Văn hóa đối thoại
Câu chuyện Hội An tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp lữ hành và báo chí liên quan đến việc tăng giá vé tham quan (Báo Quảng Nam đã phản ánh) tiếp tục được nhìn nhận dưới một góc độ khác: thiện chí của chính quyền trong xử lý “khủng hoảng thông tin”.
Qua theo dõi, chỉ riêng sự hiện diện đầy đủ thành phần từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, lãnh đạo các ngành liên quan… đủ thấy được thiện chí của chính quyền, trước yêu cầu sớm “giải trình” chủ trương tăng giá vé tham quan phố cổ. Chủ trương này khi vừa ban hành đã vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp và dư luận. Cụ thể, kể từ đầu tháng 11, vé tham quan phố cổ Hội An tăng từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/người/6 công trình văn hóa đối với khách nước ngoài; từ 45.000 đồng lên 60.000 đồng/người/3 công trình văn hóa đối với người Việt Nam. Mỗi công trình văn hóa có mức lệ phí là 20.000 đồng, tức tăng 33%. Ngay khi chính sách này được thực hiện, các doanh nghiệp lữ hành, dư luận và báo chí lên tiếng không ủng hộ vì cho rằng, việc thực hiện tăng giá vé tham quan trong thời điểm ngành du lịch gặp khó khăn, tăng giá quá đột ngột… sẽ tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, kể cả Di sản văn hóa thế giới Hội An.
Doanh nghiệp phản ứng, báo chí lên tiếng, và đương nhiên phản ứng ấy cũng có cái đúng, cái sai. Thế nhưng, khác với kiểu “xử lý” thường gặp, khi doanh nghiệp phản ứng trước một chính sách lên mặt báo, chính quyền sẽ “phản ứng” bằng biện pháp hành chính đó là gửi công văn phản hồi, đề nghị đính chính hoặc gây áp lực với doanh nghiệp…, đằng này lãnh đạo TP. Hội An chọn cách làm khác: mời gặp gỡ, đối thoại để tháo gỡ. Tại cuộc gặp gỡ này, doanh nghiệp, báo chí… đã phản ánh những vướng mắc, bức xúc đang tồn tại với mong muốn di sản Hội An ngày một tốt đẹp hơn. Phía chính quyền địa phương thì ghi nhận, giải đáp, giải thích những thắc mắc, giải thích rõ những chính sách… Kết thúc cuộc gặp gỡ, mọi vấn đề được “đả thông” và xem ra ai cũng thấy nhẹ lòng.
Cách làm như trên của chính quyền Hội An thể hiện một nếp văn hóa mới trong điều hành, đó là “văn hóa đối thoại”, thay cho lối “văn hóa bảo thủ” trong hệ thống công quyền tồn tại lâu nay.
Trên thực tế, Hội An không phải là địa phương đầu tiên ở miền Trung thực hiện “văn hóa đối thoại” như thế. Mấy năm gần đây, tại Đà Nẵng, hễ có vấn đề gì bức xúc là lãnh đạo thành phố mở diễn đàn đối thoại. Chồng đánh vợ - đối thoại. Trẻ em hư hỏng - đối thoại. Cán bộ phiền hà, sách nhiễu dân - đối thoại. Dân phản đối chính sách giải tỏa - đối thoại… Trong những cuộc đối thoại này, có khi vấn đề bức xúc của dân được lãnh đạo giải quyết ngay lập tức, có khi được ghi nhận và giải quyết sau đó; cũng có khi lãnh đạo chỉ rõ cái chưa đúng của dân. Và, khi các cuộc đối thoại kết thúc, dân cũng hả dạ còn chính quyền thì rộng đường thực hiện chính sách.
Một cái mới, một chính sách mới đi vào cuộc sống bao giờ cũng gặp sự cản ngại. Có thể đó là cản ngại tâm lý mới - cũ, có khi đó là sự cản ngại của sự “thẩm định” đúng - sai của người dân. Sẽ là sai lầm nếu cứ lấy lối tư duy “bảo thủ” áp đặt duy ý chí trong giải quyết căn nguyên của vấn đề. Người dân chỉ đồng thuận với chính quyền trong thực hiện chủ trương, chính sách khi và chỉ khi họ hiểu được mọi góc cạnh vấn đề của chủ trương, chính sách ấy. Thậm chí, khi hiểu rồi, họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho cái chung. Ngược lại, nếu sử dụng lối tư duy “áp đặt” trong thực hiện chủ trương, chính sách sẽ gặp phải sự phản đối, thậm chí dễ dẫn đến sự xung đột không đáng có.
NGUYÊN KHÔI