Quế Sơn tăng cường xuất khẩu lao động

DUY THÁI 13/07/2015 10:13

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tìm kiếm thị trường lao động và thực hiện các cơ chế ưu đãi trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), huyện Quế Sơn đã tạo cơ hội cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm ăn khá giả.

Điểm sáng Quế Cường

Từ năm 2011, phong trào đi XKLĐ trở nên rầm rộ tại xã Quế Cường, nhiều hộ dân địa phương khá lên nhờ con cái đi lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong căn nhà mới khang trang vừa xây xong, bà Trần Thị Thanh (thôn 1, Quế Cường) kể: “Khi mới nghe XKLĐ tôi thực sự thấy lạ lẫm, nhưng chứng kiến nhiều gia đình khá lên nhờ có con đi làm ở nước ngoài, năm 2012, tôi quyết định vay gần 200 triệu đồng để con gái là Nguyễn Thị Tịnh sang Nhật làm việc. Sau 3 năm lao động, con tôi trở về nước đúng hạn và có nguồn thu nhập đáng kể nên gia đình cải thiện cuộc sống”. Trước đây gia đình bà Thanh thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng thường xuyên đau ốm, nhà cửa tạm bợ. Căn nhà này được xây mới cũng nhờ con gái đi làm việc tại nước ngoài dành dụm mang về. Vừa giúp gia đình trả được nợ, con gái bà Thanh còn mở được tiệm cắt tóc để ổn định cuộc sống.

Huyện Quế Sơn thường xuyên liên kết, tạo nguồn với các công ty uy tín để tìm kiếm thị trường XKLĐ. Ảnh: D.T
Huyện Quế Sơn thường xuyên liên kết, tạo nguồn với các công ty uy tín để tìm kiếm thị trường XKLĐ. Ảnh: D.T

Tại xã Quế Cường, gia đình ông Nguyễn Long (thôn 2) cũng khá lên vì có 4 người con đi XKLĐ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện 3 người đã mãn hạn lao động và trở về nước, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông Long trở nên khá giả. Hiện tại, vợ chồng người con trai út của ông Long là Nguyễn Văn Lực sau khi trở về đã mua đất làm nhà và mở được tiệm tạp hóa lớn để buôn bán tại địa phương. Còn anh trai cả là Nguyễn  Xuân Vũ chấp nhận sống cảnh xa vợ con để làm việc tại Hàn Quốc. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (vợ anh Vũ) cho hay, sau khi lao động tại Nhật về, chị dành dụm được hơn nửa tỷ đồng, còn chồng thì đều đặn mỗi tháng gửi về khoảng 40 triệu đồng. Với khoản tiền này, vợ chồng chị mới có vốn liếng để làm ăn. Riêng bản thân chị Nguyệt, nhờ có kinh nghiệm và thông thạo tiếng Nhật nên được trung tâm giới thiệu việc làm mời đến làm việc, nhưng chị quyết định dành thời gian ở nhà để chăm con và phụ giúp việc làm ăn của cha mẹ.

Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Cường cho biết: “Quế Cường là địa phương dẫn đầu về công tác XKLĐ trên địa bàn huyện. Từ năm 2011 đến nay, Quế Cường có 57 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Nhờ đó mà nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, hầu hết lao động đều tích lũy vốn để làm ăn kinh doanh, nhiều hộ mua sắm được xe tải, máy gạo, máy phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,5% (năm 2011) xuống còn 16,4%”.

Tạo niềm tin cho người lao động

Đa số lao động tại huyện Quế Sơn đi làm việc và học tập ở nước ngoài đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, chi phí bỏ ra để được đi XKLĐ là một vấn đề lớn đối với người dân nơi đây. Ông Võ Văn Trung - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Sơn cho biết, để người dân tin tưởng và kịp thời nắm bắt cơ hội làm việc tại nước ngoài, huyện Quế Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Địa phương cũng tập trung tổ chức hội thảo theo cụm và đối thoại trực tiếp với người lao động về tiêu chuẩn tuyển lao động, quy trình tư vấn tuyển và xuất cảnh; phổ biến luật và hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho người lao động, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, trung tâm dịch vụ việc làm, liên kết, tư vấn tạo nguồn với các công ty uy tín để đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. “Trong năm 2015, huyện Quế Sơn đặt chỉ tiêu đưa 25 người đi XKLĐ, nhưng trong 6 tháng đầu năm đã có 19 lao động đi XKLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và có trên 20 du học sinh vừa học vừa làm tại các thị trường lao động trên” - ông Trung nói.

Để đưa được nhiều lao động nghèo sang nước ngoài làm việc, huyện Quế Sơn đang chú trọng tìm kiếm thị trường lao động ưu đãi, giảm chi phí và hệ vừa học vừa làm. Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản do Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) tài trợ và tuyển chọn ứng viên tham gia chương trình phát triển nguồn nhân lực cho thanh niên nghèo Việt Nam thực sự đã mở ra cơ hội cho lao động trên địa bàn huyện. Năm 2014, toàn huyện đã đưa được 14 người sang Nhật vừa học vừa làm theo chương trình này, trong năm nay đã có 10 người tiếp tục đăng ký tham gia. Ngoài các xã mạnh về XKLĐ như Quế Cường, Quế Xuân 1, các địa phương khác cũng đang đẩy mạnh công tác XKLĐ theo đường chính thống nhất để giải quyết việc làm cho lao động.
Ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, XKLĐ thực sự đã đem lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân tại Quế Sơn. Để công tác XKLĐ tiếp tục đạt hiệu quả lâu dài, các cấp, ngành trong huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng pano, mở chuyên mục tuyên tuyền trên Đài Truyền thanh - truyền hình huyện, tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý và đào tạo nghề cho lao động. Tại các gia đình khó khăn, các đoàn thể ở địa phương vận động giúp đỡ ngày công để con em họ yên tâm làm việc tại nước ngoài.

DUY THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn tăng cường xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO