Ở Thái, dù đặt chân đến các dãy phố xa hoa, cung điện nguy nga hay vào chợ nổi, khu nhà ổ chuột ven sông, tôi cũng đều bắt gặp những nụ cười thân thiện, hiền từ của người dân bản địa.
Dòng sông thiêng
Mùa này, đất Thái nắng gắt. Đường phố hối hả xe cộ và thưa bóng người tản bộ. Từ đại lộ thênh thang giữa thủ đô Bangkok, xe ngoằn ngoèo trên con đường nhỏ hẹp đưa chúng tôi cập bến thuyền Tha Chang, nơi gần Hoàng cung Thái Lan và trung tâm shopping ở bến River City. Con thuyền đuôi dài chở hơn 30 du khách chạy dọc sông Chao Phraya ở phía Thonburi của thành phố Bangkok để ngắm những công trình kiến trúc đồ sộ, đền chùa phủ màu vàng cổ kính. Trên bến dưới thuyền, không khác gì mấy sông Hoài ở TP.Hội An. Đủ các sắc tộc màu da của bốn bể năm châu hội tụ về tham quan thắng cảnh bên dòng sông này.
Một ngôi chùa vàng ở Bangkok. |
Sóng vỗ mạn thuyền tròng trành. Nhìn ráng chiều hoàng hôn đỏ rực, bất giác, tôi liền nghĩ đến 2 câu thơ trong tác phẩm “Hoàng Hạc lâu” của thi sĩ đời Đường - Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Hoàng hôn về đó, quê nhà đâu?/ Khói sóng trên sông não dạ người). Lòng người ngắm cảnh cũng miên man nỗi nhớ quê nhà, rồi tự hỏi chỗ nào là dừng chân, đâu là nơi bình yên để sống giữa cõi thực đời thường. Dòng sông là phận đời, là nơi cưu mang cho con người, thậm chí nó còn là lát cắt lịch sử của dân tộc. Tôi đã từng lành lạnh sống lưng khi nghe ai đó đọc: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” của nhà thơ Lê Bá Dương. Đó là dòng sông nhuốm màu máu và nước mắt một thời mưa bom bão đạn.
Những ngôi chùa Thái bên bờ sông Chao Phraya. |
Còn trên dòng Chao Phraya đổ ra sông mẹ Mê Kông, chỉ thấy lần lượt ghe thuyền chở khách du lịch chầm chậm lướt, hoặc tắt máy khi đi qua những đền thờ, ngôi chùa vàng xây dựng trên bờ sông. Thuyền neo đậu trước chùa để du khách mua bánh mỳ làm thức ăn cho cá. “Ban phước” cho loài thủy sinh cũng là cách cầu may cho mình, cho gia đình, người thân. Người Thái luôn coi trọng tục lệ phóng sinh cho cá, cho chim. Dân bản địa tuyệt nhiên không đánh bắt cá quanh khu vực có chùa chiền, vì họ quan niệm nếu ăn sẽ có tội với Phật. Cho nên, cá ở đây nhiều vô kể, bất cứ lúc nào chỉ cần thả miếng mồi xuống nước là lũ cá liền ngoi đầu lên đớp. Cá sông dày đặc, to lớn còn hơn cá nuôi trong ao. Hóa ra, những dòng sông chở nặng phù sa, giàu nguồn lợi thủy sản nơi đây được bồi đắp từ chính thái độ ứng xử, tư tưởng về đạo Phật của con người Thái.
Đạo và đời
Giữa cái nắng đổ lửa của ngày hè, chúng tôi “trôi” bồng bềnh theo những dòng kênh rạch để đến chợ nổi Damnoen Saduak thuộc tỉnh Ratchaburi, nằm cách Bangkok gần 2 tiếng đi ô tô. Đi chợ mà cứ ngỡ như đang ngắm một sân khấu dàn dựng bởi mọi thứ nơi đây đều rất đẹp. Đầy ắp các gian hàng nửa nổi nửa chìm mấp mé bên bờ nước. Những con thuyền gỗ bày biện đủ đặc sản trái cây, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, thức ăn truyền thống... Các cô bán hàng người Thái mời khách với nụ cười trìu mến. Mùi thơm lừng tỏa ra từ các lò nướng thịt, hải sản trên thuyền.
Du khách tham quan bằng thuyền trên chợ nổi. |
Trên dòng kênh, phụ nữ Thái đẩy mái chèo, thong dong đưa khách dạo quanh chợ nổi. Trên con thuyền, các nghệ sĩ đàn hát những làn điệu dân ca Thái nghe ngồ ngộ. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người trên thế giới đến đây tham quan, mua sắm, thưởng thức các món ăn truyền thống; tấp nập thuyền buôn bán qua lại nhưng rất hiếm bắt gặp cảnh rác thải vứt bừa bãi dưới nước. Người Thái rất có ý thức giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng. Kim - cô hướng dẫn viên cho đoàn là người Thái gốc Việt cho biết, ở đây vứt rác bừa bãi nơi công cộng sẽ bị xử phạt rất nặng nên người dân đã được giáo dục ngay từ thời bé.
Sáng đi chợ, chiều dừng lại chốn thiêng thỉnh cầu Phật. Chợ và chùa. Một nơi là đời, một bên là đạo. Một nơi là thế giới xô bồ; còn một nơi xem trần gian chỉ là cõi tạm. Ở xứ chùa vàng, nơi mà 95% người dân theo đạo Phật, nên Phật giáo được xem là quốc đạo. Sau mỗi lần thỉnh Phật, tôi chọn một góc khuất trên cao để ngắm dòng người đông như hội đủ màu da, sắc tộc xếp hàng vào thăm di tích. Những khách Tây vào các chùa chiền luôn lấn át dân châu Á. Thái Lan không phải là cái nôi của phật giáo, nhưng đất nước này cho thấy rằng niềm tin của họ về đạo Phật rất lớn. Không ngạc nhiên khi thấy người Thái thường cúi đầu và mở cửa miệng là “Wai”. Wai, tiếng Thái nghĩa là xin lỗi dù họ chẳng có lỗi gì. Nam giới đến tuổi trưởng thành bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ “buat phra” (đi tu trả hiếu cho mẹ). Đi tu để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và rèn luyện đạo đức. Thanh niên nào cũng phải trải qua ít nhất một lần trong đời đi tu trước khi trở về đời thường. Ngay cả nhà vua, hoàng gia cũng ít nhất một lần đi tu. Nhiều ngôi chùa nơi đây cũng là trường học dạy trẻ hình thành nhân cách, biết yêu thương và tha thứ...
Làm giàu kiểu Thái
Người Việt chiếm một số lượng không nhỏ khi đến tham quan các đền chùa ở Thái. Và nơi đây đều có phòng bán các đồ lưu niệm nhưng không thấy cảnh bát nháo, chen lấn ồn ào. Sau khi được vị sư thầy đọc kinh và rắc nước thiêng lên mặt, khách nườm nượp mua đồ lưu niệm có mặt Phật với mong ước cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình. Điều lạ, nhiều người trong đoàn dù đã… cạn túi tiền vẫn cố mượn thêm tiền hướng dẫn viên mua sắm cho bằng được. Chị Huệ Phương, kinh doanh quần áo trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ) mua sợi dây chuyền bằng vàng có mặt Phật trị giá cả nghìn đô la Mỹ. Chị chia sẻ: “Nghe cách dẫn dắt, thuyết giảng về kinh Phật của người ta, mình như bị thôi miên. Tiền bỏ ra không tiếc, đeo nó vào người, mình cầu mong sẽ có quý nhân phù hộ”.
Hơn 95% dân số Thái theo đạo Phật, một bộ phận dân cư khác theo đạo Hồi hay Thiên Chúa giáo. Vì vậy, những lối kiến trúc chùa, tháp của Thái Lan mang ảnh hưởng của đạo Phật. Theo hiến pháp của nước này thì quốc vương cần phải kính tin Phật giáo, hơn nữa, còn là người ủng hộ Phật giáo hay là “Nhà vua tín ngưỡng Phật giáo và là người bảo vệ tôn giáo”. |
Hầu như đoàn khách Việt Nam nào sang Thái cũng có hướng dẫn viên người Việt ở nước sở tại đi kèm. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, người Thái thường sử dụng những phòng tiếp khách thân thiện, chỉ tầm đủ cho một đoàn tham quan 30 - 40 người. Ở đó sẽ có các chuyên gia tư vấn nói tiếng Việt sành sỏi, họ gần như trả lời mọi thắc mắc của du khách. Ngay bên cạnh các điểm xiếc thú là khu thương mại bày bán đủ loại sản phẩm có nguồn gốc từ thú. Chẳng hạn, sau khi dẫn khách tham quan về quy trình khai thác tổ yến, chế biến là đến phòng bày bán các sản phẩm của yến. Sau màn trình diễn xiếc hổ, cá sấu là bán các sản phẩm làm từ da hổ, cá sấu... Những sản phẩm bày bán ở đây thông thường đắt hơn trong nước nhưng nhiều người vẫn không tiếc tiền mua sắm. Ở các trung tâm mua sắm, khách sạn hạng sang muốn truy cập internet du khách cũng phải bỏ tiền ra mua, hiếm tìm thấy chỗ miễn phí.
Tại thành phố Pattaya được mệnh danh là “thành phố ma quỷ”, mọi hoạt động ăn chơi nhảy múa đều diễn ra vào ban đêm. “Phố đèn đỏ” dài 2km ngay sát bờ biển diễn ra thâu đêm suốt sáng. Những show diễn về đêm thường hút khách du lịch nhiều nhất, đặc biệt là show pê-đê muốn xem phải tốn đến 1.500 baht Thái (hơn 1 triệu đồng tiền Việt). Ai muốn chụp hình chung với vũ công cũng đều phải bỏ tiền. Các ca sĩ, vũ công trình diễn là nam giới đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chuyển giới 100%. Họ hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… Kết thúc một bài hát Việt là những tiếng vỗ tay reo hò vang cả sân khấu về đêm. Kim - người hướng dẫn viên du lịch tiết lộ, hầu hết công ty lữ hành tổ chức tour đều chọn Pattaya làm điểm dừng chân đầu tiên cho du khách rồi mới kết thúc ở Bangkok, vừa thuận tiện cho hành trình đi lại nhưng đồng thời cũng chuyển tải thông điệp: sau khi đối mặt với “đời” trải nghiệm ở thành phố “ma quỷ”, điểm cuối cùng con người phải quay về với thiên thần, với “đạo” - đạo làm người. Và “bí quyết” mà người Thái làm giàu, phát triển ngành công nghiệp không khói bền vững chính là hướng thiện cho con người.
Ghi chép của TRẦN HỮU PHÚC