biệt với những thùng màu khác của các em.
Tăng Thị Hồng Danh và góc học tập của mình. |
Là chị lớn trong nhà, Tăng Thị Hồng Danh làm gương sáng học tập cho các em trong cảnh nghèo khó. Thầy giáo Trương Hữu Xuân - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm mới về nhận nhiệm vụ gần một năm ở đây kể, sau lần đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em Danh, tôi trăn trở mãi. Hễ có bất kỳ cơ hội được trợ giúp nào, trường cũng ưu tiên dành cho Danh.
Dường như nghịch cảnh chưa dừng lại với các cô bé, cậu bé học trò mồ côi ở đất nghèo Bình Nam. Để nâng cánh cho các em, cần nhiều hơn những vòng tay nâng đỡ, mà từ lâu đã nằm ngoài sự cố gắng của thầy cô, bạn bè và những người hàng xóm tốt bụng…
DOÃN HOÀNG