Thấp thỏm đầu nguồn
Cá lặn biệt tăm
Đã đầu mùa lũ, nhưng con nước phía dưới dòng Thu Bồn nơi sát chân Hòn Kẽm Đá Dừng vẫn lọt thỏm dưới lòng sông. Một màu ngầu đục đã nhuộm dòng sông này từ ngày người ta bắt đầu làm thủy điện. Không ai nhớ làng chài Đầu Cồn ở thôn Thạch Bích (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) hình thành từ bao giờ, chỉ biết nhiều đời nay các cư dân ở đây sinh ra lớn lên, lập gia đình, sinh con đẻ cái và mưu sinh trên những chiếc xuồng gỗ nhỏ hẹp ven sông. Cứ thế, cuộc sống nơi làng chài bình yên trôi đi bên những triền dâu sát mé sông.
Chiều muộn, hơn chục chiếc thuyền nhỏ neo đậu sát nhau, nhấp nhô theo con sóng. Chèo chiếc xuồng con cũ nát đưa người vợ bán số cá vụn vừa đánh bắt được bán ngay tại đầu làng, lão ngư Phạm Gốc (77 tuổi) chua chát: “Mười ba ngàn đồng, một ngày đêm chỉ được chừng nớ. Cá mắm kiểu ni, chắc chết!”. Những con cá mương teo tóp, những con cá ngạnh, cá xanh trơ xương chỉ bằng ngón tay út là những gì vợ chồng ông Gốc trắng đêm chài lưới có được. Chưa bao giờ việc đánh cá của người dân làng chài Đầu Cồn thất bát như lúc này. Bà Ngô Thị Lụa, vợ ông Gốc, kể rằng lúc bà còn con gái, dòng sông Thu Bồn một màu xanh mượt. Cá nhiều vô kể, có đêm mưa dông cá dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng dính trắng lưới.
Lão ngư Phạm Gốc một đời mưu sinh ở thượng nguồn Thu Bồn. Ảnh: TẤN VŨ |
Làng chài Đầu Cồn có khoảng 20 hộ, với hơn 50 cư dân quây quần ở khúc sông này cùng nhau đánh bắt rồi cùng bảo vệ dòng sông như người nông dân chăm bón thửa ruộng của mình. Bà Lụa quả quyết, chưa một ai ở làng chài này dùng xung điện. Những tấm lưới đan cùng một cỡ, chẳng ai cần phải đánh cá thật nhiều để thừa mứa. Thấy lượng cá đánh được đủ kiếm sống trong một ngày, các ngư dân xếp vó, chèo thuyền đưa người sang sông để kiếm thêm thu nhập. Cứ thế, dòng sông cùng con người đã hòa quyện chung thủy ở đây đã nhiều đời. “Nhưng nay hết rồi! Từ ngày ngăn sông làm điện mọi thứ cạn kiệt. Nhiều loại cá bỗng dưng biến mất” – bà Lụa than thở. Bà tiếc những con cá mòi dầu thơm lừng, hay những con cá vượt, cá lấu… là đặc sản ở thượng nguồn sông Thu Bồn đã biến mất từ vài năm nay. “Sông bị ngăn, cá di chuyển không được lấy chi đẻ? Kiểu ni vài năm nữa thôi đến nhúm cá vụn cũng tìm không ra…” – bà Lụa nói như trách móc.
Cặm cụi vót lại những tấm phên che mưa cho chiếc thuyền cũ nát, ông Gốc chỉ vào bờ tre bên mé sông ngỏ ý tiếc rẻ vì dòng nước đã đột ngột tụt xuống quá nhanh từ khi thượng nguồn bị chặn dòng. “Nó xuống thấp hơn 3 mét so với mùa mưa năm ngoái. Nước xuống, cá cũng biệt tăm theo. Làng chài này chắc phải dọn đi nhưng lên bờ tôi đâu còn sức để làm nông…” - ông Gốc lo lắng.
Giấc mơ lên bờ
Lão ngư Gốc chèo thuyền lướt nhẹ trên sông, dẫn chúng tôi đi thả lưới trên khúc sông ngắn nước êm sát chân Hòn Kẽm Đá Dừng. Tiếng khua nước của tay chèo đánh lộp độp vào mạng thuyền theo từng nhịp trong đêm vắng buồn bã. Những năm trước, dưới ghềnh đá dựng đứng này là nơi cắm thuyền, thả lưới ưa thích của ngư dân. Từ ngày xuất hiện các rung chấn, không một ai dám bén mảng đến. “Mỗi khi động đất, đá trên đồi từng tảng to rơi xuống đánh ầm ầm dưới sông. Sợ quá, tụi tôi chống thuyền đi nơi khác để trốn” - ông Gốc kể. Không riêng gì người dân xóm chài, hàng trăm người khác đã phải đổ ra đường khi trận rung chấn mạnh nhất 4,7 độ Richter vừa xảy ra gần đây ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My. “Đêm đó, tôi nghe tiếng ầm ầm như sấm rền trên đầu. Mặt sông dậy sóng. Người trong xóm la làng thắp đuốc kéo nhau chạy ra phía đầu cầu treo mới xây. Thì ra một phần chân cầu bị sạt lở, hàng tấn đất đá đánh ầm xuống sông. Xóm làng một phen thất kinh” - ông Gốc kể.
Ngư dân xóm chài Đầu Cồn ở hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 sống trong thấp thỏm sau những gì xảy ra tại con đập này. |
Ông Gốc lập gia đình, sinh 4 người con gái cũng chính trên khúc sông này. Tài sản đầu đời cha mẹ hai bên gom góp cho vợ chồng ông là tay lưới và chiếc xuồng con. Bốn người con bây giờ ra riêng, người lên bờ dựng nhà, người theo chồng đi xa nhưng vợ chồng ông không muốn theo con. “Rốn của tôi được mẹ cắt thả trên sông này. Các con tôi cũng vậy. Tôi có chết cũng nhắm mắt ở bến sông này!” - ông nói rồi nhíu hai hàng lông mày, chua xót.
Đi không được, ở cũng không xong. Ông chống cằm nhìn những ngư dân trẻ chòm xóm khiêng ghe lên bờ, người sơn sửa lại, người chuẩn bị bán. Hầu hết dân làng chài sợ lũ cuốn đột ngột, nhất là nguy cơ từ các đập thủy điện. Từng chứng kiến nhiều cơn hồng thủy, đến giờ ông Gốc còn ám ảnh. “Trận lụt năm Giáp Thìn (1964), trên dòng Thu Bồn này đã có hàng ngàn cư dân ven sông chết thảm. Nhà cửa tan hoang, người chết la liệt, có người bỏ làng đi biệt. Hồi đó làm chi có thủy điện. Chừ thủy điện mà vỡ ra thì còn kinh khiếp gấp bội” - ông Gốc trầm ngâm.
Đầu Cồn là xóm chài duy nhất trên sông Thu Bồn, đoạn qua huyện Nông Sơn. Ở đó, người dân lấy thuyền làm nhà. Thấy khách lạ, vợ chồng anh Phạm Văn Vĩnh, chị Huệ ngừng sơn chiếc xuồng máy, chèo ghe mang nước chè xanh mời uống. Dự tính của vợ chồng anh sẽ sơn lại chiếc ghe rồi chống về phía hạ lưu ở Trung Phước hay Vĩnh Điện tìm chỗ hút cát, thay vì đánh cá như bấy lâu. “Cá không còn. Đây đến bờ thủy điện Sông Tranh 2 chỉ hơn 5km đường chim bay. Hỏi anh lỡ có chuyện chi thì làm răng chạy cho kịp?” - anh Vĩnh than.
Nhà có 4 người con, đứa con gái đầu Phạm Thị Mỹ Nương đã phải nghỉ học để nhường cho mấy đứa em. Ngoài việc phụ giúp cha mẹ đánh cá dưới sông, Nương còn phải chăm đàn em trong những đêm ba mẹ đi bủa lưới ngoài sông. Rót nước mời khách, Nương buồn bã: “Chẳng biết khi nào con rời khỏi xóm chài này để lên cạn”. Mấy tuần Nương không đến lớp, thầy hiệu trưởng lặn lội đến xóm chài động viên. Ba mẹ cô bé chỉ hứa hẹn “nếu có điều kiện sẽ đưa con đến trường trở lại”, nhưng chưa biết ngày nào. Ở xóm Đầu Cồn, rất nhiều em nhỏ với những cái tên đẹp như Mỵ Nương, An Khang, Huyền Trân, Như Ý… gói ghém ước vọng thầm kín của ba mẹ về ngày mai tươi sáng hơn, nhưng tất cả đều phải bỏ học sớm để phụ giúp gia đình. “Tìm cái ăn đã khó, nói chi chuyện đến trường” – anh Vĩnh thở dài.
Chị Lê Thị Phượng có chiếc xuồng nhỏ cắm sào sát ghe ông Gốc. Có người lạ, chị sang chơi. Chị là thế hệ thứ hai lớn lên từ khúc sông này. “Không có đất đai ruộng vườn nên sống nhờ “lộc” của dòng sông. Nhưng cá tôm ngày càng kiệt, nước đục, thủy điện ngăn dòng nên đánh bắt quá khó khăn” – chị chia sẻ. Nhìn con gái Nguyễn Thị Như Ý lui cui nhóm bếp ở cuối ghe, chị tấm tắc khen con: “Nó học giỏi lắm, vẽ nhất trường, đi thi cấp huyện. Mà nó học giỏi thì mình càng lo, biết lấy chi để ăn học đến nơi chốn”. Trên mé thuyền cũ, nhìn những bức tranh vẽ cảnh trường lớp, nhà cửa khang trang của Như Ý, tôi buột miệng: “Sao con không vẽ dòng sông, xóm chài hay vẽ mẹ?”. Ý lắc đầu: “Con thích lên bờ, thích có căn nhà xây trên đất như bạn bè con”.
Nhiều đời nay, cho đến lúc chết thì cư dân ở xóm chài Đầu Cồn mới được… lên bờ thực sự. Giờ đây, khi dòng sông ngày càng thay đổi, cuộc mưu sinh ngày càng khốn khó, thì ước mơ lên bờ càng thêm cháy bỏng. Nằm trước mũi ghe rít thuốc lá, ông Gốc lặng thinh chờ trời sáng. Tâm trạng của ông Gốc cũng chính là âu lo của nhiều cư dân Đầu Cồn lúc này, bỏ khúc sông đi không nỡ, ở lại cũng không xong…
TẤN VŨ