Quảng Nam tinh quái

LIÊU HÂN 15/07/2018 10:21

Nói đến người Quảng, bàn dân thiên hạ quá quen với câu “Quảng... Nôm hay cãi”. Mà đúng là dân Quảng ưa cãi thiệt. Do cái tố chất ương bướng, bộc trực, khoái “chém to kho mặn” của cái xứ “Ngũ phụng tề phi”.

Tin liên quan

  • Tản mạn về cái "máu hay cãi"
Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Nhưng ít ai nói đến cái chất tinh quái của Quảng Nam, mà theo tôi đây là mới thực sự là “đặc sản” của Quảng Nam, nhất là trong lĩnh vực hát đối đáp, hay ứng đối. Tôi xin ghi lại một vài câu chuyện nho nhỏ mà tôi được nghe kể từ hồi còn nhỏ và còn nhớ được, để minh họa cho cái chất tinh quái đó.

Ở xã Quá Giáng (nay thuộc Đà Nẵng) có một lò dạy võ. Ở làng quê thời trước, gọi là “lò võ” cho... sang chứ thực ra cũng chỉ là một mảnh đất nhỏ trong khu vườn để các võ sinh múa may luyện tập dưới sự hướng dẫn của một ông thầy võ, thường là chủ nhà, nghĩa là kiêm chủ vườn. Còn các võ sinh thời đó cũng chỉ là những thanh niên trong làng, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc một quần xà lỏn không có “nội y” để... luyện công! Có một cô gái cũng thuộc loại tinh quái đi ngang qua khu vườn, ghé mắt thấy anh kia đang tập đi quyền theo lời thiệu “Chấp thủ song âm, bái tầm long thế, hoành khai hổ khẩu phục địa lôi”, liền hát ghẹo:

Chấp thủ song âm, bái tầm long thế
Răng nhìn anh giống ghế ba chưn. (chân)

Thanh niên chỉ mặc quần xà lỏn đi quyền, không có “nội y” mà bị gái ghẹo là “ghế ba chân” đúng quá! Anh kia cũng không vừa, dùng câu thiệu đốp lại ngay:

Hoành khai hổ khẩu phục địa lôi
Tại cô chưa cho tui lắp,
Chớ tui lắp rồi là bốn chưn.

Anh ta mà “lắp” vào cô gái thì dĩ nhiên thành bốn chân ngay. Câu phản đòn quá tinh quái, quá thông minh, không sao bắt bẻ được. Chẳng có chi là tục. Tại cô gợi chuyện cái ghế thì tui cũng trả lời bằng cái ghế.   

Có anh chàng kia ghẹo gái một cách tinh quái:

Trên sơn dưới thủy,
 em giữ kỹ làm chi,
Để cho anh đùa hoa giỡn nguyệt,
 em kiếm chút nữ nhi em bồng.

Chọc ghẹo người phụ nữ, gọi phần trên của cơ thể là sơn, phần dưới là thủy dĩ nhiên là sàm sỡ nhưng phải công nhận cũng thuộc loại tài tình. Anh xin em cho anh được “ngao du sơn thủy” là em có con để ẵm bồng ngay. Xui cho anh kia gặp phải loại... đại sư mẫu đối đáp. Cô gái kia đáp lại ngay:

Trên sơn dưới thủy,
em giữ kỹ chỗ đất bằng,
Để mai sau, cha anh có chết,
em lập lăng em thờ!

Chỗ “đất bằng” ở vùng “nước đọng” đó là chỗ nào, xin dành cho bạn đọc. Em dành chỗ đó để xây mộ cho cha anh đấy. Ở thôn quê, những người dân quê thô lỗ, mỗi khi đấu khẩu, muốn xúc phạm nhau thì người ta thường “đào mả cha” đối phương ra để mà chửi bới. Con cháu mà để người khác động đến ông bà tổ tiên là điều đại bất kính. Cô gái chanh chua này không thèm “đào mả cha” kẻ chọc ghẹo mình, mà chỉ xin xây mả cha của anh ta, không những xây, mà còn lập lăng nữa kìa! Rất lịch sự, rất trịnh trọng nhưng đúng là chua ngoa, tinh quái và cay độc đến mức thượng thừa.

Anh chàng kia bị một cú “hồi mã thương” siêu tuyệt cỡ đó chắc chỉ còn nước “tẩu hỏa nhập ma” , xin  “rửa tay gác kiếm” mà... từ giã giang hồ.

Giai thoại về cụ Nguyễn Khuyến có kể rằng, trong làng có một cô gái hàng nước khá xinh. Có anh chàng nọ sàm sỡ, lân la bóp vú cô ta. Thế là cô gái lôi cả tam đại tổ tiên anh kia ra mà chửi cho cả làng trên xóm dưới đều nghe. Cũng là một loại “đào mả cha ra mà chửi”. Cụ Tam Nguyên nhà ta nghe chuyện bèn phân giải bằng một câu đối:

Con cháu nâng niu đôi oản Phật,
Cha ông lừng lẫy bốn phương Trời!

Những câu đối nôm của cụ Nguyễn Khuyến thường thuộc loại “bá đạo” trong văn học Việt Nam, khó có đối thủ, nhưng xét ra thì hai câu này vẫn còn quá “hiền” so với câu hát đối của cô gái Quảng Nam.

Có lần, trong một cuộc hát đối đáp có nhiều anh đồ các tỉnh khác nhau cùng tụ hội, một cô gái có vẻ là người đọc sách đã hát đố:

Nghe đồn chàng học Kinh Thi,
Cá nằm dưới cỏ, cá chi hỡi chàng?

Kinh Thi là một trong các cuốn kinh điển của Nho giáo, trong đó có nói nhiều đến các loài cây cỏ, côn trùng, chim cá… trong các bài cao dao dân gian. Trong câu hát đố, “cá nằm dưới cỏ” ý muốn nói đến một loài cá được nhắc đến trong Kinh Thi, gồm chữ “ngư” là con cá nằm dưới bộ “thảo” là cỏ. Các anh đã là người theo nghiệp bút nghiên thì hẳn phải biết Kinh Thi, xin giải đáp giùm cho. Đây là câu đố nghe thì hay, nhưng lại rất đỗi oái ăm, vì trong Kinh Thi không hề có chữ này.

Một anh chàng xứ Nghệ  An bí quá, hát đáp:

Dưới cỏ toàn trạch với lươn
Em mà đơm hắn, hắn trườn hắn vô!

Câu này phải đọc bằng giọng xứ Nghệ mới thấy ý vị. Câu này cũng thuộc dạng thông minh, tinh quái. Con cá nó vô đâu thì xin tự hiểu! Nhưng vẫn không thể sánh với câu đáp tinh quái của một anh đồ xứ Quảng:

Anh đây chẳng học Kinh Thi
Cá nằm dưới cỏ có khi con cá tràu!

Cá tràu là con cá lóc. Ở vùng thôn quê Quảng Nam, “của quý” của các ông thường được gọi đùa là “con cá tràu”. Dùng con cá tràu để tả hình ảnh con “cá nằm dưới cỏ” quả là nghịch ngợm, tinh quái mà cực kỳ sinh động. Nhưng hai chữ “có khi” mới thực sự là hai chữ xuất thần, đúng chất Quảng Nam! “Có khi” hàm ý chỉ phỏng đoán, chứ không dám chắc. Tui không dám chắc với cô đó là con cá chi, nghe cô nói thì tui chỉ đoán mò có khi đó là con cá tràu. Chỉ đoán đại vậy thôi. Muốn biết chắc thì chỉ có cách vạch cỏ mà xem cho rõ! Cô nào mà “vạch cỏ” để xem thì có nghĩa là anh kia đã tìm được... lá diêu bông rồi!  

Trên đây chỉ là một số câu tiêu biểu mà tôi còn nhớ được. Còn biết bao nhiêu câu hát tinh quái một cách tài hoa nữa đang còn tản mác trong dân gian. Nếu không sưu tầm được thì thật là đáng tiếc. Và các câu hát đối đáp như trên luôn là kho tàng quý báu giúp chúng ta tìm hiểu thêm tài ứng đối tất nhiên quái của người dân xứ Quảng.

LIÊU HÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam tinh quái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO