Là một trong những thiết chế văn hóa tâm linh quan trọng và tôn nghiêm, thế nhưng có vẻ như chưa bao giờ đình làng trở nên “khó gần” đối với mọi người. Ở hầu hết làng quê, đình làng không chỉ là nơi để thờ tự thành hoàng, các vị tiền bối hữu công mà còn là nơi vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn.
Từ xa xưa, đình làng đã trở thành “tâm điểm” của các sinh hoạt cộng đồng. Trong ảnh: Học sinh Tam Kỳ tìm hiểu về các giá trị lịch sử, văn hóa của đình làng Thạch Tân (xã Tam Thăng).Ảnh: B.A |
1. Lúc nhỏ, nơi mà suốt cả mùa hè bọn trẻ con chúng tôi vui chơi, từ bắn bi, trốn tìm, u mọi đến nhảy dây, đánh trổng... không đâu khác chính là sân đình. Không chỉ chơi, chúng tôi còn bày ra lắm trò nghịch phá, người lớn trông thấy thì... thất kinh, riêng bọn trẻ chúng tôi thì vẫn bình chân như vại. Hết năm này qua tháng khác chơi đùa nghịch phá, sự “trừng phạt”, quở trách của thần linh như lời hăm dọa của người lớn đã không hề xảy ra. Đình, chính xác hơn là các vị thần được thờ ở đó, vẫn hiền lành hết mực. Phải chăng cũng vì sự “hiền lành” ấy mà có kẻ dám “đổ vạ” cho đình, nhằm bao biện cho một khiếm khuyết của bản thân, như trong một câu ca quen thuộc: “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng đều thế phải mình chi em”?
Thường xuyên chơi ở đình, chúng tôi được chứng kiến bao nhiêu là chuyện. Có người bị mất con gà bèn ra đình khấn vái nhờ thần thánh ra tay trừng trị kẻ cắp giấu mặt. Có người bị chồng đánh nhưng không nhờ hàng xóm khuyên can lại chạy ra đình ngồi khóc. Hay như thằng bạn tôi, học lớp 1 tới những... 3 năm, chẳng rõ ai chỉ vẽ mà cha mẹ nó đem nải chuối ra đình khấn vái, cuối năm đó nó được lên lớp 2(!)... Khi phong trào bài trừ mê tín dị đoan được phát động ồ ạt, đình làng bị đập phá, nơi mà bọn trẻ chúng tôi tụ họp, vui chơi khi đi chăn bò, nơi người dân trong làng thỉnh thoảng đến khấn vái khi hữu sự... lại vẫn là gò đất cũ quanh cây bồ đề còn sót lại. Và, dù bị đập bỏ nhưng “đình” vẫn đồng hành với lũ trẻ con chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ, bởi toàn bộ khung sườn và mái ngói của đình được dời sang một khu đất khác để làm trường học.
2. Đình là nơi để thờ cúng, hẳn rồi. Nhưng không chỉ có thờ cúng. Trong khi tổ chức các nghi thức tâm linh ở đình làng, bên cạnh phần lễ tôn nghiêm hầu như bao giờ cũng có kèm theo phần hội hè huyên náo. Thậm chí, nhiều nơi, có khi phần hội còn áp đảo hơn so với phần lễ cả về thời gian lẫn không gian... Ở nhiều làng quê Bắc Bộ, lễ hội đình làng có khi kéo dài đến 2 - 3 ngày; trong đó phần lễ chỉ chiếm 1/5 thời gian. Ngay như ở Quảng Nam, tuy được tiếng là ít câu nệ lễ nghi hội hè vậy mà trước đây, lễ cúng đình hằng năm của nhiều làng - nhất là những làng có truyền thống lâu đời, cũng kéo dài tới hơn một ngày; trong đó phần lễ nghi cúng kính chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại chỉ để ăn uống, vui chơi, nói chuyện ruộng vườn gà vịt... và cả những chuyện liên quan đến vận mệnh đất nước.
Theo khảo sát của một số nhà nghiên cứu, nhiều đình làng ở Quảng Nam trước đây như Hương Trà, Tứ Bàn (Tam Kỳ), Diệm Sơn (Điện Tiến, Điện Bàn), Chiên Đàn (Tam An, Phú Ninh), Bàu Tròn (Đại An, Đại Lộc), Mỹ Xuyên (Nam Phước, Duy Xuyên)... trong các ngày lễ hội làng luôn có múa lân, hát bội, hò khoan đối đáp, chơi các trò chơi dân gian thâu đêm suốt sáng. Vào những thời điểm đặc biệt của lịch sử đất nước, cùng với nhiều nơi khác, phần hội trong các dịp lễ quan trọng ở những ngôi đình làng này đã chuyển mục đích từ giải trí thuần túy sang phục vụ cách mạng với những lời ca tiếng hát phát động phong trào quần chúng, kêu gọi thanh niên lên đường tòng quân... Nhiều ngôi đình trở thành cơ sở hoạt động bí mật của du kích, thành nơi cất giấu vũ khí, lương thực, nơi tuyên thệ, hội quân trước những trận đánh lớn...
3. Còn một chi tiết khác nữa, không thể bỏ qua, đấy là tự bao giờ chẳng rõ, đình làng còn là nơi hẹn hò, trao duyên của các đôi trai gái. Họ lấy đình làng làm nơi chốn, làm cái cớ, làm nhân chứng, làm vật trung gian để ngỏ lời, để hò hẹn, thề nguyền... Nhẹ, là đôi câu buông lơi tưởng bâng quơ nhưng đầy chủ đích: “Trúc xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh”. Mạnh bạo hơn, có chàng thi sĩ dân gian còn dám lấy số ngói ở mái đình đem ví von với tình cảm của mình: “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói tôi thương mình bấy nhiêu”... Còn như ở quê tôi, các thế hệ nam thanh nữ tú thay vì gửi nhớ thương vào thơ thì lại dùng “mộc bản đề danh” để bày tỏ “tiếng lòng”. Trên thân cây bồ đề rất to ở góc sân đình thi thoảng lại xuất hiện thêm mấy dòng chữ mới, được khoét sâu vào vỏ cây, như “A yêu B”, “A & B”, cùng với đó là hình đôi trái tim lồng vào nhau hoặc là hình một trái tim rỉ máu với một mũi tên xuyên ngang. Cũng có lúc, những “tiếng lòng” kiểu ấy còn được viết, được khắc lên bức tường hậu tẩm và tả, hữu.
Trong tập khảo cứu “Sống đời của chợ” (NXB Hội Nhà văn, 2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, “đình là biểu tượng về nam quyền” và, “Nhìn từ góc độ giới, chợ là của đàn bà, chùa cũng là của đàn bà còn đình là của đàn ông”. Những nhận định của nhà nghiên cứu này đều xuất phát từ các căn cứ khoa học và luận chứng rất cụ thể, sinh động nên có sức thuyết phục. Thế nhưng, với riêng tôi, đình làng là của cả cộng đồng làng, của mọi người chứ không của riêng ai, dù cái riêng ấy chỉ mang tính “biểu tượng”. Bởi lẽ, từ xa xưa, thiết chế đình làng đã “nằm” hẳn vào tâm thức con người Việt Nam, vừa là nơi chốn tôn nghiêm, là điểm tựa tinh thần, vừa là một “tâm điểm” của các sinh hoạt đời thường, vừa là nơi hội tụ, kết nối và lưu giữ hồn quê. “Qua đình ngả nón...”, vì thế, còn là để ngưỡng vọng, tri ân, để chân mình không lạc bước, chứ đâu chỉ để “đếm” nỗi lòng mình!...
BẢO ANH