Những câu chuyện cần kể lại (tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 20/12/2012 05:55

Nghe Trần Định nói có lý, ông Trần Ngọc Tiến chấp nhận nhưng vẫn yêu cầu xã đội cử 2 người mang theo 2 khẩu M79 đi vòng phía bên kia khe Nhung yểm trợ. Ba người cùng ngược lên Rộc Luyến. Ông Định tiếp cận sát hố nước trong lúc lính Mỹ đập nước tung tóe. Nhanh như chớp, ông tung liền mấy quả lựu đạn từ trên xuống. Liền sau đó, cả bọn hứng cả chục quả cối do 2 du kích ở phía bờ bên kia bắn xuống. Bọn Mỹ chưa kịp phản ứng, nhóm ông Định đã rút về phía đuôi khe Nhung. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng. Cả ba người rút lui an toàn.

  • Những câu chuyện cần kể lại

Sau khoảng 15 phút, hàng chục chiếc trực thăng kéo đến bắn nát chung quanh Rộc Luyến rồi đáp xuống chở thi thể bọn lính cùng mấy tên bị thương về Núi Quế (ngày hôm sau cơ sở báo ra trong trận đánh có 5 tên chết, bị thương 4 tên). Ngay sau đó, ông Tiến bàn với lãnh đạo xã đội triệu tập toàn Đội du kích Phú Hương. Ông nói:

- Trưa nay đồng chí Định đã dũng cảm chớp thời cơ đánh bọn Mỹ lết tại Rộc Luyến. Tối nay ta tấn công chốt điểm Bảy Cái, phải đánh dồn dập, đánh vỗ mặt cho bọn Mỹ lết bỏ thói ngông nghênh. Đánh trận này là bẻ gãy chiến thuật xé lẻ đi phục kích của chúng; đồng thời nhổ luôn chốt điểm dã ngoại Bảy Cái. Như vậy, ta bố trí quân vừa đánh phục kích vừa đánh công đồn cùng một lúc.

Sau khi bàn bạc chiến thuật, kỹ thuật tiến công, đúng 8 giờ tối ông Tiến trực tiếp lệnh cho toàn đội hình xuất quân. Thường thì 9 giờ tối lính Mỹ mới mò vào làng. Từ các nguồn tin thu thập trong những ngày qua, ông Tiến cho 2 mũi phục kích theo 2 hướng đông - nam. Các đồng chí Trần Nhảy, Trần Sâm, Trương Ngọc Sanh, Lê Toàn do Trần Nhảy - Xã đội phó chỉ huy di chuyển đến xóm nhà ông Bắn nằm ở phía đông vườn nhà Bảy Cái. Ba anh chị em nhà họ Trần là Trần Cượng, Trần Hữu Cộng, Trần Thị Cương và Võ Khá do Xã đội Trưởng - Trần Cượng chỉ huy di chuyển đến xóm nhà ông Miếu nằm phía nam chốt điểm.

Đặc biệt, đối với tổ công đồn, giữ vai trò quyết định trận đánh, ông Tiến chọn những người gan dạ, lanh lẹ là Trần Đây, Trần Lãnh, Trần Lữ, Trần Khôi do Trần Đây - Xã đội phó chỉ huy. Riêng mũi đánh theo lối đặc công này, ông Tiến cho dùng dầu phụng bôi lên người rồi lăn trên cát. Bốn người có nhiệm vụ áp sát chốt điểm, nằm im đợi 2 mũi kia nổ súng trước rồi mới khai hỏa. Lúc đó, nhất định bọn Mỹ trong đồn sẽ bắn pháo sáng. Anh em sẽ quan sát rõ từng mục tiêu để ném lựu đạn tiêu diệt.

Khoảng 8 giờ 30 phút, các mũi tập kết đúng vị trí. Đến khoảng 9 giờ tối bọn Mỹ ra khỏi đồn di chuyển về hướng đông, băng qua Đồng Dài, vào xóm nhà ông Bắn. Bốn anh em du kích Nhảy, Toàn, Sanh, Sâm phục sẵn tại bờ mương dẫn nước chắn ngang đường đi của chúng. Trời tối mịt, các anh chỉ thấy bóng loáng thoáng và nghe tiếng động. Chờ cho một số tên bước lọt xuống mương nước, bốn người đồng loạt ném lựu đạn xuống khe nước tiêu diệt, những tên còn ở trên ruộng chạy thục mạng trở lại đồn. Pháo sáng của chúng bắn vọt lên sáng rực. Trúng ý đồ, các du kích “đặc công” ém mình sát đồn lợi dụng pháo sáng quan sát được các điểm lều bạt và ổ hỏa lực, lập tức xông lên ném lựu đạn tới tấp. Trận đánh diễn ra thần tốc, bất ngờ, đánh tức ngược từ phía sau lưng, bọn Mỹ không kịp đối phó. Toàn đội hình của ta rút lui trong nháy mắt. Lính Mỹ bỏ xác đồng đội, hoảng loạn tháo chạy về Núi Quế, kêu pháo bắn nát xóm nhà Bảy Cái. Nhưng, ông Tiến đã chuẩn bị trước, khi súng nổ dân trong các xóm sát chốt điểm đã kịp di chuyển. Vừa dứt tiếng pháo, du kích liền quay lại thu dọn chiến lợi phẩm, xong ông Tiến bố trí triển khai ngay đội hình chống càn cho ngày mai.

Hôm sau, trời chưa sáng rõ, máy bay phản lực đã quần đảo thả bom quanh cứ điểm dã chiến nhà Bảy Cái. Tiếp đến, trực thăng chiến đấu bắn rốc-két cháy trụi cả làng xóm. Sau cùng là xe tăng từ đường 1 tiến lên lấy thi thể lính Mỹ chết đêm qua.

Du kích Phú Hương rút êm về các làng phía trên để ẩn náu. Sau hai trận đánh Mỹ táo bạo trong cùng một ngày 25.5.1970, du kích Phú Hương được đề nghị báo cáo điển hình về đánh Mỹ lết tại hội nghị của Quân khu 5.

Đột nhiên ông rưng rưng nước mắt:

- Anh có biết không, từ năm 1970 đến 1975, trong số du kích và cán bộ Phú Hương mà tôi kể tên từ bấy đến giờ chỉ còn lại tôi và 3 người nữa. Cuộc chiến thật là tàn khốc. Nhớ lại đau lòng lắm!

Tiễn tôi ra về, người chiến binh già, nguyên là Bí thư Huyện ủy Quế Sơn căn dặn:

- Trên đường về Tam Kỳ, anh nên ghé nghĩa trang Quế Phú nằm phía trên dốc Ông Hùng thắp nén hương. Ở đó có cả nghìn mộ liệt sĩ. Nhớ khấn vái các đồng chí của chúng ta phù hộ cho đất nước yên bình, không có chiến tranh nữa.

PHẠM THÔNG

PHẠM THÔNG