Đánh giá năng lực cơ quan công quyền (DDCI) chính thức trở thành “mệnh lệnh” từ Chính phủ, không còn là khuyến nghị. Hiện thực hóa DDCI hướng đến cải thiện môi trường đầu tư đang là động lực của địa phương.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hùng – Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (cơ quan tư vấn, thực hiện việc khảo sát, đánh giá DDCI 2018 được Quảng Nam hợp đồng trọn gói) cho biết, cuộc khảo sát, đánh giá đã được tiến hành từ cuối năm 2017 đến tháng 1.2019 với sự tham dự của của khoảng 1.100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và địa phương trong vòng 5 năm qua đã hoàn tất. Tháng 3.2019 sẽ chính thức công bố chỉ số này.
Không biết cơ quan công quyền, địa phương nào sẽ dẫn đầu hoặc về chót thông qua cuộc khảo sát đánh giá, nhưng năng lực điều hành của cơ quan công quyền được đặt dưới “quyền giám sát, cho điểm” của doanh nghiệp, đã buộc các cơ quan này vào tâm thế thường trực cải cách. Có thể hiểu, với sự cân đong đo đếm được của DDCI, không một cơ quan, địa phương nào muốn xếp dưới chót bảng, nên sẽ nỗ lực cải cách nền hành chính phục vụ mạnh mẽ và sâu rộng hơn thông qua cuộc cải cách về tận xã, phường, phòng ban và từng cán bộ, công chức. Theo ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng, DDCI giúp cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, tích cực, hạn chế mà PCI chỉ ra thông qua những thông tin phản ánh từ chính các đối tượng sử dụng dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp. Không chỉ vậy, công cụ này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, huyện thị, cung cấp cho họ những lĩnh vực cần cải thiện. Đây cũng là nguồn thông tin hữu ích cho việc đánh giá hiệu quả triển khai một số chính sách có liên quan tới doanh nghiệp tại địa phương. Từ đó, có thể giúp khắc phục các bất cập (nếu có), điều chỉnh kịp thời, phù hợp đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để có thể có giải pháp tháo gỡ kịp thời, phát hiện những vấn đề trong phối hợp giữa các sở, ngành, huyện thị trong thực thi chính sách, giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Có thể là kênh hữu ích để thu thập các đề xuất, kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp trong việc cải cách quy trình thực hiện thủ tục hành chính hoặc các ý tưởng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Quảng Nam là một trong những tỉnh thành tiên phong đưa ra các sáng kiến, áp dụng mô hình mới trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Quảng Nam cũng đã và đang thiết lập, thực thi cơ chế lắng nghe, giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư một cách thực chất và hiệu quả. Sức mạnh của DDCI là không bàn cãi. Song có một hiệu ứng khác biệt chính là thông qua DDCI, tiếng nói của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ sẽ được đề cao. Những doanh nghiệp nhỏ này sẽ không còn cảm thấy bị bỏ rơi. Điều này cũng sẽ là một liều thuốc tác động không nhỏ cho những doanh nghiệp mang khát vọng lớn lao hơn trong vòng đời kinh doanh của mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương ngày càng mạnh mẽ hơn!
NHẬT PHONG