Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp, làng nghề xác lập quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc làm này vẫn bị doanh nghiệp và cơ quan chức năng bỏ quên...
Rau Bàu Tròn (Đại Lộc) được sự hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu của Sở KHCN nên được thị trường Đà Nẵng đón nhận nhiệt tình. Ảnh: C.T.A |
Lơ là
Bánh ngọt Bảo Linh (đường Phan Bội Châu, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) được đưa đi tiêu thụ và người tiêu dùng yêu thích ở một số thị trường lân cận TP.Tam Kỳ trong nhiều năm qua. Thế nhưng, chủ cơ sở sản xuất bánh tiết lộ rằng họ chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vì không có thời gian cũng như cảm thấy chưa cần thiết lắm. Câu chuyện của bánh ngọt Bảo Linh không phải là trường hợp cá biệt trong hàng ngàn cơ sở, công ty sản xuất bánh kẹo, nem chả, nước mắm... được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ khá mạnh. “Trong trường hợp này, nếu chủ cơ sở chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa phát hiện có sản phẩm giả thương hiệu của mình thì cũng không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vì thế việc đăng ký nhãn hiệu sẽ giúp các cơ sở yên tâm hơn, chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu”, ông Lê Cần – Phó Chi cục QLTT tỉnh, nói.
Những tháng gần đây, được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, đã có 4 nhãn hiệu tập thể (trong số 30 nhãn hiệu) được ra đời và đi vào vận hành trong thị trường. Đó là thương hiệu rau Bàu Tròn (Đại Lộc), bưởi trụ Đại Bình (Nông Sơn), tiêu Tiên Phước, nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình). Anh Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại An (Đại Lộc) cho biết, trước đây rau của bà con trong hợp tác xã sản xuất ra đưa đi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có đăng ký nhãn hiệu, bước đầu được hỗ trợ từ Sở KH&CN để quảng bá thương hiệu nên người tiêu dùng dần biết đến, yêu thích và tìm sử dụng sản phẩm rau Bàu Tròn. “Hiện chúng tôi làm các thủ tục cần thiết để có thể đưa rau vào các siêu thị, trung tâm thương mại tại Quảng Nam, Đà Nẵng để đầu ra cho sản phẩm được ổn định, lâu dài. Tránh tình trạng chụp giựt, bấp bênh như trước đây” - anh Vũ nói.
Không chỉ anh Vũ mà những ông chủ đã đăng ký nhãn hiệu đều khẳng định rằng, khi sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu thì người sản xuất yên tâm sản xuất, tung sản phẩm ra thị trường. Đồng thời hạn chế và chống gian lận thương mại, không sợ các cơ sở khác giả mạo nhãn hiệu của mình, nhất là trong dịp lễ tết. Với người tiêu dùng thì nhãn hiệu là cơ sở để họ lựa chọn sản phẩm tin dùng với tâm thế yên tâm hơn so với trước đây.
Chưa tương xứng tiềm năng
Ông Lê Tất Chiến – chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trong chia sẻ mới đây tại lớp tập huấn kiến thức đăng ký bảo hộ, khai thác giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cho rằng: “So với các tỉnh, thành phố khác thì Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, ưu thế về địa lý, kinh tế - xã hội. Hiện nay cả tỉnh Quảng Nam có khoảng 1.025 đơn đăng ký nhãn hiệu, so với cả nước thì Quảng Nam đứng thứ 34. Điều đó cho thấy việc đăng ký và bảo hộ không tương xứng với tiềm năng của tỉnh khi địa phương có 89 làng nghề và khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực”. Rõ ràng, các doanh nghiệp và các địa phương chưa thực sự quan tâm tới vấn đề đăng ký nhãn hiệu. Dù rằng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không phải là thủ tục bắt buộc nhưng việc làm này rất cần thiết và là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thời gian gần đây, Sở KH&CN đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực hết mình để hỗ trợ làng nghề, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu. Chị Hà Thị Ánh Tuyết – Phó phòng Sở hữu trí tuệ - an toàn bức xạ hạt nhân (Sở KH&CN) nói: “Trước mắt, chúng tôi phối hợp với các làng nghề tiến hành xây dựng, tạo lập nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề của Quảng Nam. Bước đầu đã nâng cao kiến thức về những lợi ích khi sở hữu nhãn hiệu tập thể và trang bị đầy đủ hơn các kiến thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ cũng như các quy định pháp luật về bảo hộ, các vấn đề quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp thị sản phẩm, cách thức, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể của các làng nghề... Việc đăng ký nhãn hiệu của các làng nghề rau Bàu Tròn, nước mắm Cửa Khe, bưởi trụ Đại Bình... là mô hình mẫu để nhân rộng cho các sản phẩm truyền thống khác tại Quảng Nam”.
CHIÊU THỤC ANH