Tôi từ nơi xa về quê dự lễ tế xuân hằng năm của tộc vào dịp Thanh minh. Chiều hôm sau, trên đường đi thăm mấy người bà con trở về nhà nghỉ ở từ đường, tôi ghé lại gành đá bên sông, một mình. Nhìn phía trên phía dưới, núi non, cảnh vật hai làng đối diện, tôi thấy nhiều thứ đã thay đổi khác xưa. Tôi xa quê đã mấy chục năm rồi còn gì!
Bên kia là làng ngoại, bên này là quê nội của tôi, làng nào cũng xanh tươi, rậm rạp những vườn cây ăn trái. Bãi cát viền sít sao với chiều dọc bên làng ngoại hẹp bề ngang hơn trước; phía đầu bãi ngang với đầu làng đám cây rì chỉ còn lưa thưa. Con đò ngang nối hai làng do ông lái chèo chống bằng tay đã thay bằng chiếc đò máy lướt nhanh, dậy sóng. Chợ làng phía bên phải chỗ tôi đang ngồi đã có thêm nhiều nhà, tiệm và toàn xây bê tông, lợp ngói đỏ. Nhà cửa các xóm khác của hai làng cũng đều lợp ngói. Dọc bờ sông phía làng tôi đất bị lở nhiều quá! Có nơi mép sông gần sát lề đường; một số nà trồng bắp, dâu bị lở, có nà bị nước xâm thực hơn một nửa…
Đò ngang nơi thượng nguồn sông Thu Bồn. |
Quê ta có câu nói về sông “phía lở phía bồi”, nhưng làng nội tôi bị lở nhiều năm qua mà làng bên ngoại có được thêm mét đất nào đâu?
Duy chỗ tôi đang ngồi mãi đứng ngoài quy luật lở bồi ấy vì đây là gành đá. Gành đá này thoai thoải chứ không thẳng đứng. Nó là thứ kè thiên nhiên vững chắc vĩnh cửu không có loại kè nhân tạo nào theo kịp. Nó không sợ lở mà cũng chả cần bồi.
Tôi được trở về ngồi lại gành đá thuở nhỏ bọn trẻ chúng tôi thường ngồi. Lúc này tôi chỉ ngồi một mình để nhìn lại một quãng sông quê nhà. Một quãng sông đã lưu biết bao kỷ niệm của một quãng đời tôi.
Vào thời điểm này, hai từ ghép “thanh minh” rất đúng nghĩa với nơi này. “Thanh” là xanh: trời xanh, nước xanh, núi non, vườn tược đều xanh. Màu xanh cực kỳ phong phú, rộng lớn. “Minh” là sáng: thứ màu sáng của tiết thanh minh cao lộng nhưng dịu mắt con người, chứ không chói chang đến khó chịu như màu sáng của nắng hè.
Tôi nghĩ du khách hay người Quảng ở xa về nên đến đây vào dịp Thanh minh. Lúc này, dòng sông Thu Bồn bão hòa với mực nước vừa phải, không sâu, không cạn lắm. Thuyền gắn máy, ca nô chở khách du lịch sinh thái đi từ Đà Nẵng, Hội An ngược lên tận Hòn Kẽm Đá Dừng vào thời điểm này không sợ mắc cạn, cũng không bị nhọc nhằn quá mức vì lực nước chảy xiết của mấy đoạn thác trên sông như thác Cá, thác Ông, thác Cổ Cò…
Một chuyến thủy trình thú vị như vậy, bạn phải đi ngang quãng sông quãng đời của tôi là nơi gành đá tôi đang trở về ngồi lại.
Nếu sẵn tâm hồn lãng mạn, mời bạn hãy xé lẻ với đoàn du lịch vào đây ngồi ngắm cảnh trời mây non nước với tôi. Tôi sẽ làm người thuyết minh cho bạn. Nếu không được như vậy, xin phép bạn cho tôi tưởng tượng là bạn đang ngồi bên tôi và đôi bạn sơ ngộ sẽ say sưa trao đổi với nhau về cảnh vật của quãng sông này. Chắc là tôi sẽ nói nhiều hơn bạn vì quãng sông đã gắn với tôi một quãng đời.
Bạn nhìn theo tay tôi đây. Đầu quãng sông phía trên cách gành đá chúng ta đang ngồi non hai cây số dòng sông uốn khúc nên không thấy làng mỏ Nông Sơn. Nhưng nhìn lên thật cao ta thấy rặng núi, trên lưng của nó có một dải đá trông bằng phẳng nhô lên. Mặt trời đang lặn xuống phía đó. Người quê tôi dùng hình tượng của dải đá để gọi tên núi là hòn Bàn Cờ. Có người còn cho rằng dải đá hình bàn cờ ấy là nơi các ông tiên thường xuống đánh cờ. Lần mắt xuống thấp, ta thấy một đoạn đường truông ngắn nối liền làng mỏ than Nông Sơn với làng rau quả nổi tiếng Đại Bình, quê ngoại của tôi. Đoạn “sơn đạo” này có tên là Hố Luôn, nếu gọi đúng phải là Hố Luồn (có dấu huyền) vì ngày xưa dân hai làng muốn qua lại phải “luồn” dưới cây núi rậm rạp mà đi. Đã lâu rồi không ai còn luồn nữa vì đoạn truông này được mở rộng, trải nhựa nối mạch giao thông với khắp nơi.
Thiên nhiên đã phối cảnh cho làng Đại Bình thật đẹp. Tôi đã đến nhiều nơi nhưng không thấy làng nào đẹp như thế. Phía sau làng là dãy núi như có thiên chức sơn trấn cho làng. Dãy núi hình cánh cung một đầu là Hố Luôn tôi vừa nói và đầu kia ở cuối làng là Hố Chuối. Bên ngoài, dọc theo mép núi là cánh đồng, tiếp theo là làng xóm với những vườn cây ăn quả nổi tiếng. Viền thật khớp với chiều dài của làng là bãi cát bên sông Thu Bồn. Cuối hai làng đối diện lại là một khúc quanh của sông ngăn tầm mắt ta không thấy tiếp những cảnh vùng hạ lưu.
Bạn đang nhìn khá lâu dãy núi đá thật cao và tôi biết bạn đang nghĩ gì. Dãy núi ấy thuộc phía cuối làng tôi có tên Hòn Ngang. Người lạ như bạn khi ngồi đây nhìn dãy núi ấy sẽ không khỏi thắc mắc: một dãy núi đá sừng sững chắn ngang thế kia thì sông chảy đường nào? Có gì đâu, bởi Hòn Ngang ấy chỉ chồm đến bờ của khúc sông quanh nên dòng sông vẫn thông tuy có uốn éo làm duyên một chút.
Từ thời thiếu niên cho đến tận bây giờ, tôi nuôi kỳ vọng viết nhiều chuyện về quãng sông này. Khả năng của tôi chỉ tạm cho ngòi bút xuôi ngược nơi quãng sông ngắn chứ không dám cao vọng viết về cả một dòng sông. Tôi đã viết nhiều chuyện về quãng sông quãng đời mình nhưng vẫn còn thiếu nhiều cảnh quan, sự kiện, nhân vật…
Mặt trời đã lặn xuống sau núi Bàn Cờ, một vầng ráng đỏ còn nuối lại trong khoảnh khắc ở góc trời phía ấy.
TƯỜNG LINH