Vươn xa, để đón lấy cơ hội
Vài năm trở lại đây, số lượng thanh niên miền núi đăng ký làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế ngày càng nhiều, điều đó tạo cơ hội giúp người trẻ thoát khỏi tư duy “ở nhà và không muốn đi xa”.
Chuyện của Alăng Kiền
Vượt qua biết bao thăng trầm, cuối cùng, Alăng Kiền - chàng trai 27 tuổi, người Cơ Tu ở huyện Đông Giang đã trở thành kỹ sư phần mềm nâng cao tại Zühlke Engineering Vietnam (Tập đoàn Zühlke của Thụy Sĩ), đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.
Trước đó, khi đang học năm cuối đại học, Alăng Kiền ứng tuyển và trở thành kỹ sư phần mềm cho Công ty MGM technology partners Vietnam từ năm 2018 - 2021 tại TP.Đà Nẵng.
Đằng sau thành công của Alăng Kiền là cả quá trình “chiến đấu” với tư duy gò bó và nghèo đói cùng những nỗ lực thúc đẩy từ người mẹ. Bởi lúc ấy, gia đình Kiền rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, cuộc sống đều dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi từ vườn đậu, rẫy bắp, mỗi tháng chỉ cho thu nhập khoảng 500 nghìn đồng. Năm 2014, Alăng Kiền thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
“Khi có con đậu đại học, thường thì nhiều gia đình sẽ tổ chức tiệc mừng, nhưng nhà tôi thì lại gánh nỗi lo lớn, chạy vạy khắp nơi tìm mượn đủ 6 triệu đồng để tôi nhập học.
Lúc đó anh cả của tôi cũng đang học cao đẳng, mọi tiền ăn ở, sinh hoạt hàng tháng đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập của mẹ. Tôi quyết định bỏ học. Mẹ tôi không đồng ý. Bà kiên quyết bằng mọi giá phải cho tôi đi học, bởi mẹ tôi có niềm tin việc học sẽ giúp thoát nghèo” - Alăng Kiền chia sẻ.
Từ sự chắt chiu, gom góp của mẹ, Kiền khăn gói xuống thành phố viết tiếp giấc mơ giảng đường. Những năm tháng đại học, ngoài giờ lên lớp, Kiền còn sắp xếp thời gian đi làm thêm để trang trải bớt gánh nặng của mẹ. Nghĩ về gia đình và tương lai, Kiền nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập.
“Có năm, gia đình không đủ tiền nộp học phí, tôi viết thư gửi thầy hiệu trưởng xin được hoãn tạm thời. Nhiều tháng nghỉ hè, tôi làm công nhân thời vụ, rồi tự học thêm tiếng Anh, trau dồi kỹ năng giao tiếp, đáp ứng phát triển bản thân ở môi trường làm việc quốc tế như bây giờ” - Alăng Kiền tâm sự.
Những người tiên phong
Trở thành tiến sĩ ở tuổi 34 vào năm 2019, Alăng Thớ - giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) được biết đến như người truyền cảm hứng cho cộng đồng miền núi. Alăng Thớ là người Cơ Tu, quê ở huyện Đông Giang, từ nhỏ đã chịu khó vượt núi, rời làng để hiện thực ước mơ con chữ.
Chọn lập nghiệp ở thành phố, sau khi tốt nghiệp đại học, Alăng Thớ làm giảng viên Phân viện Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Từ môi trường này giúp anh “bén duyên” với các chương trình đạo tạo thạc sĩ, rồi tiến sĩ ở nước ngoài, trở thành gương điển hình trong học tập và trải nghiệm cuộc sống. Alăng Thớ nói, người trẻ miền núi bây giờ cần thay đổi tư duy, phải “đi ra học tập và làm việc ở bên ngoài” để đón lấy cơ hội phát triển.
“Những năm gần đây, tôi thấy Quảng Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Rất mừng là ngày càng có thêm nhiều thanh niên miền núi rời làng xuống thành phố học nghề, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Chính lực lượng này, sau thời gian học tập kinh nghiệm trở về quê hương khởi nghiệp, giúp thay đổi tư duy làm ăn, phát triển kinh tế trong cộng đồng” - Alăng Thớ nói.
Trong số các chàng trai của núi xuống phố, Danh Zoram - một tài năng trẻ của Tây Giang cũng là gương mặt ấn tượng. Quyết tâm lập nghiệp bằng con đường nghệ thuật, nhiều năm nay, Danh Zoram chọn ở lại TP.Hồ Chí Minh để phát triển sự nghiệp. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, sau thời gian theo đuổi đam mê sáng tác, Danh Zoram cho ra mắt và trình diễn hàng chục ca khúc ở nhiều thể loại, tạo dấu ấn đặc biệt với khán giả cả nước.
Trong số rất nhiều ca khúc được sáng tác, Danh Zoram dành phần lớn sáng tác cho cộng đồng miền núi. Điển hình như “Amay ơi”, “Gian khó”, “Đôi mắt Cơ Tu”, “Về quê em vùng cao”, “Kalang ơi”… mang âm hưởng dân ca núi rừng. Nhiều năm nay, Danh Zoram luôn là gương măt triển vọng và đoạt nhiều giải cao tại các đợt Tặng thưởng Văn học - nghệ thuật Quảng Nam. Danh Zoram nói, anh chọn xa quê để lập nghiệp không phải vì chê vùng đất nghèo khó, mà muốn phát triển khả năng âm nhạc, tiên phong khẳng định giá trị Cơ Tu đến với nhiều người hơn.