Quảng Nam lại có mưa lũ lớn, nhiều nơi ngập sâu

14/12/2016 14:45

  • Lũ đang lên nhanh trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn

Báo Quảng Nam online tiếp tục cập nhật...

* 20 giờ đêm 14.12, Thủy điện A Vương và Sông Bung 4A tiếp tục nâng lưu lượng xả lũ từ 500 -1.000m3/s

(QNO) - Từ ngày 12 đến hôm nay 14.12, mưa lớn xảy ra ở nhiều nơi cùng với việc thủy điện xả lũ đã khiến nhiều vùng trũng thấp, trọng yếu tại nhiều địa phương bị ngập sâu, hàng trăm héc ta hoa màu vụ đông của nông dân tiếp tục bị ngập úng, thiệt hại nặng nề.

* Tại Điện Bàn, chiều tối 14.12, mực nước sông Lai Nghi đang tiếp tục dâng cao khiến tuyến đường Lê Quý Đôn (từ Vĩnh Điện đi Hội An) bị ngập sâu 0,5 - 1,5m. 

Tuyến đường từ Vĩnh Điện đi Hội An bị chia cắt hoàn toàn vào cuối giờ chiều nay. Ảnh: Q.T
Tuyến đường từ Vĩnh Điện đi Hội An bị chia cắt hoàn toàn vào cuối giờ chiều nay. Ảnh: Q.T

Tuyến đường Hùng Vương (thuộc phường Thanh Hà, TP.Hội An) tiếp nối tuyến đường Lê Quý Đôn cũng bị ngập nặng. Đến cuối giờ chiều, giao thông đã hoàn toàn bị chia cắt buộc người dân tại khu vực này phải dùng đò để về nhà. 

Mưa lũ cũng đã khiến các phương tiện ô tô không thể lưu thông qua tuyến đường ĐT609 từ Điện Bàn đi Đại Lộc do nước lũ chia cắt tại địa phận xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Cơ quan chức năng đã dựng tạm một lối đi nhỏ cho xe máy qua lại, nhưng lưu thông khá khó khăn và nguy hiểm bởi độ dốc cao và trơn trượt, nhất là về buổi tối.

Các phương tiện ô tô không thể lưu thông tuyến ĐT609 từ Điện Bàn đi Đại Lộc bởi nước lũ. Ảnh: Q.T
Các phương tiện ô tô không thể lưu thông tuyến ĐT609 từ Điện Bàn đi Đại Lộc bởi nước lũ. Ảnh: Q.T

Ở nhiều khu vực thấp trũng thuộc các xã Điện Minh, Điện Phương, Điện Hòa... nước đã bắt đầu mấp mé vào đến sân nhà hàng trăm hộ dân và đe dọa gây ngập nặng nếu thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới. Hàng chục hecta hoa màu, chủ yếu là rau ở các vùng nông nghiệp của thị xã đang đứng trước nguy cơ mất trắng bởi lũ chồng lũ. (QUỐC TUẤN)

(QNO) - Theo thông tin từ Đài khí tượng thuỷ văn Quảng Nam, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức dưới báo động 3 nửa mét lúc 21 giờ ngày 14.12. Hiện, mực nước trên sông tiếp tục lớn nhanh do ảnh hưởng của xả lũ. Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ đêm 14.12 và sáng 15.12, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa tiếp tục dâng cao, trên mức báo động 3 nửa mét, tức đỉnh lũ trên sông đạt 9,5m, do ảnh hưởng của xả lũ từ các thủy điện trên thượng nguồn.

Cụ thể, lúc 20 giờ 14.12, Thủy điện A Vương tiếp tục xả tràn với lưu lượng 500_1.000m3/s; thủy điện Sông Bung 4A xả tràn với lưu lượng từ 200_400m3/s, bên cạnh các thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4. Như vậy, tới thời điểm này, nhiều địa phương thuộc vùng trũng thấp, vùng xung yếu tại Đại Lộc vẫn đang ngập sâu trong nước. Nhiều vùng trồng rau củ quả và hoa màu chủ lực tại Đại An, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Thạnh, Đại Phong, Đại Hồng... với hàng nghìn héc ta hoa màu, rau quả vừa xuống giống lẫn diện tích đang thu hoạch đã bị xoá sổ, nhấn chìm trong lũ từ đêm 13.12 tới thời điểm này. Chính quyền huyện Đại Lộc đã phát đi thông tin cảnh báo lũ đến người dân, yêu cầu người dân nhanh chóng dọn dẹp, chằng chống nhà cửa, đưa người già, trẻ em, súc vật đến nơi an toàn tránh lũ.Trong khi đó, đêm và sáng 15.12, mực nước trên sông Thu Bồn tại Giao Thuỷ, Câu Lâu và Hội An ở mức báo động 3, cấp độ lũ ở mức 2 -3. (HOÀNG LIÊN)

* Mực nước lũ sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) đang lên trở lại. Bà Đặng Thị Lan Anh - Trạm trưởng Trạm thủy văn Ái Nghĩa cho biết, mực nước lũ đo được lúc 19 giờ tối nay (14.12) đạt 8,24m, trên báo động 2 là 0,24m. Như vậy, sau khi xuống chậm vào chiều nay (8,06m), nước lũ trên sông Vu Gia hiện đã lên trở lại.

Nước còn băng qua cầu Ba Khe 2 vào chiều nay.Ảnh: NB
Nước còn băng qua cầu Ba Khe 2 vào chiều nay. Ảnh: N.B

Còn theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, lúc 16 giờ cùng ngày, mực nước sông Thu Bồn đo được tại Giao Thủy đạt 7,22m, dưới báo động 2 là 0,28m; tại Câu Lâu ở mức 3,3m, trên báo động 2 là 0,3m; tại Hội An ở mức 1,75m, trên báo động 2 là 0,25m.

Nước lũ chia cắt thôn Mỹ An với trung xã Đại Quang. Ảnh: NB
Nước lũ chia cắt thôn Mỹ An với trung tâm xã Đại Quang. Ảnh: N.B

Dự báo đêm nay đến sáng ngày mai, mực nước ở hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn có khả năng lên trở lại. Mực nước các sông có khả năng như sau: sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,4m, trên báo động 2 là 0,4m. Trong khi đó, sông Thu Bồn tại Giao Thủy có khả năng đạt 7,6m, trên báo động 2 là 0,1m; tại Câu Lâu ở mức 3,6m, dưới báo động 3 là 0,4m; tại Hội An là 1,9m, dưới báo động 3 là 0,1m.

Người dân địa phương dắt bò lên cột tại đường dẫn cầu Quảng Huế để tránh lũ lên cao. Ảnh: NB
Người dân địa phương dắt bò sơ tán lên đường dẫn cầu Quảng Huế để tránh lũ lên cao. Ảnh: N.B

Ghi nhận của chúng tôi chiều nay 14.12, nước lũ băng qua cầu Ba Khe 2, ở lý trình km32+200, tuyến ĐT609 vào sáng nay đã rút dần, chỉ còn sâu khoảng 0,3m. Chủ tịch xã Đại Đồng - ông Trương Hữu Mai cho biết, ngay từ sáng sớm xã đã phải cắt cử lực lượng canh gác, không cho người dân lưu thông để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Thị trấn Ái Nghĩa giăng dây cấm người dân qua lại khu vực cầu Ngoại Thương. Ảnh: NB
Thị trấn Ái Nghĩa giăng dây cấm người dân qua lại khu vực cầu Ngoại Thương. Ảnh: N.B

Ở các địa phương khác, một số thôn xóm vẫn còn bị cô lập, nhiều vùng trồng hoa màu ngập sâu. Nước lũ băng qua cầu Ri gây chia cắt thôn Mỹ An với trung tâm xã Đại Quang. Nằm ven sông Vu Gia, các thôn 8, thôn 9 và thôn 10 của xã Đại Cường cũng bị cô lập. Nước ngập sâu tại khu vực cầu Ngoại Thương gây chia cắt lưu thông trên tuyến ĐH1.ĐL (đường Huỳnh Ngọc Huệ).

Lúc gần 5 giờ chiều nay, nhiều diện tích trồng hoa màu tại Bàu Tròn bị ngập. Ảnh: NB
Lúc gần 17 giờ chiều nay, nhiều diện tích trồng hoa màu tại Bàu Tròn vẫn còn bị ngập. Ảnh: N.B

Tại vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An), nhiều diện tích trồng hoa màu tiếp tục bị ngập. Để chủ động phòng tránh, một số người dân đã dắt bò, lái xe ô tô lên cột, đỗ tại cầu Quảng Huế (nối liền 2 xã Đại An và Đại Cường). Ở huyện Đại Lộc, sau khi ngớt mưa được vài giờ, trưa đến tối nay trên địa bàn tiếp tục có mưa trở lại, kèm theo gió. (CÔNG TÚ)

* Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã liên tục cập nhật thông tin, phát đi công văn cảnh báo lũ, thông báo xả lũ từ các hồ thủy điện và công văn chỉ đạo phòng chống lụt bão từ huyện, tỉnh đến 18/18 xã/thị trấn và người dân để bà con kịp thời chủ động, phòng tránh. Thời điểm trước, trong và sau lũ, Đài PT-TH huyện và đài truyền thanh của 18 xã/thị trấn đã cập nhật liên tục thông tin, diễn biến mưa lũ và tuyên truyền kịp thời đến nhân dân trên địa bàn.

Các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra.

Tại các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao, ngập sâu, chảy xiết, ngầm tràn trên địa bàn, ngay thời điểm có lũ xảy ra, địa phương đã kịp thời bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, cương quyết không cho người, phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ. Tại những địa phương thuộc vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao, huyện đã chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học để giảm thiểu rủi ro.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt. (TRIÊU NHAN)

* Tại huyện Nông Sơn, sáng nay 14.12, nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về gây ngập nặng, nhiều khu dân cư bị chia cắt, toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện đồng loạt cho học sinh nghỉ học.

Nhiều đoạn đường từ trung tâm huyện đi các xã bị ngập sâu. Ảnh: VINH THÔNG
Nhiều đoạn đường từ trung tâm huyện đi các xã bị ngập sâu. Ảnh: VINH THÔNG

Cụ thể, tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện Nông Sơn đi các xã bị chia cắt; cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu khe Sé, cầu Nà Manh còn ngập 1,0 - 1,5m. Đoạn đường ĐT611 (Quế Trung đi Quế Lộc), ĐT610 (Quế Trung đi Khương Quế) ngập trên 1m, giao thông bị chia cắt. Mưa lũ cũng khiến tuyến đường ĐT611 đoạn qua đèo Le sạt lở 15m bê tông, đoạn cầu treo đi thôn Thạch Bích (xã Quế Lâm) sạt lở khoảng 50m với khối lượng đất khoảng 4.000m3; sạt lở 80m kênh bê tông thuộc kênh chính đập Nà Bò; bồi lấp nhiều tuyến kênh với khối lượng trên 200m3 đất đá. Có 29ha diện tích lúa nước trời, 5ha diện tích hoa màu và 17 ngôi nhà dân bị ngập sâu trong nước .

Toàn huyện Nông Sơn hiện có 17 căn nhà bị ngập. Ảnh: VINH THÔNG
Toàn huyện Nông Sơn hiện có 17 căn nhà bị ngập. Ảnh: VINH THÔNG

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp hoạt động của đới gió đông trên cao, từ ngày 13.12 đến nay trên địa bàn huyện liên tục xảy ra các đợt mưa lớn. Cụ thể, tổng lượng mưa đo được từ 1 giờ ngày 13.12 đến 10 giờ ngày 14.12 tại Trạm thủy văn Nông Sơn là 323,3mm. Lúc 10 giờ ngày 14.12 mực nước sông Thu Bồn tại Nông Sơn là 14,22m và đang xuống chậm.

Lực lượng dân quân địa phương các xã túc trực tại các tuyến đường bị ngập. Ảnh: VINH THÔNG
Lực lượng dân quân địa phương các xã túc trực tại các tuyến đường bị ngập. Ảnh: VINH THÔNG

Hiện nay, mực nước sông Thu Bồn đang xuống chậm, trên địa bàn huyện vẫn còn bị chia cắt cục bộ. Ông Trần Thiện Thắng - Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên địa bàn, lãnh đạo UBND huyện đã đi kiểm tra nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục ban đầu. Đồng thời, cử lực lượng chốt chặn các tuyến đường còn bị ngập sâu, các khu vực nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại. Nghiêm cấm các ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa vớt củi và đánh bắt cá trên sông, suối, các điểm ngập lụt. Kiểm tra rà soát các khu dân cư đang sinh sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ lũ quét, các khu vực có khả năng sạt lở đất. Đặc biệt là những hộ dân có nhà tạm bợ, bán kiên cố không đảm bảo an toàn”. (PHAN VINH - MINH THÔNG)

* Trưa nay (14.12), trên địa bàn Đại Lộc, nhiều vùng xung yếu, trũng thấp có nơi đã ngập sâu trong nước đến trên cả mét. Ví như, vùng trũng thấp của thôn Xuân Nam (xã Đại Thắng) hiện đã ngập sâu quá đầu người, lực lượng xung kích đã chốt chặn, người và phương tiện muốn qua lại buộc phải đi đò ngang.

Khu vực kiệt sâu, thuộc tuyến ĐH 3. ĐL qua địa bàn xã Đại Minh đã bị ngập sâu trong ngày 13.12. Ảnh: Hoàng Liên
Khu vực kiệt sâu, thuộc tuyến ĐH 3.ĐL qua địa bàn xã Đại Minh đã bị ngập sâu trong ngày 13.12. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại Đại Cường, tuyến đường độc đạo dẫn qua các thôn 8, 9, 10 của xã đã bị ngập sâu, các thôn này đang bị lũ bao vây, cô lập. Khu vực kiệt sâu nằm trên tuyến ĐH3.ĐL qua xã Đại Minh, khu vực ngoại thương (thị trấn Ái Nghĩa) ngập sâu, đã bị chốt chặn.

Theo ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, hiện nhà cửa của hàng chục hộ dân sống ven sông Vu Gia, vùng Hà Tân đã bị ngập sâu trong nước; vùng trũng thấp khu vực thôn Hà Dục Đông, tuyến đường độc đạo ĐT609 qua khu vực Ba Khe (Đại Lãnh) đã bị lũ chia cắt cục bộ. 

Vùng rau Bàu Tròn tiếp tục bị ngập và hư hại nặng. Ảnh: Hoàng Liên
Vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An) tiếp tục bị ngập và hư hại nặng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại các vùng sản xuất chuyên canh rau màu của các xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh… từng bị ảnh hưởng bởi đợt lũ muộn xảy ra hồi đầu tháng 12 với 1.200ha rau, màu các loại bị hư hại nay tiếp tục bị ngập sâu trong nước, nhiều diện tích rau màu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng lũ lên nhanh trên sông Vu Gia. Riêng xã Đại Hồng bị thiệt hại hơn 200ha cây trồng, rau màu đông xuân các loại, 70% diện tích bị ngập úng là cây đậu phụng, còn lại là cây ớt và các loại cây trồng khác, ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng. (HOÀNG LIÊN)

* Tại Hội An, lúc 9 giờ sáng nay (14.12), lũ ở dưới báo động 2 khoảng 30cm. Đến sau 12 giờ lũ đạt trên báo động 2 và tiếp tục dâng cao. Thời điểm này tuyến đường Bạch Đằng trong khu phố cổ đã ngập hơn 1m, nhiều đoạn đường Nguyễn Thái Học ngập 1,5m, và nhiều tuyến đường như Châu Thượng Văn, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ… cũng đã ngập. Ngoài ra lũ cũng chia cắt nhiều xã, phường và vùng trũng thấp ven sông như các xã Cẩm Kim, Cẩm Thanh, phường Thanh Hà, Cẩm Nam và Minh An.

Trước tình hình lũ lên nhanh, UBND TP.Hội An chỉ đạo các xã, phường vùng ven, trũng thấp thông báo cho người dân phòng tránh, cử lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc lên vùng cao ráo. Đồng thời bảo đảm tính mạng cho người dân, học sinh, du khách và gia súc, sắp xếp neo đậu tàu thuyền an toàn.

Nước ngập khu vực buôn bán tại phố cổ. Ảnh: LÊ HIỀN
Nước ngập khu vực buôn bán tại phố cổ. Ảnh: LÊ HIỀN

Để bảo an toàn trước tình trạng người dân dùng thuyền chở khách du lịch dạo lũ khu phố cổ, thành phố đã chỉ đạo công an chốt chặn các tuyến đường ngập sâu. Tuy nhiên khá nhiều du khách hiếu kỳ, một số hộ dân bất chấp lệnh cấm vẫn chở khách tham quan trong lũ.

Lũ về cũng mang theo rác, cây, gỗ đe dọa an toàn cầu An Hội, phường Minh An, Công ty Công trình công cộng Hội An cử lực lượng và phương tiện vớt rác thông dòng.

Nước lũ lên nhanh nên tại phường Cẩm Nam, nhiều tuyến đường bê tông trong khối Xuyên Trung đã bị ngập cục bộ. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Cẩm Nam) và Trường Tiểu học Phù Đổng (phường Minh An) đã phải cho học sinh nghỉ học và điện báo khẩn cho phụ huynh đến đón con em ngay sau buổi học sáng nay.

Lực lượng chức năng trực tại các điểm ngập lụt để khuyến cáo đảm bảo an toàn đi lại
Lực lượng chức năng trực tại các điểm ngập lụt để khuyến cáo đảm bảo an toàn đi lại. Ảnh: LÊ HIỀN

Trước diễn biến của mưa lũ, UBND TP.Hội An đã chỉ đạo Đài TT-TH thành phố thông báo trên hệ thống phát thanh địa phương; các ngành hữu quan dùng xe lưu động thông báo tình hình lũ đến tận địa bàn dân cư và yêu cầu các đơn vị liên quan như Ban Quản lý bến thủy bộ phối hợp với các địa phương ở vùng thấp lụt tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện ghe thuyền qua lại trên sông. (MINH HẢI - LÊ HIỀN)

qqq
Công nhân Công ty Công trình công cộng Hội An thường xuyên có mặt trên cầu An Hội để thông dòng, không để rều rác làm tắc dòng chảy. Ảnh: MINH HẢI
qqq
Nhiều khu vực chợ Hội An đã ngập từ sáng sớm. Ảnh: MINH HẢI
qqq
Và du khách thích thú khi dạo chơi trong nước lũ. Ảnh: MINH HẢI
qqq
Mọi sinh hoạt ở Hội An đều phải dùng ghe nhỏ. Ảnh: MINH HẢI
qqq
Lũ dâng cao sáng nay 14.12 ở Hội An. Ảnh: MINH HẢI
qqq
Tiểu thương di dời hàng hóa lên nơi cao ráo. Ảnh: MINH HẢI

Hàng loạt thủy điện tiếp tục xả lũ

Được biết, trong 2 ngày 13 & 14.12, mưa lớn, hàng loạt thủy điện xả lũ trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn khiến mực nước các sông đột ngột dâng cao.

Từ 22 giờ 13.12, thủy điện Đắk Mi 4 bắt đầu vận hành xả lũ với mực nước qua tràn là 800-2.000m3/s, lưu lượng nước qua tổ máy phát là 106m3/s. Việc xả lũ của Đắk Mi 4 nhằm đưa mực nước hồ về cao trình 256,5m, sau đó điều tiết Q xả = Q về để giảm lũ cho hạ du. Khi mực nước hồ đạt cao trình 258m thì hồ điều tiết Q xả = Q về để duy trì mực nước dâng bình thường.

Thời điểm 22 giờ 30 ngày 13.12, Công ty Phú Thạnh Mỹ cũng phát đi thông báo thủy điện Sông Bung 4A xả lũ với lưu lượng xả tràn từ 40-300m3/s.

Thời điểm 5 giờ 14.12, thủy điện Sông Bung 4 xả lũ với lưu lượng xả là 166m3/s/439m3/s lưu lượng đến.

Hồ thủy điện A Vương lúc 7 giờ 14.12 bắt đầu vận hành xả tràn điều tiết với lưu lượng xả từ 35-200m3/s.

Thủy điện Sông Tranh 2 hiện đang xả lũ với lưu lượng xả 650m3/s khiến mực nước trên sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao, nhiều vùng trọng điểm Nông Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên và Hội An tiếp tục bị ngập sâu. (HOÀNG LIÊN)

* Trưa nay 14.12, lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng ở 

Duy Xuyên. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đã có gần 1.000 hộ dân bị nước lũ chia cắt hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại các xã thuộc vùng trũng thấp như Duy Châu, Duy Vinh, Duy Trinh, Duy Thành… buộc người dân phải sử dụng ghe thuyền để đi lại. Không chỉ những tuyến giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm bị ngập sâu 0,5-1m mà nhiều điểm trên con đường độc đạo ĐT610 từ thị trấn Nam Phước lên vùng tây của huyện cũng bị lũ tràn qua gây khó khăn cho việc lưu thông.
Chính quyền các địa phương bố trí lực lượng chốt chặn tại những điểm ngập sâu yêu cầu người dân không nên đi lại.
Chính quyền các địa phương bố trí lực lượng chốt chặn tại những điểm ngập sâu yêu cầu người dân không nên đi lại. Ảnh: HOÀI NHI

Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên vừa có Công điện số 18 yêu cầu chính quyền các địa phương và những đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, rà soát các khu dân cư ở những vùng ven sông suối, khu vực trũng thấp để chủ động phòng tránh, ứng phó và tổ chức sơ tán nhân dân khi cần thiết, nhất là đối với một số khu dân cư thường xuyên bị ngập lụt sâu, nước chảy siết như Đông Bình, Hà Mỹ (xã Duy Vinh), đội 21 thuộc thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước), xóm Vạn Buồng thuộc thôn Phú Bông (xã Duy Trinh), thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu), thôn Tĩnh Yên (xã Duy Thu)...

Tuyến đường dẫn vào trung tâm hành chính xã Duy Trinh (Duy Xuyên) bị lũ chia cắt.
Tuyến đường dẫn vào trung tâm hành chính xã Duy Trinh bị lũ chia cắt. Ảnh: HOÀI NHI

Bên cạnh đó, liên tục kiểm tra các hồ đập và tổ chức trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, tăng cường việc kiểm soát giao thông tại những tuyến đường bị ngập sâu, các bến đò ngang, hướng dẫn cho người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trung tâm Y tế, Đài Truyền thanh - truyền hình và các ngành liên quan của huyện theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng chính quyền các địa phương có phương án đảm bảo thông tin liên lạc, tăng thời lượng phát sóng, đảm bảo dự trữ cơ số thuốc và chủ động hỗ trợ khắc phục hậu quả. Phòng NN&PTNT Duy Xuyên phối hợp với 2 Trạm Thủy văn Giao Thủy và Câu Lâu tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để nhân dân biết, chủ động phòng tránh… (HOÀI NHI)

Để hạn chế thiệt hại, người dân ở một số vùng trũng thấp đưa gia súc đến nơi cao ráo tránh trú.  Ảnh: HOÀI NHI
Để hạn chế thiệt hại, người dân ở một số vùng trũng thấp đưa gia súc đến nơi cao ráo tránh trú. Ảnh: HOÀI NHI

* Tại vùng đông huyện Quế Sơn, đầu giờ chiều nay 14.12 hàng loạt khu dân cư ở các thôn Thạnh Hòa, Trung Vĩnh, Phù Sa, Thạnh Mỹ, Dưỡng Mông Đông (xã Quế Xuân 1), Trà Đình 2, Mông Nghệ Bắc (xã Quế Phú), Thượng Vĩnh, Phú Mỹ, Phú Nguyên (xã Quế Xuân 2) cũng đã bị nước lũ chia cắt khiến người dân đi lại khá vất vả. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho các em học sinh, nhất là đối với bậc mầm non và tiểu học, chiều nay 14.12 một số trường học ở các xã vừa nêu đã đóng cửa.

Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam online, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn đã đẩy những mảng bèo lớn trên sông Bà Rén tấp hết vào nhiều cánh đồng nông dân đã cày phơi ải để chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân 2016-2017. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính tại xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 hiện đang có ít nhất 20ha đất canh tác lúa bị bèo phủ kín, trong khi đó cách đây chỉ vài ngày nông dân những xã này đã nhọc công thu dọn bèo trên ruộng do đợt lũ từ ngày 30.11 đến 6.12 gây ra… (VĂN SỰ)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam lại có mưa lũ lớn, nhiều nơi ngập sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO