Sau nhiều nỗ lực cống hiến của đội ngũ y - bác sĩ, cuối năm 2015, Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là một tưởng thưởng dành cho tấm lòng vì nhân dân của các lương y nơi đầu nguồn sông Thu.
Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: TÂM LÊ |
Gian khó vẫn hết mình
Nông Sơn vốn được thành lập từ chia tách 5 xã vùng tây của Quế Sơn - vùng đất mà các loại hình dịch vụ còn quá thiếu và yếu, trong đó có y tế. Khi còn thuộc huyện Quế Sơn, đau ốm gì người dân nơi đây cũng phải băng đèo Le đến trung tâm huyện ở Đông Phú; người bệnh nặng hơn thì chạy tuốt xuống đồng bằng, ra thành phố lớn. Nhớ lại những ngày này, nhiều cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn còn rùng mình. Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn chia sẻ: “Trước khi chia tách huyện, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tại vùng bán sơn địa này được Phòng khám Đa khoa khu vực Trung Phước đảm nhận. Phòng khám lúc đó chỉ có 16 cán bộ; cơ sở điều trị nội trú và trang thiết bị y tế thiếu trầm trọng”. Không chỉ có vậy, vùng đất này còn được biết đến là một địa phương đầy trắc trở, bởi địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên hứng chịu mưa bão, lốc xoáy, lũ quét và cô lập trong mùa mưa lũ. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; là vùng dễ dàng xảy ra các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng… Khó khăn muôn vàn, nhưng đã chọn lấy nghề cứu người thì phải trăn trở, phải đau đáu. Hơn chục con người khi ấy, sống trong một gian nhà tập thể nằm cạnh phòng khám, đã không nề hà sáng sớm hay đêm muộn, vùng xa xôi cách trở đò ngang hay những chuyến vào núi cứu người. Họ làm việc với tâm nguyện lấy tình thương làm nguồn cơn và lấy sức khỏe người dân làm niềm vui, hạnh phúc.
Tuổi trẻ Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Ảnh: N.S |
Đến những ngày đầu sau khi thành lập huyện, Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn được thành lập (năm 2008) trên cơ sở tiếp quản Phòng khám Đa khoa khu vực Trung Phước và một phần tách ra của Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn. Mọi áp lực dường như nặng hơn trên vai các y - bác sĩ của trung tâm. Nhưng họ vẫn không từ nan, để đảm bảo mọi điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân vùng thượng nguồn. Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn nói: “Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về hạ tầng y tế, những năm qua, Trung tâm Y tế Nông Sơn đã có những bước phát triển đột phá trong công tác hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ được tăng cường (bình quân 3,6 bác sĩ/vạn dân); thực hiện tốt các chương trình y tế cộng đồng, chủ động phòng chống không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng; 4/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Đảm bảo điều kiện tốt nhất
Sau khi chia tách thành lập huyện Nông Sơn, một trong những việc quan trọng mà lãnh đạo địa phương xác định là phải đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế huyện. Đến nay, trung tâm đã được đầu tư đưa vào sử dụng các khu nhà khám và điều trị nội trú; hoàn thành đưa vào sử dụng Trạm Y tế xã Phước Ninh, nâng số xã có trạm y tế lên 5/7 xã. Không chỉ có vậy, công tác đào tạo được quan tâm hàng đầu, với việc đã cử đi học 17 bác sĩ hệ liên thông, 13 bác sĩ hệ cử tuyển, 1 dược sĩ đại học, 6 cử nhân điều dưỡng. Đến nay đã có 8 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học tốt nghiệp. Bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Phương (công tác tại Khoa Ngoại - Sản) chia sẻ: “Trong quá trình công tác, được sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho bản thân tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác. Sinh ra và trưởng thành từ sự nuôi dưỡng của mảnh đất Nông Sơn đầy khó khăn và có truyền thống anh hùng cách mạng, tôi được phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân là một niềm vinh dự và tự hào. Tôi luôn biết mình phải cố gắng không ngừng tự học, rèn luyện y đức - y thuật và trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp để phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Vị bác sĩ người địa phương này san sẻ thêm rằng bản thân anh luôn có một chí hướng nghĩ về quê hương, mong mỏi đem những kiến thức nhỏ bé đã học được để cùng với đồng nghiệp phục vụ cho bà con trên mảnh đất miền núi Nông Sơn còn nghèo khó này.
Đội ngũ y - bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn luôn được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chuyên môn. TRONG ẢNH: Thực hiện một ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn. Ảnh: T.T |
Xác định là một địa phương có địa hình khá phức tạp, buộc điều kiện chăm sóc y tế cũng phải thích nghi với đời sống của người dân. Từ bệnh viện đến các trạm y tế xã đều làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong đó, mạng lưới y tế cơ sở tại các xã phải được đảm bảo. Do đó, ngay khi thành lập Trung tâm Y tế huyện, cán bộ tại đây đã quyết tâm duy trì và phát triển ổn định các cơ sở y tế ở địa phương. Chính sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ y tế, trong các năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh ở Nông Sơn đạt được những kết quả nhất định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Bởi, ngoài giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, địa bàn trọng điểm, việc truyền thông phòng chống dịch bệnh đã nhận được hiệu ứng tích cực từ người dân; công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn.
Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn đã thành lập “ngân hàng máu sống” do cán bộ của trung tâm tình nguyện đăng ký tham gia để sẵn sàng hiến máu cho người bệnh 24/24 giờ trong những trường hợp khẩn cấp. Với tinh thần “Hết lòng vì người bệnh thân yêu” và bằng nghĩa cử cao đẹp, đến nay cán bộ của trung tâm đã hiến tặng hàng chục đơn vị máu cho các ca thai ngoài tử cung vỡ, băng huyết do sảy thai, xuất huyết tiêu hóa... |
Những năm qua, công tác khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn tiếp tục được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, kết hợp khám chữa bệnh y học hiện đại với y học cổ truyền, xử lý kịp thời các bệnh cấp cứu, phẫu thuật ngoại - sản khoa. Đặc biệt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được quan tâm, với phương châm đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh. Ngoài việc thăm khám và chỉ định thuốc điều trị, tại bệnh viện tổ chức cung cấp cơm, cháo, súp 3 bữa/ngày cho người bệnh nghèo điều trị nội trú theo chế độ hỗ trợ tiền ăn của UBND tỉnh. Đơn vị còn phối hợp tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Âm thầm cống hiến để làm nên những sự sống diệu kỳ, khi nhìn chặng đường đã qua, những chiếc áo blouse trắng nơi thượng nguồn Thu Bồn đã thắp lên nhiều ngọn lửa về đam mê và thương yêu. Họ, đã tận lực đến hết sức mình với phương châm hành động: “Đổi mới - Trách nhiệm - Tình thương - Hiệu quả vì sức khỏe nhân dân”.
LÊ QUÂN - MINH TÂM