Tám giờ sáng, tôi đến công viên nhỏ trên đường Trần Phú, nơi đặt tượng của ông Kazic. Dãy nhà trước công viên, trừ quán cà phê Hải, đóng kín mít. Từ đầu đường là Chùa Cầu đến tít tắp gần hết đường, đều như thế. Ông xích lô đậu ngay góc Châu Thượng Văn - Trần Phú trả lời (tôi đã biết nhưng vẫn cứ hỏi): “Họ thức khuya nên dậy muộn”. Họ là chủ quán, chủ các căn nhà, thức khuya do khách tây chơi khuya. Phải sau 11 giờ đêm tới sáng, mới mong tìm được yên tĩnh ở phố cổ. Thời khắc đó thật là mệt mỏi.
Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Sáng sớm mà chùa Cầu đã kín người tham quan. “Đi tìm yên tĩnh ở Hội An”, cứ vào google mà xem từ khóa này, sẽ gặp quá chừng là thông tin, từ quán cà phê đến hẻm nhỏ rồi bãi biển. Có vẻ như, các tour du lịch khi quảng bá, họ copy sự yên tĩnh của rất nhiều năm trước để paste vào thời hiện tại. “Khách nhiều lắm” - chị bán bánh xoài ngay trước công viên này nói. Nhưng chị bán không được nhiều. “Tôi ở Bến Trễ - Cẩm Hà, mỗi ngày bán 40 cái nhưng có khi không hết”. “Một cái bao nhiêu?”. Anh Nguyễn Đức - chồng chị liền phân trần: “Họ nói không tin, nhưng tôi nói ăn thử biết liền, là bánh xoài tôi bán có xoài trong đó”. “Xoài tươi hay khô?”. “Sấy khô, tôi bán bằng giá người ta là 20 nghìn đồng ba cái. Anh ăn thử đi rồi đưa lên báo giúp”. Tôi cười lắc đầu. Có lạ chi món đó đâu, hồi còn nhỏ, má tôi đi chợ Bàn Thạch thỉnh thoảng mua. “Mấy nhà đóng cửa đó chắc chủ đi rồi?”. “Ừ, nhà thì chủ ở Pháp, người ở Mỹ, cho thuê lại, bán áo quần giày dép. Cứ sáng mở cửa ra là… mất 6 triệu, chưa kể điện nước, tiền lương” - chị vợ nói – “nhưng có bán được mấy đâu. Người ở mô mô tới đó chứ không phải dân đây mô”.
“Người ở mô mô” là chuyện chẳng ngờ ở Hội An trước đây, để rồi bây giờ mọi thứ trở thành tiếp đầu ngữ cho nỗi lo lắng. Tôi đã hỏi một chủ quán ăn có tên tiếng Anh là Country Feeling, tạm dịch là “cảm giác đồng quê”, mới mở ngay hông chùa Bà Mụ ở đường Hai Bà Trưng, là khách đông không, chị trả lời là bữa có bữa không, nhưng khách Tây họ vào ăn là rất thích. Quán là căn nhà cấp 4 tân trang, ngó xinh xinh, bán cơm, mỳ Quảng, cao lầu, cà phê, trang trí hệt không gian đã mất của bữa cơm gia đình ở quê, là mâm tre, bàn ghế cũ, bình tích, chén bát lẫn cách nấu nướng... đặc sệt miền Trung. Nghe nói quán được nhiều người khen vì ngon, lịch sự, sạch sẽ, giá phải chăng lẫn dìu dặt âm ba quê kiểng thôn dã. Mang tiếng ở mô mô, nhưng cũng là con dân xứ Quảng, thêm vài người nữa xứ Nam Bộ chung góp, mục đích của họ là dựng một quán ăn cho khách phương xa đến Hội An tận hưởng cảm giác quê ở ngay phố. Khi tôi chê tấm bảng nhỏ, chữ khó nhận ra vì nhỏ và nhạt, thì chị nói là ở phố nên làm vậy cho văn minh. Tôi rời quán, thoáng chút cảm kích trước suy nghĩ đó. Làm ăn kinh doanh ai không ưng đông khách để tránh sụp tiệm, nhưng làm thì phải ngó trước sau cho hợp với thủy thổ nhân tình, đâu có hễ đóng thuế là ưng chi làm nấy. Được bao nhiêu ý nghĩ như thế khi đến Hội An làm ăn, góp vào đây tiếng nói đa sắc màu?
2. Hội An có khác biệt không, ít ra đến bây giờ? Hỏi điều này bởi sự khác biệt của Hội An đã được hình thành từ khi ông Kazic tình cờ... phát hiện ra phố cổ. Bao nhiêu năm rồi, đi cùng lễ hội, phố đi bộ, là những “mô mô” ồn ào lạ lẫm kéo tới. Chẳng ai ngờ. Chưa thể hội đủ yếu tố để nói “khủng hoảng yên lặng”, nhưng rõ ràng thứ “đặc sản” Hội An là yên lặng không còn nữa. Rồi con người thuần hậu ân tình thì vẫn còn đó, nhưng hình như họ đi đâu, rút vào sâu, phô ra mặt phố giáp mặt với khách là ai mô mô đó. Ma túy, cướp giật, kinh doanh chặt chém, những thứ xa lạ với trước đây, thì nay cũng đã có. Một khi đặc sản không còn, thì sự khác biệt không còn. Tôi trò chuyện và hiểu những người như chị chủ quán “cảm giác đồng quê” trên, muốn làm ra sự khác biệt. Khác mà không lập dị, độc đáo mà không kệch cỡm, dở hơi. Không biết có ai làm thống kê thử ở phố, có bao nhiêu sự khác biệt độc đáo, và nó tỷ lệ về định lượng lẫn định tính ra sao với những quán xá 9 giờ mới mở cửa đến khuya lơ mới đóng?
Buổi sáng trên đường Trần Phú, chủ nhân đã đi vắng.Ảnh: TRUNG VIỆT |
Tôi ngó tượng ông Kazic. Tượng đá không buồn, chỉ tôi nhìn mấy nhà đóng kín cửa, thấy rỗng không trong lòng. Nếu nhà kín, phố không bước chân, hoặc nếu có thì cũng là những thầm thì với đất, thì tôi đã tìm thấy sự khác biệt đến sửng sốt như ai đó đã nói khi đi du lịch các làng quê, chợ búa truyền thống xứ người, nó đánh thức bản năng ngay lập tức. Nhớ bữa uống cà phê với ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cũng trên đường này, đang trò chuyện thì ông hối: “Đi, 9 giờ hắn cấm xe”. Nổ máy chạy. Tác giả “hắn” chính là ông Sự chứ ai. Vì không được đi xe vô tư, nên người ta tranh thủ chạy sớm. Dân phố chạy đã đành. Khách như tôi cũng chạy. Người ta đổ về Hội An mua nhà, mua đất, đẩy giá bất động sản lên tức thở, khuấy động một vùng yên tĩnh.
Không ai cấm cản được, nhưng việc điều chỉnh là của chính quyền, đó là quy định một bầu khí quyển cho vùng tĩnh lặng tồn tại. Bất lực. Đến cồn bắp Cẩm Nam còn bị dựng bê tông để cho những múa may ngoại lai quay cuồng. Phía bờ cồn An Hội bị xẻ đóng… Tất cả những điều đó, lỗi không phải ở dân, chẳng phải ở doanh nghiệp, mà ở chính quyền. Thỉnh thoảng tôi có đọc báo, thấy có quan chức lo lắng vì khách giảm. Tức là anh sẽ yên, vui khi khách tăng? Điều này có đi kèm sự khắc chế tiêu cực không, nếu tiền thu vô nhiều? Hội An giờ chưa làm được việc đó, đồng nghĩa là giá trị di sản đã bị hạ giá. Những viên gạch nền nhỏ nhoi trong khu phố, mỗi ngày chịu đựng hàng ngàn bàn chân, liệu nó tồn tại được bao lâu nữa? Rồi lễ hội, sản phẩm du lịch, những mòn nhàm mà ngay người trong cuộc vẫn thừa nhận là thay đổi khó lắm.
3. Cái người ta tin nhất là hạt giống tâm hồn của người phố cổ không bao giờ bị biến đổi. Các slogan quảng bá, phát biểu, rồi truyền thông ngày nào cũng nói điều đó, ngôn ngữ hiện đại đi kèm ca dao chất ngất tự hào. “Trả giá thách trên trời, bán mắc như tinh”, đó là lời một chị xa quê lâu ngày ghé chợ Hội An mua mấy củ hành tím. Hồn cốt thái độ sống, ứng xử, quan hệ làng xóm, bà con ở phố dần dà biến đi, một “tổng phổ” tự hào sung sướng một thuở, giờ cũng chính họ, nhìn nhau thở dài. Những hạt cơ bản làm nên giá trị một thời, giờ như kẻ đánh nhau mệt nhoài, rút về thế thủ.
Những biến đổi âm thầm đó, như cánh cửa gỗ im lìm kia, đợi 9 giờ sáng mới mở và sẽ đóng khi sự ngái ngủ lên ngôi, nhường cho tiếng ồn ào của đủ loại khách và xe máy. Hết xe, là khách và khách không biết từ đâu túa ra. Chật cứng Chùa Cầu, chật cứng các phố, cả những hẻm nhỏ cũng phải nghiêng vai. Từ lâu, chính quyền Hội An đã xin cơ chế là chính quyền đô thị, bởi đặc thù của phố cổ buộc phải có cách điều hành khác. Nhưng rồi… Sự “vỡ trận” của nếp sống, sự mất đi của không gian sống, là hệ quả của lối điều hành theo kiểu hương ước làng xã quá cũ, nay lỗi thời.
Tôi ngó tượng ông Kazic lần nữa. Cũng chính ông có công lớn trong trùng tu Mỹ Sơn. Vào Mỹ Sơn là bước qua những vòm gạch, qua cổng, thì những căn nhà gỗ ở Hội An, không biết ngày đó có ai nói với ông về cái ngạch cửa không? Nó dùng để ngăn, đóng chốt cửa. Có người nói xa hơn rằng đó là lời nhắc cho người trong lẫn ngoài nhà. Đi ra, bước qua ngạch cửa phải biết tu chỉnh lời ăn tiếng nói, phong vận áo quần; vô nhà là phải ngó xuống mới bước, lỡ vấp ngã, rằng nhà có chủ, có nếp nhà… Đại khái đó là lời răn vô hình, góp thêm tiếng nói vi diệu làm nên một Hội An hồn cốt văn hóa cao sang mà bình dị. Bây giờ là 9 giờ sáng, tôi ngó căn nhà cách quán cà phê Hải hai căn, mấy cô gái mở cửa bắt đầu bán, ngạch cửa bị che khuất mô mất, chỉ mấy ma nơ canh áo dài quần ngắn chen dày phô ra…
Phóng sự của TRUNG VIỆT