Đoạn phim tài liệu về chiến tranh được chiếu trên màn hình mà ở đó có dải băng trắng ghi dòng chữ: “It can’t happen here!” (tạm dịch: Chiến tranh không thể xảy ra ở nơi này!). Đây đã là đoạn cuối của đường hầm trong Bảo tàng sáp Images of Singapore, nơi tái hiện lịch sử hình thành và nét sinh hoạt văn hóa đời thường, phong tục tập quán, lễ nghi… của đảo quốc Singapore thông qua hình thức trình bày độc đáo: sử dụng tượng sáp, âm nhạc, phim ảnh. Chính dòng chữ “It can’t happen here!” đã không thôi ám ảnh chúng tôi kể từ ngày rời khỏi đường hầm trên đảo Sentosa…
Lược tả về chiến tranh (thông qua phim tư liệu) nhưng lại khẳng định “It can’t happen here!”, liệu đấy là một cách “chơi chữ” hay sâu xa hơn - ngụ ý về một quyết tâm lớn?
Trở lại câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam. Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 là ký ức chiến tranh lại trở về, dù với hình thức nào, dù sự kiện cách nhau bao xa. Vừa kỷ niệm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4, chỉ vài ngày sau sẽ đến sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5. Nhắc về chiến tranh để hiểu hơn giá trị của hòa bình, có lẽ đây mới chính là âm hưởng sâu xa của mỗi sự kiện. Vì thế, dịp kỷ niệm 30.4 năm nay, trên một vài diễn đàn chính thức đã nghe thấy nhiều tiếng nói đề cập về độ lùi 38 năm của cuộc chiến, về khát vọng hòa giải dân tộc, đoàn kết đồng bào… thông qua các cuộc phỏng vấn. Sức mạnh của đoàn kết và yêu chuộng hòa bình luôn là tiếng lòng thôi thúc ở Việt Nam - đất nước trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, và từng được gửi gắm nơi Bình Ngô đại cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Có một sự trùng hợp thú vị, khi truyền hình phát sóng phiên bản mới nhất về Tam Quốc chí - phim Tân Tam Quốc – hiện đang đến kỳ xảy ra đại chiến Xích Bích. Cuộc đại chiến này đi vào chính sử, nhưng cũng không thiếu đi những chi tiết thêm bớt từ dã sử, hí kịch, tiểu thuyết. Vì thế, chính giới học thuật Trung Hoa cũng tốn kém nhiều bút mực để nghiên cứu, bình phẩm, phân tích, kể cả “mổ xẻ” về “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, tác phẩm xếp thứ nhất trong tứ đại danh tác Trung Hoa (cùng với Tây du ký, Thủy hử, Hồng lâu mộng).
Chúng tôi dùng chữ “trùng hợp thú vị” không phải bởi câu chuyện diễn ra trên phim ảnh, mà là từ những kiến giải về cuộc chiến kinh điển Xích Bích. Trong cuốn “Phẩm Tam Quốc” của Dịch Trung Thiên (2 tập, NXB Công an nhân dân – 2010) có dành tập thứ 24 để bàn về Nghi án Xích Bích. Tác giả phân tích, ngoài 4 nguyên nhân khiến Tào Tháo thua trận ngay khi vừa giao chiến với liên quân Tôn Lưu (bệnh dịch lây lan, quân Tào không quen thủy chiến, chưa hiểu thấu đáo kẻ địch, không quen xoay trở khi gặp địch ở đường hẹp và giữa sông), thì có thêm yếu tố chính nghĩa - phi nghĩa. Cụ thể, Tào Tháo đã gây “chiến tranh xâm lược”, còn liên quân Tôn Lưu đã sử dụng “chiến tranh bảo vệ”. Vì thế, “thỏ khi giận còn cắn người, nữa là Chu Du và Lưu Bị? Nhìn vào sử liệu, chúng ta thấy ý chí chiến đấu bên liên quân Tôn Lưu rất mạnh. Tôi tin rằng khi đến Xích Bích, mọi tướng sĩ (bên liên quân Tôn Lưu – NV) đều xoa tay, giậm chân đòi đánh thử” (Sách đã dẫn, trang 430, tập 1).
Mới thấy, những trận chiến lớn nhỏ để sau đó phân ra 3 nước Thục, Ngụy, Ngô (thời Tam Quốc) cũng được người đời sau soi rọi, chia thành chính nghĩa - phi nghĩa, xâm lược - tự vệ… và ngụ ý vào đó sự thắng thua. Mở rộng ra các cuộc chiến tranh bên ngoài biên giới một quốc gia, thiết tưởng sự soi rọi cũng tương tự. Cuộc sống yên bình sau cuộc chiến luôn là “quãng lặng” đáng quý, vừa để khôi phục và phát triển đất nước, vừa nhìn ra giá trị hòa bình, vừa tìm kiếm cách ứng xử mới. Nên dòng chữ “It can’t happen here!” ở đảo Sentosa, theo thiển nghĩ của người viết, đã trở thành quyết tâm lớn chứ không đơn thuần là một cách “chơi chữ”.
HỨA XUYÊN HUỲNH