Quan tâm và chia sẻ với người tự kỷ

QUỐC HƯNG 03/04/2014 11:22

Số người mắc chứng tự kỷ trên thế giới gia tăng trong 2 thập niên qua, hiện có khoảng 67 triệu người mắc phải. Số trẻ được phát hiện mắc bệnh này lại nhiều hơn các ca tiểu đường, ung thư và HIV/AIDS cộng lại.

Mặc dù bệnh tự kỷ đã được thế giới biết đến từ những năm 40 của thế kỷ trước sau khi bác sĩ Hans Asperger (người Áo) mô tả về căn bệnh này, nhưng chỉ đến khoảng những năm 1980, dựa trên nghiên cứu của bác sĩ Ivar Lovaas thuộc Đại học UCLA (Mỹ), thế giới mới phát triển cách điều trị hiện đại cho căn bệnh này. Tuy nhiên, việc điều trị khỏi bệnh thật sự không phải dễ dàng mà còn đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của các bậc cha mẹ cũng như thời gian điều trị bệnh thường kéo dài.

trẻ tự kỷ rất cần sự quan tâm đặc biệt của cha me và sự chia sẻ của cộng đồng.
trẻ tự kỷ rất cần sự quan tâm đặc biệt của cha me và sự chia sẻ của cộng đồng.

Bệnh tự kỷ là một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước lúc 3 tuổi, ảnh hưởng đến nhiều mặt về sự phát triển của trẻ nhưng chủ yếu là khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp (không lời và lời nói) và có những hành vi bất thường. Các nghiên cứu đến nay đều chưa đi đến thống nhất về nguyên nhân chính xác của chứng tự kỷ, mặc dù đã có một số giả thiết cho rằng, tự kỷ có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học hoặc môi trường, hoặc cả hai, bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen.

Các chuyên gia y tế thế giới khẳng định, việc phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ là điều rất cần thiết bởi kết quả điều trị phục hồi cho trẻ càng cao. Sự cảm thông, thấu hiểu, chấp nhận và hỗ trợ của cha mẹ, của gia đình và xã hội là một trong những phương pháp điều trị tâm lý rất tốt. Song trên thực tế, xã hội vẫn còn hiểu sai lệch và kỳ thị với chứng bệnh này. Cha mẹ của trẻ tự kỷ có tâm lý xấu hổ, không muốn cho trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, khiến càng khó hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, người tự kỷ nói chung còn gặp nhiều khó khăn trong dịch vụ can thiệp và cơ hội giáo dục còn ở mức đơn sơ, chưa có cơ chế giúp đỡ người tự kỷ trưởng thành có công ăn việc làm...

Năm 2007, lần đầu tiên Đại hội đồng Liên hiệp quốc lấy ngày 2.4 làm ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về chứng tự kỷ; sự cần thiết để giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em và người lớn bị rối loạn để họ có thể sống một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa hơn. Năm 2014, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã  gửi đi thông điệp về sự hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh tự kỷ kêu gọi hành động để người tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên liên quan tham gia trong việc thúc đẩy sự tiến bộ bằng cách hỗ trợ các chương trình giáo dục, cơ hội việc làm và các biện pháp khác có thể trợ giúp thực hiện mong muốn về một thế giới toàn diện hơn.

“Bệnh tự kỷ không kết thúc bằng cái chết. Nó là điểm bắt đầu cho hành trình về với niềm tin, hy vọng, tình yêu thương và sự phục hồi” - đó là nhận xét của tiến sĩ y học của viện Nghiên cứu về trẻ em Mỹ Jerry J.Kartzinel…

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quan tâm và chia sẻ với người tự kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO