Nam dược, thuốc trong lòng dân
Xu hướng dùng cây thuốc nam điều trị theo phương pháp y học dân tộc do Hội Đông y tỉnh khởi xướng đã đem lại hiệu quả, nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Ngày càng nhiều người dân quay trở lại với phương pháp khám chữa bệnh đông y.Ảnh: H.SA |
Đơn giản nhưng hiệu quả
Sau nhiều lần phản đối, cuối cùng cô con dâu cũng phải “tâm phục khẩu phục” với cách chăm sóc và chữa bệnh cho cháu nội theo phương pháp dùng cây thuốc nam của bà Võ Thị Thoa (thôn 2, xã Tiên Thọ, Tiên Phước). Trước đây, mỗi lần con sổ mũi, ho có đàm, khò khè… là con dâu bà Thoa lại bồng bế cháu đến bệnh viện hoặc đi khám tư, lần nào cũng một bịch thuốc tây mang về cho bé uống. Xót cháu, bà Thoa cương quyết bắt con dâu thực hiện theo các bài thuốc dân gian để chữa trị những bệnh thông thường của trẻ nhỏ. Ví như, ho thì dùng bông đu đủ đực chưng với đường phèn cho bé uống. Bụng bé sôi khó chịu, bà cho uống nước cây sả… “Thực ra hiện nay, không chỉ tại các vùng nông thôn, miền núi mà tại các TP.Tam Kỳ, Hội An người dân đã và đang tiếp tục phát huy việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh bằng cây thuốc nam, hiệu quả đem lại khá cao. Khoa học kỹ thuật dù tiến bộ đến đâu cũng không thể nào phủ nhận những giá trị truyền thống và hiệu quả từ các bài thuốc ông bà từ xa xưa truyền lại. Thế nên, quan điểm “nam dược trị nam nhân” được các hội đông y cơ sở và người dân nhiệt tình hưởng ứng” - ông Huỳnh Đức Trí, Chủ tịch Hội Đông y huyện Tiên Phước nói.
Chính việc ý thức được tầm quan trọng trong việc chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền của Đông y nói chung, cây thuốc nam nói riêng, trong 5 năm qua, Hội Đông y tỉnh đã thành lập được 13 Hội Đông y cấp huyện, thành phố với 645 hội viên sinh hoạt ở 146 chi hội xã, phường, cơ quan. Hiện tại, ngoài các phòng chẩn trị của cấp hội cơ sở và tư nhân, còn có Trung tâm Kế thừa - ứng dụng y học cổ truyền (YHCT) trực thuộc Hội Đông y tỉnh. Hoạt động hậu cần, mua bán chế biến và cung ứng thuốc YHCT cho khoa đông y ở các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, cũng như phòng chẩn trị tư nhân được 2 cửa hàng liên kết, 16 cửa hàng tư nhân và hàng chục cá nhân có trình độ hiểu biết về Đông Nam dược, dược liệu tham gia. Theo đó, hàng chục tấn dược liệu có sẵn tại địa phương luôn sẵn sàng để cung cấp cho hậu cần nghề thuốc YHCT trong và ngoài tỉnh.
Giữ gìn truyền thống
Không những vậy, với phương châm kết hợp hài hòa giữa YHCT với y học hiện đại trong việc khám và điều trị bệnh, thời gian qua, hội đông y các cấp, các khoa, bộ phận đông y tại các bệnh viện hoạt động khá hiệu quả, nhất là tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh. “Điểm nổi bật trong 5 năm qua là việc xây dựng và thực hiện đề án “thuốc tại chỗ và thuốc thay thế” nhằm khắc phục tình trạng sử dụng thuốc nhập từ bên ngoài có chất lượng không tốt. Hội viên ở các huyện hội Tiên Phước, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc đã tổ chức nhiều cuộc điều tra, sưu tầm bảo tồn cây thuốc quý và phát triển trồng cây thuốc trong nhân dân” - ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh cho biết. Trong đó, Hội Đông y huyện Duy Xuyên qua quá trình khảo sát đã điều tra được 150 cây thuốc quý và biên soạn thành đề tài nghiên cứu khoa học; Trung tâm Y tế Nam Trà My khảo sát, xây dựng tập danh mục cây thuốc có trên địa bàn cùng tác dụng của từng loại cây theo kinh nghiệm của đồng bào vùng cao trong chữa bệnh. Cả với một số bệnh được xem là phổ biến nhưng “khó giải” trong đời sống hiện nay như sỏi thận, viêm gan... cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả. Theo báo cáo mới nhất của Hội Đông y tỉnh, đã có hơn 60% gia đình ở nông thôn, miền núi và 20% gia đình ở thành thị trồng được từ 5 cây thuốc nam để dùng chữa trị những bệnh thông thường.
Nhiều hoạt động hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe do Hội Đông y tỉnh tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều người. Các hình thức hoạt động của Liên chi hội Tâm năng dưỡng sinh - Ứng dụng năng lượng trường sinh học (thuộc Hội Đông y tỉnh) vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân được thường xuyên tổ chức. Thành lập chưa đầy 6 tháng nhưng các Chi hội Tâm năng dưỡng sinh ở Tam Kỳ, Hội An, Thăng Bình... đã mở được 30 lớp hướng dẫn cho hơn 3.500 người tham gia luyện tập trên tinh thần tự giác, tự quyết nhằm phục hồi và mang lại sức khỏe cho bản thân.
Theo Hội Đông y tỉnh, trong thực tế sự phối hợp phát triển điều trị bệnh theo phương pháp YHCT giữa các ban ngành, đoàn thể chưa đồng bộ. Vì thế hệ thống tổ chức y dược học cổ truyền dân tộc từ tỉnh đến cơ sở chậm được củng cố, đổi mới và hoàn thiện. Những điều đó khiến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu, phổ cập, công tác điều trị, tổng kết, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc cổ truyền chưa được đầu tư đúng mức, chậm được hiện đại hóa... “Thời gian đến, Hội Đông y tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, phối hợp đưa đông y vào hoạt động tại trạm y tế xã, phường. Qua đó, vận động người dân trồng và sử dụng cây thuốc nam để thúc đẩy bảo tồn, gìn giữ và phát triển được những cây, con làm thuốc quý hiếm, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao. Đồng thời thường xuyên chia sẻ học thuật và vinh danh các thầy thuốc, lương y tiêu biểu” - ông Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ.
CHIÊU THỤC ANH