Bấp bênh cận nghèo
Ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh. Trường hợp thoát nghèo lên cận nghèo có nguy cơ tái nghèo bất cứ lúc nào.
Gia đình ông Võ Thanh Vân mãi luẩn quẩn trong vòng nghèo - cận nghèo - tái nghèo. Ảnh: D.LỆ |
Từ chuyện một hộ nghèo
Căn nhà cấp bốn được xây dựng từ những năm 1980 đến nay vẫn gắn bó với vợ chồng ông Võ Thanh Vân (60 tuổi, thôn Lâm Môn, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh). Căn nhà ấy có lẽ sẽ không bao giờ được nâng cấp, sửa chữa nếu như vòng luẩn quẩn nghèo - thoát nghèo lên cận nghèo - tái nghèo cứ mãi bám riết lấy gia đình ông Vân. Nói đến cái vòng luẩn quẩn ấy, ông Vân buồn lắm! Bởi ông không muốn “rớt” vô danh sách hộ nghèo của địa phương làm gì. Ông bảo, cầu mong có sức khỏe để làm lụng được như người ta, có của ăn của để chứ nghèo thì sung sướng chi mà mong.
Gia đình ông Vân được bình xét là hộ nghèo từ khi ông bị tai nạn cách đây hơn 7 năm. Từ một người mạnh khỏe, ông không còn đi làm rẫy, làm ruộng vì bị chấn thương đốt sống cổ, khiến chân tay ngày càng co rút, teo tóp. Lúc đầu ông chỉ nằm một chỗ, sau cố gắng tập đi lại nhưng đến giờ cũng chỉ có thể chống gậy quanh quẩn trong nhà. Người vợ một mình lo hết công việc nhà, nuôi 3 đứa con nên gia đình ông rơi vào hộ nghèo. Đến năm 2010, nhà ông có một ít đất nằm trong diện giải tỏa để làm thao trường tổng hợp, ông nhận bồi thường được khoảng 200 triệu đồng. Có số tiền này, ông không còn nằm trong hộ nghèo nữa mà chuyển qua hộ cận nghèo. Sau khi trả nợ vay mượn lúc bị tai nạn, còn lại ít vốn ông cho vợ chồng con trai đang ở cùng mở quán buôn bán. Nhưng sau con trai bị bệnh thận, phải mổ đến 3 lần do bị nhiễm trùng nên không thể tiếp tục buôn bán. Bao nhiêu tiền còn lại, ông dồn cho con trai chữa bệnh. Cách đây hơn một tháng, vợ của ông bị tai nạn gãy xương vai. Cả nhà mang gánh nặng bệnh tật, con dâu ông không có nghề nghiệp gì, chỉ ở nhà chăm cho 3 người ốm. Thế là, gia đình ông quay trở lại hộ nghèo.
Cần sự tiếp sức
Ngoài do bệnh tật khiến hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo cao, thiên tai, dịch bệnh... cũng là những nguyên nhân làm cho hộ cận nghèo quay trở về mốc nghèo. Đối với vùng thành thị, quá trình giảm nghèo mang tính bền vững hơn khu vực miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hoặc vùng hay xảy ra thiên tai. Hơn nữa, khoảng cách giữa mốc nghèo và cận nghèo quá mong manh. Tính về thu nhập, hộ cận nghèo chẳng hơn hộ nghèo là mấy. Theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015, ở nông thôn, hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống, hộ cận nghèo 401 - 520 nghìn đồng/người/tháng.
Hộ cận nghèo hiện nay chỉ được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. |
Khoảng cách để phân biệt hộ nghèo - hộ cận nghèo không lớn, nhưng về chính sách ưu đãi thì lại khác nhau rất nhiều. Hộ nghèo được hỗ trợ chi phí điện; học phí cho con em; cây, con giống để phát triển sản xuất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong khi đó, hộ cận nghèo chỉ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí như hộ nghèo. Vì không được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ cận nghèo không dám vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi nên dễ trở thành hộ nghèo và xuất hiện tâm lý “muốn” trở thành hộ nghèo. Bà Cao Thị Mẹo (xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) tâm sự: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ cận nghèo khác rất mong được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Dù số tiền vay chỉ từ 5 - 10 triệu đồng, nhưng có được cái gốc như thế, chúng tôi mới có điều kiện làm ăn, thoát nghèo chắc chắn hơn. Thu nhập như vợ chồng tôi hiện nay, nếu không có chính sách ưu đãi sẽ không dám vay vốn vì sợ làm không ra để trả lãi hàng tháng. Lỡ con heo, con bò bị bệnh chết thì mang nợ, lấy chi trả”.
Tháng 10.2012, dự thảo về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo đã được Ngân hàng Nhà nước công bố để lấy ý kiến nhân dân. Theo dự thảo này, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao thực hiện cho vay đối với hộ cận nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Mức cho vay đối với hộ cận nghèo do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Trong đó, lãi suất cho hộ cận nghèo vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 0,65%/tháng. Như vậy, mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo dự kiến khoảng 0,85%/tháng nếu chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo được đưa vào thực hiện. |
DIỄM LỆ