Ai đó đã từng nói, hạnh phúc của người thầy chính là sự trưởng thành từng ngày về tri thức và nhân cách của học sinh. Và các thế hệ thầy cô giáo Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) rất mừng vui khi thấy “quả ngọt” mà mình gieo trồng, vun xới 40 năm qua…
Những ngày xưa...
Trong ký ức của các thầy, cô giáo những năm đầu thành lập, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng trên một ngọn đồi ở thôn Phái Nam, cách trung tâm huyện 3km, với 8 phòng học cấp 4 đơn sơ tạm bợ và chỉ có 4 lớp học (1 lớp 11, 3 lớp 10) với gần 180 học sinh, 8 giáo viên và 2 nhân viên. Sau một năm, trường chuyển về trung tâm huyện, lấy cơ sở vật chất của trường cấp 2 làm nơi giảng dạy. Năm 1985, trường chuyển thành mô hình Trường Phổ thông cấp II - III Huỳnh Thúc Kháng. Đội ngũ giáo viên được tăng cường để đáp ứng số lượng học sinh tăng gấp bốn lần so với 10 năm trước. Năm 1995, Trường Phổ thông cấp II - III Huỳnh Thúc Kháng lại chia tách thành hai cấp học để thành lập Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng, nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
thi đua dạy tốt trong hội đồng sư phạm luôn được trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chú trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Ảnh: V.H.S |
“Bao khó nhọc ngày ấy làm sao diễn tả hết được. Lương giáo viên giai đoạn đó mỗi tháng vài ba chục đồng. Ngoài thời gian đến lớp, nhiều thầy cô phải đi đào giếng, trồng sắn, cột chổi đót… để cải thiện đời sống. Những câu chuyện về cơm độn sắn mãi là kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức xưa của các thầy cô giáo cũ như chúng tôi. Khó khăn là thế nhưng họ vẫn miệt mài bám trường, bám lớp, được trân trọng và yêu thương bởi phụ huynh và các thế hệ học sinh”, thầy Nguyễn Khánh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ. Theo tiêu chuẩn, mỗi tháng thầy cô chỉ mua được 4kg gạo, chuyện cơm độn sắn là bình thường. Có nhiều thầy cô bị đau ốm, thấy chén cơm trộn mì sợi với đĩa muối rang mỡ mà nước mắt chảy dài, nuốt không nổi. “Rứa mà cũng qua hết, vẫn đến lớp, vẫn cháy hết mình để khơi ngọn lửa tin yêu và hoài bão trong các em học sinh. Những ngày tháng ấy thật đáng trân trọng biết bao” - thầy giáo Lương Việt Ân, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng, bồi hồi nhớ lại.
Bốn mươi năm sau, trường có 21 phòng học, 31 lớp với hơn 1.300 học sinh và 90 giáo viên, nhân viên. Từ vài ba phòng học tạm bợ trong những ngày đầu thành lập, đồ dùng dạy học hầu như không có gì, nay trường đã thay đổi không ngờ, theo kịp sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, trường có đầy đủ các phòng thực hành, y tế, truyền thống, khu vui chơi, khu thí nghiệm, đèn chiếu, vi tính… đạt chuẩn.
Nhân tài khoa bảng
Nhiều năm qua, trường luôn ở top 10 của các trường THPT của tỉnh về tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học (ĐH). Số lượng học sinh giỏi khá cao, năm học sau luôn cao hơn năm học trước. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt trung bình hơn 92% và thi vào ĐH năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu, trường đã có 8.000 học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, cao đẳng. Trong 20 năm gần đây, nhà trường có hơn 300 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều học giỏi đoạt giải cấp quốc gia, hơn 51 huy chương các loại trong kỳ thi Olympic truyền thống. Đặc biệt, cựu học sinh có học vị tiến sĩ, thạc sĩ trên 40 người. Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp ngày càng tăng.
Ra mắt tập san “40 năm xây dựng và phát triển Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng” Tập san “40 năm xây dựng và phát triển Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng” dày 210 trang vừa được ra mắt tháng 3.2017 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập trường THPT đầu tiên của huyện Tiên Phước. Tập san gồm các bài viết của lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo huyện và các cựu học sinh, các thầy cô giáo đã và đang giảng dạy tại trường… phản ánh về quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong 40 năm qua. |
Trong 40 năm qua, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã đào tạo bao thế hệ học trò tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó, có nhiều gương mặt tiêu biểu, đại diện cho từng lứa học sinh tài năng, là nguồn nhân lực chất lượng cao đang lan tỏa, làm việc khắp nơi trên đất nước, thậm chí ở nước ngoài. Nhiều cựu học sinh tiêu biểu của nhà trường thành đạt trên nhiều lĩnh vực như TS. Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ TN&MT), ThS. Nguyễn Thị Thu Lan (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Trưởng ban Dân vận), TS. Võ Văn Toàn (giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn), Thượng tá Nguyễn Quốc Hương (Sư đoàn trưởng Sư đoàn BB II), Nguyễn Thị Ý Nhi (Giải nhất cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 năm 2007), bác sĩ Chuyên khoa II Lê Văn Minh (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng), doanh nhân Lê Đức Hoài (tỉnh Đồng Nai), doanh nhân Lê Quang Nhật (TP. HCM)... “Đến bây giờ, khi đã trở thành một công dân toàn cầu, được đi khắp nơi trên thế giới, làm việc với các doanh nhân, chính khách Singapore, Oman, Nhật Bản, Thái Lan… tôi vẫn không thể nào quên những ngày tháng được ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, tình cảm của thầy cô khi ấy đã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho học sinh nghèo như tôi vươn lên. Chính điều đó đã tạo sức bật để chúng tôi có được ngày hôm nay. Tôi luôn ghi khắc và mãi mãi không bao giờ quên điều này cho đến hết cuộc đời” - doanh nhân Lê Quang Nhật chia sẻ.
Nối dài những ước mơ
“Lần đầu tiên tôi về thăm trường sau 20 thành lập, lúc ấy tôi đã cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một ngôi trường miền núi. Sức mạnh tinh thần lan tỏa từ một tập thể hội đồng sư phạm đoàn kết, có năng lực, giàu tâm huyết với nghề. Hai mươi năm sau, sự kỳ vọng của tôi đã trở thành hiện thực khi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là đơn vị đầu tiên của bậc THPT khu vực miền núi là 1 trong 12 trường THPT của tỉnh phấn đấu và đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 - 2015. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là một trong những điểm sáng về chất lượng giáo dục ở bậc THPT của tỉnh, được Sở GD&ĐT và lãnh đạo địa phương đánh giá cao”. (ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT) |
“Niềm vui của những người làm thầy không chỉ giản đơn là việc học trò của mình bay cao, bay xa, thành công trên những chặng đường mà các em đã, đang lựa chọn. Hạnh phúc không thể nói hết bằng lời chính là sự sẻ chia của cựu học sinh thành công, thành danh quay trở về chia sẻ tình cảm, trách nhiệm của một người học trò cũ. Nhà trường chưa có một con số thống kê cụ thể về số tiền mà các cựu học sinh tài trợ học bổng cho lớp đàn em của mình, góp phần nâng cánh ước mơ của thế hệ đàn em, nhưng chắc chắn con số không phải là ít” - thầy Cái Văn Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nói. Trong số những khóa học trò cũ luôn tìm cách nối dài những ước mơ cho thế hệ đàn em hiện nay là những học trò cũ khóa học 1986 - 1989. “Thấu hiểu những khó khăn, vất vả khi vừa đi học, vừa đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, khi thành công trên đường đời, bao học trò cũ lại quay về giúp thế hệ đàn em” - anh Nguyễn Văn Ba, cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước, chia sẻ.
Không những thế, nhiều mạnh thường quân là học sinh cũ dù không thường xuyên, không hẹn hò nhưng mỗi khi có dịp lại quay về hỗ trợ nhà trường cả về vật chất lẫn tinh thần. “Tình thầy trò ngày xưa trân quý vô cùng. Nhiều lứa học trò bươn bả trên đường đời nhưng mỗi khi về quê đều ghé thăm trường, thăm thầy. Khi biết trường có việc, cần hỗ trợ là các em kêu gọi, chung tay giúp sức chẳng nề hà. Chúng tôi xem đó là món quà vô giá trong cuộc đời làm giáo viên miền núi của mình” - thầy Nguyễn Tiến, cựu giáo viên của trường tâm sự. Được sự động viên góp sức của bao học trò cũ, tập thể giáo viên của trường càng thấy nhiệm vụ, trọng trách của mình hơn. “Yêu cầu của đổi mới giáo dục ngày càng đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường phải nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu dạy và học nhằm nâng cao tri thức cho các em. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, nhà trường cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với bề dày truyền thống trong 40 năm qua. Và chúng tin rằng, với một tập thể luôn đoàn kết, hết lòng vì đàn em thân yêu, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sẽ đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và học tập cũng như xây dựng nhà trường khang trang bề thế, vững mạnh về mọi mặt” - Quyền Hiệu trưởng Cái Văn Hùng nói.
VƯƠNG HẰNG SA