Qua sông Thu vọng người xưa...

TRẦN CÔNG TÚ 06/02/2016 10:15

Vùng đất Gò Nổi - nơi sản sinh những người con đóng góp tích cực cho phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, như Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Phan Khôi. Bên dòng sông Thu Bồn, dấu người xưa vẫn mồn một, mặc lở bồi, mặc dâu bể trăm năm…

1. Qua khỏi cổng chính khu lưu niệm tộc Trần Công, tọa lạc tại thôn Phú Đông, nằm phía bên tay trái là bia tưởng niệm mang tên “Nhà yêu nước Trần Cao Vân” do gia tộc dựng lên. Cán bộ phụ trách Văn hóa xã Điện Quang - ông Trần Công Hữu cho hay, mộ của cụ nằm ở Thừa Thiên Huế. Địa phương và tộc họ có ý nguyện xin được chuyển về quê nhà nhưng tỉnh bạn không đồng tình, vì phải bảo vệ di tích. Thời gian qua, thị xã Điện Bàn cùng với địa phương và gia tộc tổ chức một số cuộc hội thảo, thông qua đó xúc tiến xây dựng riêng khu lưu niệm cụ Trần Cao Vân ở quê nhà. Mọi việc vẫn trong giai đoạn chuẩn bị. Nhiều năm đứng giữa mưa nắng, bia tưởng niệm đã ngả màu rêu mốc. Vậy nhưng, tấm di ảnh của nhà yêu nước gắn phía bên trên vẫn ngời sáng khiến chúng tôi có cảm giác hương hồn của cụ quanh quẩn đâu đó ở làng quê Tư Phú, hiện hữu trong khuôn viên khu lưu niệm các bậc tiền bối và kề bên là nhà thờ tộc luôn ấm hương trầm.

Khu lưu niệm tộc Trần Công.
Khu lưu niệm tộc Trần Công.

Là người thông minh, học giỏi, nhưng Trần Cao Vân (1866 - 1916) đi thi không đỗ nên ông bỏ luôn cử nghiệp, quyết dấn thân vào công cuộc cứu nước. Năm 1898, cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ ở Phú Yên (do ông làm cố vấn) thất bại, Trần Cao Vân bị bắt giam. Ra tù được 2 năm, ông lại bị Pháp bắt nhốt ngục nhà lao Bình Định vì tội soạn "Trung Thiên Dịch" mà chúng cho là "Yêu thơ yêu ngôn" xúi nhân dân nổi loạn, sau đưa về giam ở Quảng Nam, đến 1907 mới được thả tự do. Năm 1908, phong trào Duy tân lên cao, đồng thời cuộc kháng thuế cự sưu bùng nổ, giặc Pháp nhân đó khép tội và bắt ông đày ra Côn Đảo, đến 1914 mới được phóng thích. Năm 1915, ông và các đồng chí thành lập "Việt Nam Quang Phục Hội". Kế hoạch khởi nghĩa vào tháng 5.1916 tại Huế bại lộ, vua Duy Tân bị đày đi châu Phi, Trần Cao Vân và những người cùng chí hướng bị thực dân Pháp đưa ra xử chém tại An Hòa. Vào năm 1925, bà Trương Thị Dương, người làng Tân Điền, Hải Lăng (Quảng Trị), đã bí mật lấy di cốt ông đưa về song táng cùng Thái Phiên tại đồi Từ Hiếu (TP.Huế). Năm 1990, khu lăng mộ của hai ông được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuổi trẻ Điện Bàn viếng hương mộ cụ Phan Thành Tài. Ảnh: CÔNG TÚ
Tuổi trẻ Điện Bàn viếng hương mộ cụ Phan Thành Tài. Ảnh: CÔNG TÚ

2. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, Phan Thành Tài (1978-1816) quê làng Bảo An lại theo học chữ quốc ngữ, chữ Pháp tại Đà Nẵng và tốt nghiệp bậc Trung học vào năm 1899. Năm 1904 -  1908, ông tham gia tích cực phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Khoảng thời gian này, ông cùng một số chí sĩ Duy tân như Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Trương Bá Hy, Mai Dị mở trường Nghĩa thục Diên Phong tại Điện Thọ. Vừa là giáo viên, vừa là hiệu trưởng, ông rất quan tâm đến việc chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ theo đường hướng mới, biết yêu nước, thương dân, thấy rõ những bất công của xã hội đương thời. Năm 1908 - 1912, Phan Thành Tài là yếu nhân trong phong trào chống thuế, tiên phong gia nhập “Việt Nam Quang Phục Hội” do Phan Bội Châu khởi xướng. Năm 1916, ông được giao trọng trách Tổng tư lệnh Nam - Nghĩa - Bình, chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cuộc khởi nghĩa Duy tân thất bại, bọn thực dân bắt giam ông tại nhà lao Vĩnh Điện. Sau nhiều ngày dụ dỗ rồi tra tấn không có kết quả, ngày 9.6.1916, chúng đem ông ra hành quyết gần bên bờ sông Vĩnh Điện.

Bia tưởng niệm cụ Trần Cao Vân.
Bia tưởng niệm cụ Trần Cao Vân.

Khu lăng mộ chí sĩ Phan Thành Tài hiện nằm ven con đường mang tên ông, qua địa bàn khối phố 2, phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) và năm 2005 được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Bên trong khu lăng mộ, tộc họ và người dân địa phương trồng nhiều cây cảnh, hoa nở quanh năm. Theo anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn Điện Bàn, nhằm tri ân công lao của cụ và giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ, “địa chỉ đỏ” này được trường Tiểu học Phan Thành Tài (phường Điện An) nhận để tổ chức cho học sinh chăm sóc.

3.  Nhà thờ tộc Phan ở thôn Bảo An còn lưu giữ một vài hình ảnh, bút tích về người con Phan Khôi (1887 - 1959). Và tại nghĩa địa Bạc Hà, xã Duy Châu (Duy Xuyên), mộ của vợ chồng ông nằm chung trong khu vực nghĩa địa tộc Phan Bảo An. Tấm bia thuộc phần mộ Phan Khôi gồm 2 phần, một bên nêu tóm tắt tiểu sử và quá trình hoạt động, bên còn lại khắc nguyên văn nội dung bài thơ “Tình già” do cụ sáng tác, đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn (số 122, ngày 10.3.1932). Tấm bia phần mộ người bạn đời của ông (bà Lương Thị Tuệ) ghi đầy đủ tên các con, trong đó có Nhà báo Phan Thao (1915 - 1960). Nằm trên gần đỉnh đồi, từ nơi vợ chồng cụ Phan Khôi an nghỉ có thể phóng tầm mắt nhìn về đất mẹ Điện Quang, cách Duy Châu một dòng sông cạn.

Khu vực vợ chồng cụ Phan Khôi yên nghỉ.
Khu vực vợ chồng cụ Phan Khôi yên nghỉ.

Theo gia phả, Phan Khôi là con của phó bảng Phan Trân (Tri phủ Diên Khánh, Khánh Hòa) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội - Hoàng Diệu). Ông thi đỗ tú tài Hán học (năm 1905); tham gia phong trào Duy tân (1906), chống sưu thuế ở Quảng Nam (1908). Phan Khôi bị bắt giam ở nhà lao Hội An vào năm 1910, bị kết án ba năm tù với tội danh “chống đối nhà nước bảo hộ”. Ra tù, ông hoạt động trên lĩnh vực báo chí và văn học ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội, trở thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu lý luận phê bình, dịch giả và là học giả uyên bác thời danh. Ngoài làm chủ bút nhiều tờ báo, ông còn sáng lập báo Sông Hương (1936); đặc biệt với bài thơ “Tình già” đã khởi xướng cho phong trào Thơ Mới.

TRẦN CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua sông Thu vọng người xưa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO