Quảng Nam trong cái nhìn du lịch xanh

QUỐC TUẤN - DUY QUÂN - VĨNH LỘC - GIA KHANG 26/03/2022 16:26

(VHQN) - Định hướng du lịch xanh trên địa bàn Quảng Nam đã chuyển động và cho kết quả ban đầu khi được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Vì là mới nên tất nhiên, việc định dạng những bước đi kế tiếp của xu hướng du lịch này cũng như quá trình hậu kiểm các tiêu chí du lịch xanh sẽ còn nhiều thứ phải làm. Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến của nhà quản lý, doanh nghiệp về vấn đề này.

Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: NGÂN THÀNH
Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: NGÂN THÀNH

ÔNG NGUYỄN VĂN LANH - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP.HỘI AN: PHẢI CHUYỂN ĐỘNG NHẬN THỨC DU LỊCH XANH TỪ CẤP QUẢN LÝ

 

Du lịch xanh là vấn đề trọng tâm mà du lịch Hội An hướng tới trong thời gian đến. Vừa rồi thành phố đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam về du lịch xanh và tiết giảm rác thải nhựa.

Trên địa bàn thành phố đã có một số mô hình tiên phong được đánh giá cao và được trao chứng nhận “điểm đến xanh”.

Việc công nhận vài doanh nghiệp đợt này chẳng qua là bước khởi đầu, còn công tác hậu kiểm, phát triển du lịch xanh sẽ phải làm thường xuyên, lâu dài và phải được duy trì, tạo cảm hứng liên tục.

Thành phố sẽ tổ chức nhiều diễn đàn gặp gỡ để người dân, doanh nghiệp trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm làm du lịch xanh, từ đó nhân rộng.

Hội An cũng xác định định hình lại, mở rộng không gian du lịch; kết nối hài hòa các điểm đến xanh do Nhà nước quản lý lẫn điểm đến của tư nhân. 

Phát triển du lịch xanh cũng được thành phố đưa vào đề án và nghị quyết để phát triển. Quá trình rà soát, hậu kiểm du lịch xanh sẽ diễn ra xuyên suốt, giống như Hội An từng triển khai và duy trì hiệu quả mô hình khảo sát, đánh giá theo khung cho các “điểm kinh doanh kiểu mẫu, cửa hàng đạt chuẩn văn minh” từ năm 2005 đến nay.

Nhiều sản phẩm du lịch thân thiện môi trường được doanh nghiệp xây dựng.
Nhiều sản phẩm du lịch thân thiện môi trường được doanh nghiệp xây dựng.

Nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng để chuyển động theo quỹ đạo du lịch xanh là chuyển đổi nhận thức từ bộ máy quản lý. Sắp tới, sẽ có những cuộc làm việc kỹ hơn để xác định rõ vì sao phải hướng theo du lịch xanh và cần phải làm những gì từ chính đội ngũ quản lý.

Thêm nữa, thành phố cũng sẽ tổ chức nhiều mạn đàm, gặp gỡ với các doanh nghiệp để hướng dẫn, khuyến khích chuyển động cùng du lịch xanh. Tùy theo các loại hình như lưu trú, lữ hành, giải trí… mà sẽ có những nội dung phù hợp để doanh nghiệp hành động, chuyển mình theo đúng các tiêu chí đã định vị trong Bộ tiêu chí du lịch xanh UBND tỉnh đã ban hành.

ÔNG PHAN XUÂN THANH - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH QUẢNG NAM: DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG LÀM DU LỊCH XANH

 

Tôi có thể khẳng định chắc chắn một điều, khi ngành du lịch Quảng Nam hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững thì sẽ có một phân khúc thị trường khách rất quan tâm đến vấn đề này, từ đó tiếp tục đà phát triển, tạo giá trị bền vững cho du lịch Quảng Nam.

Xu hướng du lịch thế giới là du lịch xanh, vì vậy chúng ta phải chuyển đổi trạng thái sang du lịch bền vững thì mới mong nâng cao năng lực cạnh tranh, tính hấp dẫn trong mắt du khách. 

Thông thường, nhóm khách quan tâm đến vấn đề du lịch xanh có khả năng chi tiêu tốt hơn, nhận thức tốt hơn và có mong muốn đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng địa phương nơi có điểm đến nhiều hơn so với khách đại trà.

Khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu đã hiển hiện và phần nhiều du khách cũng đã cảm nhận được thực trạng này. Và nếu thực sự chạm đến du lịch xanh sẽ đáp ứng được nhu cầu tái tạo tài nguyên mà một bộ phận du khách mong muốn. 

Quảng Nam cũng như một vài địa phương khác trên toàn quốc mới đi những bước đầu tiên trong việc hướng đến du lịch xanh. Chúng ta phải nhận thức đúng về nó đã. Một khi các chủ thể nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa và tuần hoàn được giá trị đó để sinh lợi thì mới có thể bền vững. 

Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu.
Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu.

Việc công bố Tuần lễ du lịch xanh hay trao chứng nhận cho vài đơn vị tiên phong chỉ là bước “đánh động” để thông điệp về du lịch xanh tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn, kêu gọi mọi chủ thể cùng tham gia hành động.

Năm, bảy đơn vị doanh nghiệp đạt chứng nhận hay thậm chí vài chục, vài trăm cũng chưa thể tạo ra môi trường du lịch tăng trưởng xanh nhưng cần phải hiểu một điều rằng nếu chúng ta không đánh động, không bước đi sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu.

Muốn có sự tăng trưởng xanh, bền vững cần nhiều hơn sự tham gia đồng bộ chứ một mình doanh nghiệp du lịch không làm được. Nếu sản phẩm du lịch xanh mà quản lý nhà nước không xanh, vận tải không xanh… thì không làm được gì cả.

Cần xem du lịch xanh như một nền tảng chứ không phải là sản phẩm, khi đó chúng ta có thể phát triển được nhiều thứ như OCOP xanh, nông nghiệp xanh, vật liệu xanh…, và giá trị gia tăng sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện nay.

Doanh nghiệp du lịch chẳng qua chỉ là nhóm chủ thể tiên phong triển khai bởi đây là nhóm tiếp cận với thị trường khách đầu tiên. Cần phải có sự tham gia đầy đủ của thể chế nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng bản địa…

ÔNG ĐINH VĂN LỘC - GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP DU LỊCH VIỆT ĐÀ (ĐÀ NẴNG): CẦN SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DU KHÁCH

 

Một sản phẩm du lịch dù hay hoặc tốt đến mấy, nếu không có sự đồng hành, ủng hộ của du khách và doanh nghiệp lữ hành thì cũng khó tồn tại hoặc lan tỏa.

Do vậy, việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh phải đồng bộ, nghĩa là người làm không chỉ có sự sáng tạo, sản phẩm phải hay ho mà còn kết hợp nhiều yếu tố sinh thái, tự nhiên, môi trường…; trong đó yếu tố bảo vệ môi trường đóng vai trò chủ chốt vì đây là xu hướng khách quan tâm nhiều. 

Quảng Nam đã có vài sản phẩm đáp ứng các tiêu chí du lịch sinh thái, một số cơ sở lưu trú cũng đã chuyển sang sử dụng vật dụng tái chế thân thiện môi trường. Nhưng để hướng đến nền du lịch xanh, chừng đó là chưa đủ.

Kinh nghiệm làm lữ hành của tôi cho thấy, để đối tác và du khách có niềm tin, đồng hành với các tiêu chí xanh không chỉ các cơ sở lưu trú, điểm đến… phải có xác nhận ISO về môi trường mà thái độ của người dân cũng quan trọng.

Liệu họ có muốn đồng hành với doanh nghiệp, chính quyền để hiện thực và duy trì bền vững các tiêu chí, sản phẩm du lịch xanh không? Qua quan sát một vài nơi tôi thấy du lịch xanh chỉ mới thể hiện ở cảnh quan thiên nhiên, dựa vào môi trường xung quanh để tạo nên những thứ xanh bên trong, còn bên ngoài cộng đồng dân cư thì hoàn toàn khác, nhất là vấn đề về vệ sinh môi trường.

Vì vậy, xanh phải đồng bộ, phải xanh từ ý thức, xanh từ môi trường, kể cả vấn đề hậu kiểm của các cơ quan liên quan về việc tuân thủ đảm bảo các tiêu chí về môi trường xung quanh.

Du khách với tour tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: L.T.K
Du khách với tour tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: L.T.K

Với Việt Đà, từ hơn 15 năm nay chúng tôi luôn hướng đến xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, du khách. Hầu như tour tham quan biển đảo nào cũng kết hợp phát túi tự hủy cho du khách cùng tham gia nhặt rác.

Hoạt động này chúng tôi đã triển khai tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đến biển Hội An, Cù Lao Chàm. Qua đó kêu gọi ý thức người dân về bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ khi người dân đồng hành, đồng thuận hành động bảo vệ môi trường thì du lịch xanh sẽ phát triển rộng khắp và bền vững.   

ÔNG PHẠM VŨ DŨNG - GIÁM ĐỐC CÔNG TY DU LỊCH - DỊCH VỤ HOA HỒNG: ĐỊNH HƯỚNG SẢN PHẨM ĐỂ CỘNG ĐỒNG LÀM THEO VÀ HƯỞNG LỢI

 

Thật ra du lịch xanh chỉ mang tính khái quát, vì xanh ở đây bao hàm nhiều ý nghĩa, kể cả xanh trong suy nghĩ. Thay vì mình sử dụng một vật liệu mới thì hãy tận dụng cái cũ, vật liệu tái chế để khỏi ảnh hưởng đến môi trường. Xanh chính là biết nương tựa thiên nhiên, gìn giữ thiên nhiên, kể cả trong ăn uống, sinh hoạt…

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, để xây dựng một điểm đến xanh, đầu tiên chính là định hướng sản phẩm và nguồn lực sẽ đi theo dòng sản phẩm đó, bao gồm nguồn nhân lực, thổ nhưỡng, nước, thức ăn…

Hiện tôi có 3 cơ sở du lịch đều đi theo mô hình tái chế, thân thiện môi trường gồm Chic Chilllax, Kybimơ và khách sạn Hội An Chic.

Riêng tại Chic Chilllax tôi theo định hướng du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên, tái sử dụng vật liệu, giảm thiểu rác thải gắn với thức ăn sạch bổ dưỡng. Đặc biệt, gắn kết văn hóa với thiên nhiên để tạo ra sản phẩm xanh hơn.

Khi xây dựng Chic Chilllax, tôi xác định thứ nhất mình phải làm cái gì đó nhẹ nhàng, gần gũi thiên nhiên, lựa chọn thiên nhiên làm nơi khu trú cho sản phẩm đó.

Nhiều khách sạn ở Hội An đang hướng đến vận hành xanh. Ảnh: P.Q
Nhiều khách sạn ở Hội An đang hướng đến vận hành xanh. Ảnh: P.Q

Với Chic Chillax, tôi dựa vào cánh đồng rồi trồng thêm cỏ hoa, cây cảnh và tận dụng vật liệu tái chế. Ngoài khu vực dịch vụ, tôi thuê thêm đất lúa xung quanh của người dân để hình thành không gian sinh thái thoáng đãng.

Tôi muốn tạo ra một sản phẩm định hướng cho cộng đồng xung quanh về sự phát triển xanh, bởi khách du lịch sẽ là người trải nghiệm và nhìn sản phẩm bên cạnh. Hãy hình dung một khu ruộng không có thuốc trừ sâu, lúa sạch và dưới cây lúa đó là cá tôm, ốc sạch…, lúc đó những đám ruộng xung quanh sẽ làm theo.

Mình sẽ là người cùng nông dân kể câu chuyện kết nối để tạo nên sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường. Chính cái xanh sạch đó sẽ lan tỏa, tạo cho Hội An những sản phẩm sạch, sạch từ cây lúa, từ con cá, từ ruộng đồng đến mâm cơm, bữa ăn tinh tế và tử tế trong suy nghĩ.

Thực tế, hiện nay nhiều hộ dân kề Chic Chillax cũng đã bày biện buôn bán hàng quán, ăn uống… theo hướng này. Từ đây sẽ sinh ra câu chuyện về du lịch xanh, lối sống xanh.

Nếu mai mốt cả làng này đều làm sản phẩm xanh, sạch gắn với ruộng đồng theo mô hình mẫu hiện nay thì điều này rất tuyệt vời. Do đó, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ phải là người định hướng tiên phong sản phẩm để mọi người có thể đi theo, đó là cái quan trọng nhất. Nếu định hướng đúng thì phát triển sản phẩm vùng đó đúng và ngược lại.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam trong cái nhìn du lịch xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO