“Người Quảng” là cách gọi chung dành cho người Quảng Nam - Đà Nẵng Tại TP. Hồ Chí Minh, hàng chục năm qua, tình nghĩa sâu nặng Quảng Đà cứ lớn dần lên trong trái tim nhiều thế hệ. Tuy phải sống xa quê, nhưng hình ảnh xứ Quảng vẫn luôn hiện diện…
Là con một nhà…
Ở thành phố gần 9 triệu dân này, nhắc đến người Quảng, người ta nghĩ ngay khu Bảy Hiền, chợ Bà Hoa, rồi quận Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức… Nói như vậy để biết về dấu ấn và sự hiện diện khá đông của người Quảng ở TP.Hồ Chí Minh.
Chợ bà Hoa, nơi lưu giữ nhiều dấu ấn Quảng tại TP. Hồ Chí Minh. Những món đặc trưng Quảng Nam (nén, đường đen, cá thính, bánh tét...) được bày bán quanh năm. Ảnh: M.KIỆT |
Từ năm 1998 đến nay, Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh đã vận động cứu trợ thiên tai bão lụt tại quê nhà, bảo trợ bệnh nhân nghèo, vận động phẫu thuật đục thủy tinh thể (năm 2005 trị giá 1,5 tỷ đồng), gây quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam 2008 (1 tỷ đồng). Đồng thời, vận động ủng hộ xây dựng trường Dân tộc nội trú Bắc Trà My (200 triệu đồng), lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học tại Duy Xuyên (2 tỷ đồng). Hàng trăm ngôi trường ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hương đóng góp hoặc trực tiếp về tu sửa, xây mới. Trong 2 năm 1995-1996, Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh xuất bản được một số ấn phẩm: Đặc san “Quảng Nam - Đà Nẵng, đất nước con người và đổi mới”, “Quảng Nam đất nước và nhân vật”… Đầu xuân Quý Tỵ 2013, tiếp tục xuất bản giai phẩm xuân “Quảng Nam - Đà Nẵng, đất và người”. |
Từ những năm 1939-1945, bà con Quảng Nam - Đà Nẵng đã lập ra “Hội Quảng Nam gia”, sau đó mở rộng hình thành “Hội Trung Việt ái hữu”. “Hội Quảng Nam gia” đã giúp những lưu dân Quảng Nam - Đà Nẵng khi mới vào Sài Gòn có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, cấp học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học… Thậm chí, để người Quảng xa xứ được chôn cất gần nhau, “Hội Trung Việt ái hữu” đã xây dựng nghĩa trang Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức)… Năm 1988, một số nhân sĩ, trí thức, cán bộ hưu trí Quảng Nam - Đà Nẵng định cư tại Sài Gòn lập “Ban liên lạc Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng” do cụ Trương Xuân Nam đảm nhận chức Trưởng ban, cụ Phan Triêm làm Phó ban, ông Lê Ngọc Tống làm Tổng thư ký. Sau khi cụ Trương Xuân Nam qua đời, cụ Phan Triêm kế nhiệm điều hành, cùng với nhiều người tâm huyết đã tạo khí thế phong trào, lôi cuốn thêm một số thành viên tham gia như Thiếu tướng Hoàng Kim, Đại tá Lê Cổ, các ông bà Lê Đình Lương, Ngô Văn Tuấn, Huỳnh Thị Hiệp, Tăng Văn Hồng…
Năm 1989, khi nghe tin quê nhà bị cơn bão số 2 tàn phá dữ dội, Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ngay lập tức vận động quyên góp để giúp quê hương. Kể từ đó, phong trào cứu trợ bão lụt được dấy lên và nhân cơ hội này, mô hình Hội đồng hương được nhân rộng đến các huyện, uy tín của “người Quảng tha phương” gia tăng, các tổ chức đồng hương cấp xã cũng được hình thành. “Dù ở thế hệ hay thời buổi nào, có thể cả đời chưa gặp nhau một lần nhưng chỉ cần nói “đồng hương Quảng” thì tự động trong thâm tâm mỗi người lại xem như là con một nhà. Ở Sài Gòn, cứ mỗi mùa mưa đến, lòng người xa quê lại thắc thỏm nỗi lo bão lũ cho quê nhà. Tôi đã từng chứng kiến một đồng hương khóc nức nở khi biết cơn lũ năm 1999 làm bao nhiêu người mất nhà cửa, rồi lại thấy ấm lòng biết bao nhiêu khi chính những con người đó xăng xái đi vận động giúp đỡ”, ông Trần Châu Khanh - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh tâm sự.
Sức mạnh từ tình thân
Đủ mọi thành phần xã hội, gia cảnh cũng khác nhau nhưng hơn 1,5 triệu người con xứ Quảng đang làm việc, sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh đều có chung tình yêu quê hương, giàu lòng nhân ái, tương thân tương ái. Là doanh nhân thành đạt, hay buôn bán nhỏ, công nhân…, hễ biết tin đồng hương khó khăn thì người ta lại tìm đến, sẻ chia. “Chúng tôi chưa bao giờ phân biệt đâu là Quảng Nam, đâu Đà Nẵng, vì đã từ lâu khi vừa bước chân vào thành phố này người ta gọi chúng tôi là “người Quảng”. Vậy nên, tình thân đó gắn bó bền chặt hơn bất cứ thứ tình cảm nào. Buổi sáng, chúng tôi hay tụ hội tại những con đường Phạm Phú Thứ, Ca Văn Thỉnh, Đồng Đen, Bàu Cát để… nghe tiếng Quảng. Nhưng quan trọng nhất là để tìm hiểu xem có trường hợp nào cần đồng hương sẻ chia không?” - bạn Nguyễn Thanh Tường (sinh viên Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, quê Điện Bàn) tâm sự.
Khác với mọi nơi, ở TP.Hồ Chí Minh, người Quảng ý thức rõ họ là thành phần cư dân đã và đang góp sức vào sự phát triển năng động của thành phố. Họ cũng là thế hệ cần lắm sự kết nối đồng hương để làm nên những vòng tay thân ái nơi miền đất hứa. Sự ra đời và phát triển của mạng xã hội trong vòng 2 năm trở lại đây đã được người Quảng trẻ tận dụng tối đa. Những trang mạng như Tuổi trẻ Quảng Nam, Hội người Duy Xuyên, Hội người Đà Nẵng, Tiên Phước quê tôi… đã dần thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các sinh viên Quảng đang học tập ở khắp mọi miền trên đất nước, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh. Ở những trang mạng này, người xa xứ lâu năm cũng phải bất ngờ bởi hình ảnh đầy thân thương của quê nhà được tải lên thường xuyên. Ông Trần Văn Hai (72 tuổi, quê gốc Hòa Vang – Đà Nẵng, hiện sống ở quận Tân Phú) cho biết ông vẫn thường xuyên theo dõi thông tin quê nhà qua mạng internet, dù đã lớn tuổi. Gần đây, ông rất vui khi thấy trên các mạng xã hội đưa nhiều những hình ảnh của Đà Nẵng, Quảng Nam. “Hồi trước, cứ sợ sau khi lớp già tụi tui chết đi rồi thì không còn ai biết đến tình đồng hương. Nhưng coi như tui đã quá lo xa. Thực sự tụi trẻ bây giờ còn giỏi hơn lớp già tụi tui nhiều. Ngó rứa chớ đồng hương già chỉ co cụm, biết được thông tin với nhau thông qua điện thoại, hỏi thăm; còn tụi trẻ thì cập nhật thông tin, hình ảnh quê hương mình trên từng cây số, biết đoàn kết thương yêu nhau và tổ chức được nhiều chương trình xã hội ý nghĩa lắm!” - ông Hai nói.
Bắt đầu từ 8 giờ sáng 16.3, chương trình Lễ hội với chủ đề “Nghĩa tình quê hương” sẽ chính thức khai mạc với hàng loạt nội dung: tham quan các khu làng nghề đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, chiếu Cẩm Nê, mỹ nghệ Non Nước, đan tre Hòa Tiến… Tại khu trưng bày, triển lãm có 5 gian hàng của Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng; các gian hàng viết thư pháp, sách , lồng đèn, triển lãm tranh ảnh “Đất và người Quảng Nam - Đà Nẵng”… Đặc biệt, Ban tổ chức dành riêng một gian để các nghệ nhân biểu diễn bài chòi; khách tham quan có thể cùng tham gia trong suốt 2 ngày diễn ra lễ hội. Tại khu vực sân khấu chính, có các chương trình biểu diễn múa, ca nhạc, dân ca, talkshow và trò chơi lô tô. Chiều 16.3, nhà văn Lê Minh Quốc có buổi giao lưu chủ đề “Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng”. Từ 16 giờ 30 đến 18 giờ, tại sân khấu chính tiếp tục diễn ra trò chơi lô tô; từ 19 đến 20 giờ: chương trình dân ca, trích đoạn tuồng do Đoàn ca kịch Quảng Nam, đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) trình diễn. Buổi họp mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng với doanh nhân Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó ban Tổ chức chương trình cho biết, đây là dịp để các DN gốc Quảng bày tỏ nguyện vọng, tình cảm của mình đối với quê hương. Dự kiến sẽ có đại diện lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh cùng dự. Ngày 17.3, hơn 1.000 đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng ở TP.Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác sẽ hội tụ tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng sẽ thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội và những vấn đề trọng tâm; tặng quà cho các vị cao niên, trao học bổng cho sinh viên xuất sắc và phát động chương trình “Nghĩa tình quê hương năm 2013”. Ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, đại diện CLB Nhiếp ảnh Hà Đông cho biết: “Chúng tôi rất vui và cảm thấy ý nghĩa khi kêu gọi các thành viên của nhóm tham gia triển lãm hình ảnh về quê hương trong ngày hội này”. Ông Hồ Tấn Thanh - Giám đốc Công ty Truyền thông Liên Việt, Phó ban Tổ chức lễ hội - cho biết: “Khi bắt tay thực hiện chương trình này, theo ý tưởng từ đại diện 2 hội đồng hương, tôi biết rằng đây là chương trình không thể thực hiện được theo 1 chủ đề nhất định. Vấn đề là dù có riêng lẻ và theo từng mảng, nhưng tựu trung vẫn phản ánh sinh động đời sống của đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh. Những hình ảnh về quê nhà trong suốt 25 năm qua cũng được giới thiệu thông qua các nhóm nhiếp ảnh Quảng Nam – Đà Nẵng”. Thiếu tướng Huỳnh Huề - Trưởng ban Tổ chức chương trình cho biết: “Thực ra, chúng tôi cũng băn khoăn nhiều về nội dung lễ hội. Thời gian gấp, cộng với nguồn kinh phí có hạn nên chúng tôi huy động tất cả sự ủng hộ từ những DN, đáng quý nhất là chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng đã trích ngân sách 50 triệu đồng/địa phương để chúng tôi có thể thực hiện tốt cho ngày hội đầy ý nghĩa này. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để bà con đồng hương khi đến tham gia có thể cảm nhận được hết những tình cảm đậm đà của người Quảng xa quê”. Minh Kiệt (tổng hợp) |
MINH KIỆT