Khi tâm hồn chạm phím yêu thương
Trong tập thơ “Chạm phím yêu thương” (NXB Đà Nẵng), Lê Thị Điểm kể cho bạn đọc câu chuyện của đời người, lay thức nhiều hoài niệm được kết đọng, trải nghiệm từ ký ức bằng ngôn ngữ thi ca trữ tình.
Trong chuỗi phím yêu thương của Lê Thị Điểm, chúng ta thấy trên tất cả là mẹ, người đã gõ lên âm vang trong tâm hồn nhà thơ. Chị tâm sự đã từng trải qua thuở thiếu thời gần như không có tuổi thơ, với khá nhiều nỗi bất hạnh - cha mất sớm, mẹ quá khổ cực để nuôi con.
Chị lớn lên trên con đường được lát bằng tình yêu của mẹ: “Người về tìm vết thời gian/ xới lên bóng dáng tảo tần mẹ quê/ ngập ngừng tìm giữa bộn bề/ sợi mỳ in bóng cha về đâu đây” (Gánh Hội An).
Viết về mẹ, giọng thơ Lê Thị Điểm trầm buồn mà ngọt ngào, sâu lắng, thấm thía nỗi đời và cũng đầy chiêm nghiệm: “Chiều ruộng cạn/ sáng đồng sâu/ bão dông nắng rát cơ cầu ngày qua/ gạn mưa gió lọc phù sa/ chắt chiu từng giọt tinh hoa từ bùn” (Ủ đóa tinh khôi).
Ký ức về cha mẹ trong thơ chị có hình ảnh quê xứ, dẫu khốn khó nhưng là nơi nuôi dưỡng ước mơ con người: “Thu Bồn cuốn hết muộn phiền/ biền dâu bãi bắp cõi riêng một thời/ mẹ cha lam lũ cả đời/ cho con có cả vùng trời ước mơ” (Xứ rượu Hồng Đào).
Có lẽ, nhờ vậy mà tác giả dễ cảm thông với mọi cảnh ngộ để rồi sau này, khi chị trở thành mẹ, sự phản chiếu đó thăng hoa trong hạnh phúc: “Con/ hạt giống ngoi khỏi mặt đất nẩy mầm vui/ giữa vô vàn cỏ, cây, lau, lách/ bông hoa rừng thuần khiết/ tươi thắm đến với thế giới cuộc đời mẹ/ hòa nhịp hối hả dâng cao bất tận/ khổ đau/ hạnh phúc” (Giấc mơ mùa thu).
Đọc thơ Lê Thị Điểm, bạn đọc như đi cùng tác giả một đoạn đời cảm thông, thấu hiểu nỗi niềm chị gửi gắm trong từng câu chuyện vui buồn mà người thơ nếm trải, chắt lọc để chưng cất thành câu chữ. Nhiều điều có thể viết ra, cũng có điều không thể; nhưng bên trong bài thơ của chị có thể thấy được “niềm vui như vị khách phiêu diêu trong chính lòng mình” (Tiêu điểm).
Mỗi tác giả đều có câu chuyện của mình để kể, để sẻ chia cùng bạn đọc. Với Lê Thị Điểm, điều xác tín là các sáng tác của chị luôn ấp ủ khát vọng chân, thiện, mỹ qua dòng tự sự về mình, về người thân yêu, những nghiền ngẫm sự đời hay trải hồn mình với thế giới tự nhiên mà người thơ muốn “quàng tay ôm hết nồng nàn vào tim” (Ầu ơ quê tôi).
Thơ Lê Thị Điểm ít cầu kỳ về chữ nghĩa, không quá nặng về các dạng thức trình diễn nhưng mỗi câu chữ là sự đắn đo của ý thức người viết đương đại trong nỗ lực không ngừng tìm tòi những cách thể hiện - vừa đồng hành với bạn đọc vừa đổi mới nhưng không làm mất đi phong cách tác giả.
Với đặc quyền của người làm thơ là không biện lý mà vẫn diễn ngôn và với quyền hạn của người viết là không cần phải giải thích cho những điều bất khả, tôi có thể lọc ra nhiều câu thơ hay của Lê Thị Điểm, có khả năng tồn tại trong không gian thi ca độc lập: “Thân gầy hao khuyết đồng chiêm/ bước chân trầy trật xô nghiêng góc đời (Dấu hỏi)… Bạn cũng có thể đọc những bài thơ của chị và đồng cảm với tác giả - như cách nói của nhà thơ Pháp, Paul Éluard “Không ai có thể biết tôi/ Tốt hơn người biết thơ tôi”.
Suy cho cùng thì dù viết về điều gì, viết thế nào thì cuối cùng, nghệ thuật cũng để nói với con người, hướng về vẻ đẹp nhân sinh. Và tôi nghĩ, mỗi bài thơ của Lê Thị Điểm là một vệt cọ phủ màu lên ký ức để chạm phím yêu thương.