Gian nan con chữ
Trong khi nhiều nơi đang tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia thì tại trường THCS xã Trà Linh (Nam Trà My), học sinh phải tìm con chữ trong những căn phòng hết sức tạm bợ, mục nát, xiêu vẹo.
Học sinh trường THCS Trà Linh ở trọ kho thóc của xã.Ảnh: Hoàng Thọ |
Phòng học dột nát
Trường THCS xã Trà Linh nằm ở lưng chừng ngọn núi Ngọc Linh, cơ ngơi chẳng có gì ngoài 4 phòng học bằng gỗ và một số phòng chức năng đã xây dựng cách đây nhiều năm. Hiện tại phên ván phòng học đã mục nát, trống hoác; trần nhà bị mối ăn chưa biết đổ sập lúc nào. Năm học này, nhà trường có 196 học sinh từ khối lớp 6 đến lớp 9. Do phòng học thiếu và xuống cấp nghiêm trọng nên nhà trường phải bố trí dạy 2 buổi/ngày mới đảm bảo việc học cho các em. Những ngày có gió to, mưa lớn, giáo viên và học sinh phải dạy và học trong nỗi thấp thỏm lo âu. Cách đây chưa lâu, cơn bão số 7 đã thổi bay toàn bộ mái tôn của dãy phòng học. Các thầy giáo trong trường phải lợp lại.
Tuy năm nay không xảy ra mưa lũ nhưng sương mù đông giá luồn qua vách tường mục nát khiến cho học sinh ngồi trong lớp mà rét run. Em Hồ Thị Hài học sinh lớp 8 cho biết: “Những ngày trời lạnh chúng em bị tê cứng tay, viết chữ không được. Bố mẹ không có tiền mua áo ấm”. Cô giáo Bùi Thị Hải (quê Phú Ninh), mới lên dạy tại trường được 3 tháng, tâm sự: “Trường lớp quá tạm bợ, không đủ phòng học. Những ngày trời rét, thấy các em ngồi học mà xót xa. Học sinh cũng đã rất cố gắng, chứ cơ sở vật chất như thế này không thể đảm bảo điều kiện cho các em học tập”.
Học sinh ở... kho thóc
Vì trường chưa có nhà bán trú nên hiện tại 90 học sinh thuộc diện bán trú của trường phải ở tạm nhà dân hoặc kho thóc của xã. Ngay cả căn phòng công vụ chừng 20m2 của UBND xã Trà Linh cũng được chia bớt cho hơn 10 học sinh bán trú. Năm 2010, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Quảng Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng để xây trụ sở mới trường THCS Trà Linh. Tưởng chừng như mong ước về một ngôi trường mới, khang trang sắp thành hiện thực nhưng do giao thông chưa thuận lợi nên nguồn vốn này được luân chuyển xây dựng trường khác. Vì vậy câu chuyện duy trì sĩ số học sinh ra lớp cũng như việc nâng cao chất lượng học tập luôn là một bài toán khó cho nhà trường. Một số học sinh ở xa vì không có nơi ăn ở, học tập thuận tiện nên đâm ra chán nản, nghỉ học. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đầu năm học nhà trường cũng có sửa chữa nhưng vì vách phòng làm bằng ván nên được vài tháng lại hư hỏng. Nhiều thiết bị phục vụ dạy và học như sách vở, máy vi tính được cấp về do chưa có phòng kiên cố phải để nằm ngổn ngang rất dễ hỏng”.
Cơ sở vật chất còn quá tạm bợ, nơi ăn chốn ở cũng chưa có cho nên việc nâng cao chất lượng dạy và học không thể nào làm được. Mong ước lớn nhất của giáo viên và học sinh trên đỉnh núi Ngọc Linh này là có được một ngôi trường kiên cố để yên tâm dạy - học.
HOÀNG THỌ