Ngày 7.7.2011, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Qua hơn 3 năm triển khai, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, hạn chế ô nhiễm tại những khu dân cư, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo hướng tập trung
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2011 toàn tỉnh có 795 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phân bố chủ yếu ở các huyện đồng bằng như Đại Lộc (119 điểm), Thăng Bình (112 điểm), Núi Thành (102 điểm), Điện Bàn (101 điểm), Duy Xuyên (96 điểm), Phú Ninh (67 điểm), Quế Sơn (65 điểm)… Ngoài 2 cơ sở giết mổ tập trung tại phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) và xã Cẩm Châu (TP.Hội An), phần lớn điểm, cơ sở còn lại chủ yếu có quy mô nhỏ (công suất giết mổ 1 - 3 con gia súc hoặc 50 - 200 con gia cầm/ngày đêm), không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và ô nhiễm môi trường do hầu hết nằm rải rác trong khu dân cư. Trong khi đó, lực lượng thú y không đủ để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ thường xuyên do số lượng điểm, cơ sở giết mổ quá lớn.
Tăng cường công tác kiểm tra sẽ góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: K.L |
Ngay khi Chỉ thị 23 ra đời, hầu hết huyện, thành phố trong tỉnh đã nhanh chóng xây dựng phương án sắp xếp lại những cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo yêu cầu về công tác quy hoạch, an toàn vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường. Tại huyện Đại Lộc, qua 3 năm triển khai sắp xếp, đến nay số lượng cơ sở giết mổ đã giảm từ 119 điểm xuống còn 13 điểm, chủ yếu là cơ sở giết mổ heo (chỉ 1 điểm giết mổ trâu bò). Còn tại huyện Điện Bàn, qua rà soát sắp xếp của Phòng NN&PTNT huyện, đến nay số lượng cơ sở giết mổ cũng chỉ còn 20 điểm phân bố ở 12/20 xã, thị trấn với 2 điểm tập trung tại Điện Thọ, Điện Quang và 18 điểm nhỏ lẻ.
Theo ông Lê Văn Ngọ - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn, việc sắp xếp lại các cơ sở giết mổ có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp địa phương thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường tại khu dân cư. Bên cạnh đó, trên cơ sở Quyết định 35 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư kinh phí xây mới các điểm giết mổ tập trung, phòng đã làm việc với một số địa phương nhằm nâng cấp, xây mới thêm các điểm giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại 3 xã là Điện Phương, Điện Ngọc, Điện Thắng Trung, dự kiến đến hết năm 2015 sẽ chấm dứt tất cả điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện để đưa vào hoạt động trong những cơ sở tập trung. “Hiện tại chúng tôi đã khảo sát xong địa điểm và đang chờ ý kiến thống nhất của các địa phương và người dân để thống nhất triển khai xây dựng điểm giết mổ tập trung theo mức kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng như tỉnh đã quy định” - ông Ngọ cho biết.
Khó đáp ứng lộ trình
Có thể nhận thấy, Chỉ thị 23 của UBND tỉnh ra đời đã tạo sự chuyển biến trong công tác kiểm soát, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thay đổi tập quán giết mổ của người dân và người tiêu dùng cũng cẩn thận hơn với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng quan tâm đến các hoạt động giết mổ thông qua việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, giảm số điểm giết mổ nhỏ lẻ… Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh còn khoảng 180 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chủ yếu tập trung tại 9 huyện đồng bằng và 3 huyện trung du. Tuy đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2011 nhưng so với lộ trình đặt ra đến năm 2020 còn 67 điểm thì rất khó thực hiện. “Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện Quảng Nam mới chỉ đạt loại B về việc sắp xếp tập trung các cơ sở giết mổ” - ông Muộn cho biết.
Không chỉ lộ trình giảm các cơ sở giết mổ khó có khả năng thực hiện mà thực tế tại một số địa phương số điểm giết mổ nhỏ lẻ không phép hiện có xu hướng hoạt động lén lút tăng trở lại. Ông Muộn cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là một số cơ sở nhỏ lẻ muốn tránh đóng thuế và dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm gia súc dịch bệnh. Vì thế công tác kiểm tra, kiểm soát phải luôn được tăng cường thường xuyên mới có thể hạn chế được trình trạng giết mổ lén lút như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Ngọ - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn, điều này không thể làm rốt ráo được vì còn tùy thuộc vào quyết tâm của chính quyền địa phương và cán bộ thú y do việc quản lý các cơ sở giết mổ đã được giao về cho xã, tổ kiểm tra liên ngành cũng chỉ kiểm tra định kỳ nên rất khó kiểm soát được tình trạng hoạt động giết mổ của người dân. Còn theo ông Phan Thanh Thiên - Trưởng trạm Thú y Đại Lộc, ngành thú ý và chính quyền địa phương không thể thực hiện kiểm tra liên tục 100% thời gian được, chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của người dân mà điều này thì rất khó. “Nói thật, người dân buôn bán nhỏ lẻ nên việc giết mổ vài con heo mang đi bán thì sẽ tiện lợi và khỏi tốn kém hơn là mang đến điểm giết mổ, mà cán bộ thú y thì không thể đi kiểm tra hoài, chưa nói chế độ hỗ trợ còn khiêm tốn như hiện nay” - ông Thiên nói.
Dù vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần giải quyết, tháo gỡ nhưng có thể khẳng định, qua 3 năm tiến hành triển khai sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh đã tạo lên sự khởi sắc trong công tác quản lý, góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng gia súc, gia cầm dịch bệnh, không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường tại khu dân cư, bảo vệ sức khỏe cộng đồng xung quanh.
KHÁNH LINH