“Trả nợ” rừng

10/12/2012 02:11

Dường như người ta đã bắt đầu ngộ ra, chuộc lại lỗi lầm sau một thời gian dài tàn phá thiên nhiên, triệt hạ không thương tiếc bao cánh rừng để đánh đổi bằng các dự án đầu tư. Dọc ven biển từ Hội An đến Núi Thành, để có những dự án du lịch, rất nhiều rừng dương chắn gió ngăn sóng bị “cạo trọc”. Hệ lụy nhãn tiền là mỗi khi có thiên tai mức độ thiệt hại kinh tế, nguy cơ đe dọa tính mạng của người dân ngày càng cao. Mực nước biển dâng cao, sự “trái nết” của biến đổi khí hậu đã, đang lăm le nhiều vùng ven biển.

Phải dừng lại trước khi quá muộn! Thông điệp ấy đã bắt đầu lan tỏa vào đời sống. Dự án trồng 1 triệu cây xanh dọc ven biển Hội An trong khuôn khổ chương trình biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên - môi trường phát động đang triển khai tương lai sẽ hình thành “lá chắn xanh” vững chắc ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Khác với trước đây, bây giờ người Hội An yêu rừng lắm. Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (Hội An) - ông Lê Công Sỹ bộc bạch, vì sợ người dân bán rừng dương mà chính quyền thành phố không ngần ngại chi 200 triệu đồng cho địa phương mua lại nhằm cố giữ rừng cho bằng được. “Không hy vọng sẽ phủ xanh toàn bộ dọc bờ biển Cửa Đại, nhưng mỗi cây đặt xuống đây, người dân chúng tôi như thấy được trách nhiệm và sự sống của mình trong đó” - ông Sỹ nói.

Giúp sức cho người dân địa phương trồng rừng, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ còn ưu tiên hỗ trợ 400 nghìn đô la cho dự án “Lá chắn xanh” triển khai tại hai huyện Núi Thành, Thăng Bình - những nơi vốn chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai, lũ lụt. Rồi đây những cánh rừng ngập mặn ở sông Trường Giang sẽ được trồng, phục hồi và bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân và các học sinh sẽ được trang bị kiến thức, ý thức bảo vệ tài nguyên rừng…

Trong khi đó, ở miền núi, đây là thời điểm chính quyền các địa phương đang hối thúc các dự án thủy điện, khai khoáng… khẩn trương trả nợ rừng. Hiện, UBND tỉnh đang phê duyệt 6 dự án trồng rừng thay thế với tổng diện tích hơn 702ha, kinh phí hơn 44 tỷ đồng. Không thể và không bao giờ trồng thay thế hết diện tích rừng đã mất, song động thái tích cực trên cho thấy tầm quan trọng của “lá phổi xanh” đối với sự sống con người.

HỮU PHÚC