Khát vọng thiên đường
Trước khi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay Bay về phía thiên đường(*), anh Huy Liệu (nhà văn, nhà giáo hưu trí hiện sinh sống tại Tam Kỳ) đã cho xuất bản những tập thơ, tập truyện ngắn, ca khúc mang dấu ấn riêng. Anh làm thơ, viết truyện khi đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, khi mà những “ẩn số” của cuộc đời gần như đã được giải.
Ở cái tuổi này đâu phải là lúc lập thân, mà lập thân bằng con đường văn chương lại càng gian khó. Nhưng anh đã viết, đang viết vì sự đòi hỏi của trái tim, vì sự khát khao của trí tuệ. Cái động lực đầu tiên của sáng tạo nghệ thuật chính là nhu cầu của chủ thể. Người ta viết văn, làm thơ trước hết vì mình, vì nhu cầu bộc lộ, chia sẻ, giãi bày của trái tim mình với bao người khác. Người ta viết vì người ta muốn sống trong nhiều cuộc đời; muốn sống trong kỷ niệm, trong ước mơ, trong tượng tưởng và người ta muốn sống với những cái chưa có ngoài đời. Viết Bay về phía thiên đường, tác giả cũng mang theo những động lực ấy.
Bay về phía thiên đường góp thêm một kiến giải bằng sự nghiệm sinh của thế giới nhân vật khá đa dạng, phức tạp. Từ những ký ức về mối tình trên Đồi Chờ, đến cuộc sống của bao thân phận tại khu nhà tập thể phân viện lao thập niên 50, 60; từ trải nghiệm về tình yêu, tình người trong vòng luân hồi sinh - tử, hội ngộ - tiễn biệt, về những xung đột giữa thiện - ác, chánh – tà;… tất cả đều được tác giả chuyển tải qua mỗi số phận nhân vật. Điều đáng quý là anh trình bày quan điểm của mình về thiên đường - địa ngục trên cơ sở tôn trọng quan niệm của các tôn giáo và các hệ tư tưởng khác nhau. Thiên đường ở đâu? Ở trong ta hay ở ngoài ta? Ai đưa ta đến thiên đường? Ai đày ta xuống địa ngục? Những câu hỏi riết róng ấy đã được lý giải phần nào qua những trang tiểu thuyết của Huy Liệu. Anh viết về những điều “cao siêu” và “mơ hồ” đó qua những cuộc đời, những con người, sự việc bình dị xung quanh.
Tôi ấp ủ viết cuốn tiểu thuyết này từ năm 2004. Nhưng vì bộn bề công việc, lại muốn đề tài thật chín, muốn nhân vật, sự việc sống dậy thật rõ, nên sau 8 năm tôi mới bắt tay vào viết. Quả thai nghén quá lâu cũng có mặt trái của nó… Tiểu thuyết vừa là sự thật vừa là hư cấu. Nếu chỉ là sự thật trần trụi không thôi, thì không phải là tiểu thuyết nữa, mà quá lắm nó chỉ là những trang hồi ký. Nếu chỉ là hư cấu không thôi, thì bạn đọc đâu tin nổi những điều bịa đặt vu vơ trong đó. Hư cấu là để làm cho sự thật thêm hay hơn, hấp dẫn bạn đọc hơn, chứ không phải để bôi đen sự thật, xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật, nhằm lừa dối bạn đọc. Viết tác phẩm này là tôi đang thắp lên mộ chí của cha mẹ tôi, anh chị em tôi, bạn bè thân thiết… đang sống nơi thiên đường nén hương vừa tiếc nuối, vừa mừng vui; là ngàn lần xin được tri ân quê hương, mái trường và những con người đã ấp ủ, nuôi nấng, dạy bảo tôi nên người. Viết tác phẩm này, tôi mong thế hệ con cháu không chỉ BAY VỀ PHÍA... mà phải BAY ĐẾN chốn thiên đường thực sự! (HUY LIỆU) |
Từ một gia đình đông đúc có chín người con, trong khu tập thể phân viện lao ở một vùng quê xứ Nghệ, tỏa ra những mối quan hệ xã hội trong một thời kỳ lịch sử nhiều biến động. Từ những con người, những số phận ấy, tác giả muốn gửi gắm một thông điệp: Trước khi bay về phía thiên đường xa xăm, con người hãy tìm cho mình thiên đường bình dị trong cuộc đời thường nhật. Thiên đường chính là niềm vui của con người khi làm điều thiện. Thiên đường đó là tình yêu chân thành say đắm, là lòng vị tha, là khát vọng thanh sạch. Khi mọi người đều có được niềm vui chân chính ấy, họ sẽ tìm thấy thiên đường trên trái đất này. Và khi con người tham lam, độc ác, ích kỷ thì họ sẽ rơi vào địa ngục ngay giữa trần gian.
Bay về phía thiên đường là cuốn tiểu thuyết ngắn được chia ra nhiều chương đoạn nhưng không dễ đọc. Thời gian tuyến tính bị đảo lộn. Người kể chuyện không thuần nhất. Các nhân vật được kể với nhiều điểm nhìn khác nhau. Cốt truyện phân mảnh, khiến người đọc phải đi hết chiều dài tác phẩm mới có thể “gỡ ra” được. Tôi tin rằng bạn đọc sẽ bị chinh phục bởi cách viết mới mẻ này và sẽ tìm thấy những thông điệp bổ ích…
TRẦN KHÁNH THÀNH..
.(*) Bay về phía thiên đường, tiểu thuyết của Huy Liệu, NXB Hà Nội ấn hành tháng 11.2012.