Kiểm soát đường thủy

THÀNH CÔNG 15/06/2020 13:06

Hàng loạt giải pháp nhằm siết chặt quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đang được Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) tích cực triển khai, nhận được sự phối hợp, đồng hành của nhiều đơn vị, nhằm giảm thiểu tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Cảnh sát đường thủy tuyên truyền, phát tờ rơi cho du khách ở hồ Phú Ninh. Ảnh: T.C
Cảnh sát đường thủy tuyên truyền, phát tờ rơi cho du khách ở hồ Phú Ninh. Ảnh: T.C

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức kết hợp trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn vẫn đang được duy trì trong các mặt hoạt động thường xuyên của Phòng Cảnh sát đường thủy (CSĐT). Từ khi thành lập đến nay, số địa điểm lẫn phạm vi, địa bàn tuyên truyền được mở rộng đều khắp các huyện, thị xã, thành phố, từ vùng ven biển, đồng bằng ngược lên các xã miền núi… Mở rộng phạm vi, tần suất tổ chức, song ở mỗi địa điểm tuyên truyền, nội dung, cách thức cũng được chọn lọc, đổi mới sao cho thiết thực, gần gũi và phù hợp nhất với đối tượng tiếp nhận.

Gần đây nhất, Phòng CSĐT phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy tại hai địa bàn khá “trọng điểm” là xã Tam Giang (Núi Thành) và xã Đại Cường (Đại Lộc). Bên cạnh phát tờ rơi, áo phao, buổi tuyên truyền tập trung vào sự tương tác giữa báo cáo viên với người được tuyên truyền, từ đó hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức liên quan.

Cũng trong tháng 6, Phòng CSĐT tổ chức buổi tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho gần 850 học sinh của Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Tam Quang). Bên cạnh tập huấn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, đơn vị cấp phát hàng chục áo phao, dụng cụ nổi, phao cứu sinh cũng như cấp phát 1.000 tờ rơi cho các em học sinh và cán bộ, giáo viên của trường.

Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, báo cáo viên Phòng CSĐT cho hay, ngoài những địa bàn quen thuộc ở vùng sông nước, đơn vị cũng tập trung cho các xã quanh khu vực lòng hồ thủy điện, hồ chứa, một số bãi tắm biển… “Bên cạnh cung cấp quy định về an toàn đường thủy nội địa, chúng tôi lồng ghép tư vấn kiến thức pháp luật, công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện cho các hộ dân lẫn chính quyền địa phương để tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn cho chính người dân trên địa bàn. Đồng thời cảnh báo các hành vi vi phạm như sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn để vận chuyển gỗ rừng trồng (gỗ keo), chở khách đi trong lòng hồ khi chưa có luồng tuyến, chưa được cấp phép, phương tiện không đảm bảo việc chở khách… Sắp tới, hoạt động này sẽ được tiếp tục mở rộng ở các xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Cẩm Thanh (TP.Hội An)” - Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng nói.

Siết lại các quy định

Còn nhiều khó khăn

Theo Thượng tá Mai Xuân Sang, bên cạnh những khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng tuần tra mỏng, kinh phí cho công tác tuyên truyền lẫn tăng cường mật độ, phạm vi tuần tra còn hạn chế, thiếu một số áo phao, dụng cụ an toàn để cấp phát cho người dân, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác đào tạo cấp chứng nhận đủ điều kiện điều khiển phương tiện, công tác đăng kiểm. Người dân ở một số vùng, đặc biệt là quanh lòng hồ thủy điện còn chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng, dễ xảy ra mất an toàn trong thời điểm thường xuyên xảy ra dông lốc. Công an các địa phương đã được phân cấp quản lý một số tuyến đường thủy trong phạm vi địa bàn song vẫn còn một số hạn chế nhất định cần phải được sớm khắc phục. Chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm chung tay ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn đường thủy.

Sau hai vụ tai nạn đường thủy làm chết 11 người chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, Phòng CSĐT cũng đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm tăng cường lập lại trật tự an toàn trên các tuyến đường thủy nội địa theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh.

Thượng tá Mai Xuân Sang - Trưởng phòng CSĐT cho hay, rất nhiều phần việc đã được đơn vị phối hợp thực hiện trong năm 2020. Đơn vị đã tổ chức nhiều đợt gặp mặt, mời các chủ phương tiện lẫn người điều khiển phương tiện đường thủy để gặp gỡ, nói chuyện về an toàn đường thủy, các hành vi bị cấm, hướng dẫn hoạt động để đảm bảo an toàn. Nhiều năm qua, đơn vị còn phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra toàn bộ phương tiện tàu cá, hướng dẫn người dân khắc phục nguy cơ mất an toàn, tập huấn kỹ năng xử lý các tình huống... Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản đối với 78 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 338 triệu đồng. Đặc biệt, trong tháng 6 này, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung làm việc tại các địa phương, kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý đăng ký phương tiện giao thông đường thủy, chấn chỉnh ngay các lỗ hổng trong quản lý phương tiện thô sơ, xử lý thông luồng lạch đường thủy nội địa và tăng cường xử lý vi phạm.

“Trên thực tế, các tai nạn nghiêm trọng đều liên quan đến phương tiện thủy thô sơ, cho thấy một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, tập trung trong việc rà soát, thống kê lẫn quản lý, chúng tôi đang khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn việc này. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường hoạt động tuần tra xử lý vi phạm, tập trung xử lý nghiêm hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc sức chở dưới 5 người vào hoạt động mà không trang bị, hoặc thiếu các dụng cụ an toàn; các hành vi vi phạm về điều kiện hoạt động của phương tiện. Mọi bến thủy nội địa cũng sẽ được kiểm tra thường xuyên, xử lý, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm” - Thượng tá Mai Xuân Sang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO