Hậu cứ Vĩnh Bình
Đình Vĩnh Bình, công trình kiến trúc đặc sắc ở tại thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ) được công nhận Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh từ năm 2009. Với sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân địa phương, đình làng được trùng tu khang trang...
Nửa đầu thế kỷ XIX, cùng với các đình làng Chiên Đàn, Mỹ Thạch, Thạch Tân..., đình làng Vĩnh Bình được dân làng góp sức xây dựng vào năm 1833, dưới thời vua Tự Đức. Đình được xây dựng tại làng Vĩnh Phúc, thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (nay là xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Theo thuật Ngũ hành, làng Vĩnh Phúc lúc bấy giờ được chia thành 5 xóm: Ấp Nam, Ấp Tây, Nam Phước, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Yên. Đình tọa lạc ở xóm Vĩnh Yên, quay mặt về hướng nam, mặt tiền hướng ra Sông Đầm. Cấu trúc đình theo kiểu truyền thống gồm 5 gian, 16 cột, 4 mái.
Đình làng Vĩnh Bình được xây dựng để thờ thần hoàng, tiền hiền, hậu hiền, các vị có công với nước, các tiền nhân có công dựng nên làng nên xóm. Hằng năm, cứ đến ngày 28 tháng 8 âm lịch, dân làng sắm lễ vật tổ chức cúng đình, tri ân những bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ và nhằm giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhắc nhở giữ gìn, phát triển những giá trị tốt đẹp của quê hương. Bên cạnh phần lễ thì phần hội ở đây cũng khá phong phú. Hằng năm, hội làng diễn ra với những trò chơi dân gian, những đêm hò khoan đối đáp, hát tuồng.
Đình làng Vĩnh Bình. Ảnh: H.X.H |
Bà Bùi Thị Nga là người gắn bó với những lễ hội dân gian ở đình từ thời thiếu nữ, nay đã bước sang tuổi 80. Dù đình Vĩnh Bình đã trải qua bao biến cố của lịch sử, nhưng trong ký ức của bà, những đêm hội hè, những buổi tế lễ... không thể phai mờ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Vĩnh Bình trở thành cơ quan, trường học, nơi hội họp của các đoàn thể để bàn việc nước. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình làng Vĩnh Bình là địa điểm “lý tưởng” để những người hoạt động cách mạng phát động phong trào, tổ chức nói chuyện tuyên truyền về đường lối cách mạng. Năm 1946, đình bị bom đạn chiến tranh tàn phá nặng nề. Từ tro tàn đổ nát, ngọn lửa đấu tranh cách mạng lại càng được khơi bùng lên mạnh mẽ, viết nên những trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Giai đoạn 1948-1954, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã chọn đình Vĩnh Bình làm khu dưỡng đường, nuôi giấu và điều trị bệnh cho cán bộ, cũng là nơi hội họp của cán bộ tỉnh về nằm vùng hoạt động tại vùng đông Tam Kỳ. Đồng chí Hồ Thấu - Tỉnh ủy viên đã ở đây 3 năm liền để hoạt động cách mạng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình tiếp tục là căn cứ hoạt động cách mạng ở vùng đông Tam Kỳ, gắn với Bãi Sậy Sông Đầm, địa đạo Kỳ Anh tạo thành những “cứ điểm” quan trọng. Theo ông Phan Tâm, một nhân chứng lịch sử của làng này thì đình Vĩnh Bình nằm giữa lòng dân trung dũng, kiên cường bám trụ nên trở thành hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng.
Lễ trao bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Vĩnh Bình. |
Ông Bùi Viết Thiên, Trưởng thôn Vĩnh Bình cho hay hiện toàn thôn có 345 hộ với gần 1.400 nhân khẩu. Từ năm 2001, thôn đã đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” cấp tỉnh và liên tục giữ vững danh hiệu này. Số gia đình văn hóa đạt hơn 95%, tiêu biểu như gia đình ông Phan Nguyên, Nguyễn Lưu Viên... đã làm ăn khấm khá, con cái học hành thành đạt, có nhiều đóng góp cho địa phương. Thôn có 17 họ tộc và đã phát động 6 họ tộc đăng ký họ tộc văn hóa. |
Sau chiến tranh và qua bao mưa nắng thời gian, đình làng Vĩnh Bình xuống cấp trầm trọng. Nơi đây, giữa vùng đất cát, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng vẫn ân nghĩa nặng tình với mái đình. Nhân dân trong làng thay nhau quét tước, nhang khói ngày rằm, ngày lễ. Ngôi đình vẫn đứng đó, làm chứng nhân cho bao đổi thay của quê nhà. Đầu tháng 8.2007, Ban vận động xây dựng đình làng Vĩnh Bình được thành lập. Qua thời gian vận động và tiến hành trùng tu xây dựng, ngôi đình khang trang cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí hơn 330 triệu đồng. Tổng nguồn thu được vận động từ nhiều nguồn lực, trong đó TP.Tam Kỳ hỗ trợ hơn 60 triệu đồng, còn lại do địa phương cùng bà con quê nhà và đồng hương thôn Vĩnh Bình đóng góp...
Những người con đi làm ăn xa quê tận Sài Gòn, Gia Lai, Đắc Nông... mỗi khi có dịp trở về, đều đến đây thắp nén nhang thành kính. Ông Bùi Đình Toàn (cán bộ lão thành cách mạng, dân gốc làng Vĩnh Bình, hiện sinh sống ở huyện Bắc Trà My) tâm sự: “Thời chiến tranh gian khổ nhưng bà con Vĩnh Bình vẫn trụ bám để lo cho cách mạng. Bây giờ, có đình khang trang để cho con cháu các nơi về tụ họp vui vầy”. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong thôn đã đóng góp và xây dựng một nhà văn hóa với đầy đủ phương tiện để hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mái đình Vĩnh Bình vẫn uy nghi soi bóng bên Sông Đầm. Cùng với đình Thạch Tân, Địa đạo Kỳ Anh, Bãi Sậy Sông Đầm, di tích văn hóa lịch sử này sẽ trở thành điểm “về nguồn” giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
NGUYÊN THẢO