"Quả ngọt" thu hút đầu tư

TRỊNH DŨNG 25/03/2017 06:45

Công tác cải thiện môi trường đầu tư đang được triển khai với nhiều hoạt động cụ thể và đã đạt những kết quả bước đầu. Để tiếp tục tạo ra lực hấp dẫn nhà đầu tư, rất cần những giải pháp hợp lý, tạo hiệu ứng từ phía doanh nghiệp.

Các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp của lãnh đạo UBND tỉnh qua hoạt động “cà phê doanh nhân” cũng là cách để cải thiện môi trường đầu tư.Ảnh: TRỊNH DŨNG
Các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp của lãnh đạo UBND tỉnh qua hoạt động “cà phê doanh nhân” cũng là cách để cải thiện môi trường đầu tư.Ảnh: TRỊNH DŨNG

Tạo sức hấp dẫn

Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong 20 năm qua của Quảng Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Khởi sự từ Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh ủy năm 2009, Quảng Nam đã đưa ra nhiều chỉ thị, kế hoạch hành động cụ thể cho một cuộc đua đường trường. Những “sáng kiến” một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ, mở cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình cà phê doanh nhân, thành lập tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư, mở các kênh đối thoại hay sự ra đời của trung tâm hành chính công đã hiện thực hóa các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền.

Không khí đầu tư thực sự sôi động ngay từ đầu năm 2017. Trường Hải tuyên bố sẽ giải ngân 6.600 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần năm 2016) để đầu tư, nâng cấp Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải. Tập đoàn này khởi sự bằng một cuộc ký kết với Tập đoàn LS Mtron (Hàn Quốc). Một nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị các loại sử dụng trong nông nghiệp do LS Mtron chuyển giao công nghệ với tỷ lệ nội địa hóa đến 50% và phân phối độc quyền tại Việt Nam mang thương hiệu Thaco sẽ chính thức hoạt động vào tháng 10.2017. Nhà máy bia Heineken hay Suntory Pepsico đã sẵn sàng thâm nhập thị trường. Tập đoàn Prime sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã…

Theo thống kê mới đây của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, hiện Quảng Nam còn khoảng 5.293 doanh nghiệp đang hoạt động, 129 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký 1,98 tỷ USD, gấp hơn 31 lần so với năm 1997 (riêng năm 2016 cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD và 1.050 doanh nghiệp gia nhập thị trường). Chưa có một cuộc khảo sát cụ thể, nhưng số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh (khoảng 20 - 25% mỗi năm), sẵn sàng mở rộng sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ tăng vốn đầu tư 11%, tăng quy mô lao động 12%, 60% doanh nghiệp báo lãi, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ chỉ còn 25% và 50% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư. Hơn 13.745 tỷ đồng thu ngân sách nội địa năm 2016 và chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2017, tổng thu ngân sách nội địa đã tăng 16,7%, vượt xa con số 10,9% của cả nước, chứng tỏ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sự vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp của Quảng Nam đã thực sự mang lại hiệu quả. Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho biết, kết quả thu hút đầu tư chưa phải là thành công lớn, nhưng đã cho thấy nỗ lực của Quảng Nam trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.

Cuộc chạy nước rút

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc đầu tư thuận lợi, hanh thông của các nhà đầu tư hiện tại là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của tỉnh, tác động tích cực đến sự quan tâm của các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, trong vài cuộc gặp gỡ gần đây, nhiều doanh nghiệp cho biết các chính sách được xem là thành công nhất của Quảng Nam với những quyết định giảm bớt thủ tục, quy định, không phải là những chính sách trực tiếp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Những cải cách hành chính ấy quan trọng nhưng không mang tính quyết định. Trung tâm hành chính công chỉ mới vận hành được hơn 2 tháng, còn các cơ chế vẫn đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu quả của những cải cách này. Sự thiếu hụt lao động, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là việc ách tắc giải phóng mặt bằng, không có đất sạch cho dự án… dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính trong môi trường đầu tư tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cho biết, tuyển nhân viên giỏi và lao động có tay nghề tại Quảng Nam rất khó. Tuyển quản lý cao cấp thì gần như không thể. Khu công nghiệp Tam Thăng đã phải buộc lòng từ chối tiếp nhận thêm các dự án mới vì thiếu lao động hoặc vùng đông nam rộng lớn đang loay hoay hạ tầng vì thiếu nguồn lực đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, những cơ chế hấp dẫn như được quyền lựa chọn, quyết định dự án đầu tư phù hợp, đơn giá đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác hay được hỗ trợ một phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đào tạo lao động… cũng chỉ là những cải thiện nửa vời khi không giải quyết được bài toán cung cấp mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Sẽ rất khó, nhưng phải kiện toàn việc quản lý hiện trạng, hoàn tất việc bồi thường, giải tỏa, giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư sẽ bắt đầu bằng khái niệm “chính việc”. Chỉ cần “người nào, việc ấy” là hiệu suất của bộ máy hành chính sẽ được nâng lên rõ rệt.

Quảng Nam đã chính thức đưa ra kế hoạch nâng chất từng chỉ số cụ thể, nỗ lực đầu tư hạ tầng hoàn thiện, kết nối các khu vực kinh tế nam - bắc, đông - tây hay hỗ trợ đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cho thấy quyết tâm thay đổi của Quảng Nam. Hy vọng với cuộc cải cách đang mở, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ xoay chiều tốt hơn trong thời gian tới.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Quả ngọt" thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO