Mặt trận 579 có ba vị tướng

HỒNG VÂN 15/10/2021 17:35

(QNO) - Có ba vị tướng xứ Quảng hoặc làm rể xứ Quảng trong Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 để lại ấn tượng khó quên trong lòng cán bộ, chiến sĩ bởi lối sống liêm khiết và hết mực thương yêu cấp dưới.

Không nhận là thương binh

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Hoan (1927-2014) nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Tư lệnh Mặt trận 579, quê Điện Nam (Điện Bàn) là người liêm khiết hiếm có. Một tư lệnh quân khu, đi qua 3 cuộc kháng chiến nhưng không bao giờ đặt mình hơn người khác.

Căn nhà 38, Phan Bội Châu (TP.Đà Nẵng) đang ở là ông mua hóa giá. Con cháu vẫn còn nhớ, ông phải đi mượn tiền người chị gái trả dần mấy năm mới hết. Vợ nuôi heo, ông từ Mặt trận 579 về, cũng xắn tay áo cùng vợ, dọn chuồng mà vẫn vui vẻ như thường. Con cháu chưa có nhà ở phải làm đơn mượn nhà theo trình tự và đúng tiêu chuẩn như mọi người, không có sự ưu tiên đặc biệt nào. Đánh giặc từ chống Pháp, người ông không thiếu thương tích, nhưng ông không hề khai mình là thương binh, dù ông xác nhận thương binh cho hàng chục đồng chí của mình.

Thiếu tướng Phạm Bân, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 579 (ngoài cùng bên phải), Trung tướng Phan Hoan (thứ hai từ trái sang) cùng các tướng lĩnh Quân khu 5 ngày quân tình nguyện rút về Pleiku - Gia Lai (12-1988). Ảnh: T.L
Thiếu tướng Phạm Bân, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 579 (ngoài cùng bên phải), Trung tướng Phan Hoan (thứ hai từ trái sang) cùng các tướng lĩnh Quân khu 5 ngày quân tình nguyện rút về Pleiku - Gia Lai (12-1988). Ảnh: T.L

Lạ đời nhất là ông cùng đi tham gia cách mạng vào tháng 1.1945 cho đến khi tham gia giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám với người em trai. Người em được công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa, ông chẳng hề kê khai cho mình. Để trả lại vinh dự cho ông, đồng đội đã nhọc công về huyện Điện Bàn truy tìm giấy tờ, để đến khi ông mất được một ngày, Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn ký quyết định công nhận ông là cán bộ tiền khởi nghĩa.

Học vấn uyên thâm và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc đã giúp ông suốt 10 năm trên cương vị Tư lệnh Quân khu 5 (1987-1997) đưa miền Trung - Tây Nguyên trở thành điểm sáng toàn quân về mô hình xây dựng quốc phòng - an ninh.

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nhớ lại: “Thời chúng tôi, đời sống cán bộ rất khó khăn. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng nhà đất, tôi đề xuất với anh Hoan việc cấp đất để bộ đội an cư lập nghiệp. Anh đồng ý. Nhờ sự quyết đoán đó, mà đã có hơn 1.000 gia đình bộ đội có nhà ở. Một chủ trương lớn thời bấy giờ, đi trước toàn quân”.

Cái nháy mắt của thủ trưởng        

Đồng hương và làm Phó Tư lệnh Mặt trận 579 cùng thời với Trung tướng Phan Hoan là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Bân (1930-1995).

Khi ông làm sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 307 hay trưởng đoàn chuyên gia quân sự ở Quân khu 1 Campuchia sau này, cán bộ, chiến sĩ đều rất mực yêu quý, kính trọng ông.

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi (TP.Đà Nẵng) kể: “Thủ trưởng thương lính một cách tâm lý không ai ngờ tới. Ở chiến trường thiếu thốn, mỗi khi có dịp đi họp ở Phnôm Pênh bằng trực thăng, thủ trưởng Phạm Bân thế nào cũng dùng tiền phụ cấp mua tặng anh em năm bảy thùng bia về liên hoan trong các dịp lễ, tết. Những chai bia đó thường đi vòng. Bởi từ Stung Treng muốn lên thủ đô nước bạn họp phải về TP.Hồ Chí Minh, rồi cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Phnôm Pênh và ngược lại. Cuối năm 1988, bộ đội tình nguyện Quân khu 5 rút về nước. Một số cán bộ đầu mối được UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum chiêu đãi khi vừa đến biên giới. Tướng Bân nháy mắt với cấp dưới của mình: “Lần này chắc tiệc lớn. Các cậu cố kiếm mấy chiếc áo rộng, nhiều túi, nhỡ uống bia lon không hết thì cứ cầm về cho anh em ở nhà” - quả đúng như vậy, hôm đó chúng tôi được một bữa ra trò”.

Rời chiến trường về làm chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam -  Đà Nẵng, ông quan tâm, tạo điều kiện để anh em cho đất đai làm nhà, làm trường mẫu giáo cho trẻ em thành phố. Quyết cho nhiều người, nhưng ông ở một căn nhà trong hẻm nhỏ đường Lê Lai bằng tiền vợ chuyển nhượng căn hộ tập thể ngoài Bắc. Ông bảo: “Mình có nhà ở là được rồi, nhiều đồng đội còn chưa có”. Khi ông đi làm chuyên gia ở Cuba, cấp trên đã cấp ông căn nhà hiện nay. Ông về ở vài tháng thì qua đời. Cựu chiến binh Trà Thanh Lợi cho biết: “Khi thực hiện cuốn sách về Thiếu tướng Phạm Bân, ở đâu chúng tôi cũng nhận sự giúp đỡ của đồng đội. Từ anh chủ tiệm photocopy không nhận chi phí đến anh xe thồ ở ga chở sách không lấy tiền khi biết sách đó viết về ông Phạm Bân đều không lấy tiền". Thế mới biết ông được mọi người yêu quý đến mức nào.

Tạc đá ngày chiến thắng

Tin Thiếu tướng Phan Thanh Dư (sinh năm 1931, quê Thừa Thiên Huế, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579) qua đời đầu tháng 7.2021 khiến những ai từng biết ông đều vô cùng thương tiếc. Quê Thừa Thiên Huế, nhưng vị tướng trận mạc này gần cả cuộc đời gắn bó với Quân khu 5, đặc biệt là Quảng Nam. Cũng vì thế mà ông có được người vợ thảo hiền xứ Quảng, từng là chiến sĩ Sư đoàn 2.

Đại tướng Huốt Chiêng, Phó tư lệnh Lục quân kiêm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Campuchia ân cần hỏi thăm Thiếu tướng Phan Thanh Dư (Đà Nẵng, năm 2014).
Đại tướng Huốt Chiêng, Phó Tư lệnh Lục quân kiêm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Campuchia ân cần hỏi thăm Thiếu tướng Phan Thanh Dư (Đà Nẵng, năm 2014).

Bà Huỳnh Thị Hương nói rằng, trẻ trung, lại là y tá sư đoàn bộ, nhiều anh để ý bà nhưng lúc ấy đang chiến trận ai nào dám nghĩ chuyện yêu đương. Khi Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 2 Phan Thanh Dư đặt vấn đề, dù chênh nhau đến gần 20 tuổi nhưng bà vì cảm mến và khâm phục vị sĩ quan gan lì nên đồng ý luôn. Cuối năm 1971, đơn vị đang đánh Đường 9 Nam Lào và trên đà thắng lợi, cả hai tuyên bố thành vợ chồng. Khi cả đơn vị hành quân qua đánh cao nguyên Boloven thì bà Hương có bầu đứa con đầu lòng nên không thể đi theo sư đoàn. Vậy là bà khăn gói vượt suối trèo đèo qua Sa Thầy (Kon Tum) công tác ở Đội điều trị 25.

Không hề nhận được thư từ gì của ông suốt gần 4 năm nhưng bà tin ông còn sống đểgặp con trai. Tháng 3.1975, có xe đơn vị lên đón bà về Nước Oa, Trà My, kèm theo cái thư ông gửi báo ông vẫn khỏe, bà nhẹ cả người. Cứ nghĩ giải phóng rồi, vợ chồng gần nhau, bà đỡ vất vả. Vậy mà từ năm 1979, ông ở chiến trường K. giúp bạn suốt 10 năm, thi thoảng mới về nước vài ba ngày. Ông ít khi kể chuyện nhà binh, nhưng qua đồng đội, bà biết ông luôn đứng trước hòn tên mũi đạn, sống chết trong gang tấc.

Cùng với Sư đoàn trưởng Phạm Bân, thì Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Phan Thanh Dư chính là “bộ óc tác chiến” của Sư đoàn 307 ngày đơn vị mới thành lập (1978). Ông càng đặc biệt hơn bởi hai lần đứng vị trí chỉ huy ở chiến trường Lào (1971, 1987) khi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2) giải phóng cao nguyên Boloven và Phó Tư lệnh Mặt trận 579 tiêu diệt bọn phản động Hoàng Cơ Minh khi chúng lưu vong tại Lào.

Là sư đoàn có mặt đầu tiên ở xứ Chùa Tháp khi bạn kêu gọi giúp đỡ chống lại tội ác diệt chủng của Khơme Đỏ, Sư đoàn 307 đã đi một chặng đường dài tốn biết bao xương máu, đặc biệt là khi giải phóng đền Preah Vihear, bảo vệ trọn vẹn di sản văn hóa thế giới.

Ông kể: “Khó có thể tả hết cảm giác hạnh phúc khi đó. Tôi bảo đồng chí Ma Văn Khao, Tham mưu trưởng Trung đoàn 95: “Cậu nói chiến sĩ của mình lấy đinh 10mm khắc cho được mấy chữ là: 1717995307- QK5 vào tường đá của ngôi đền để ghi  nhớ thời điểm lịch sử. Dãy số ấy có nghĩa là: ngày 17.1.1979 (ngày giải phóng và chiếm lĩnh đền), hai số 95 và 3 số 307 là tên đơn vị và cuối cùng là Quân khu 5”. Công lao đầy mình, nhưng với đồng đội, cấp dưới, ông sống thủy chung, khiêm tốn, ai cũng yêu quý…

Những vị tướng Mặt trận 579 đã đi xa, nhưng đóng góp to lớn và phẩm chất cao đẹp của họ còn khắc sâu mãi trong tâm trí người ở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mặt trận 579 có ba vị tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO