Mấy ngày qua, chuyện bắt đầu nóng lên trên các báo về Dự án sinh thái Nam Ô (Đà Nẵng) khiến dư luận đặc biệt chú ý đến dự án 3.300 tỷ đồng này. Dân phản đối khi bị bít đường ra biển. Nhiều phương tiện truyền thông đăng bài phản ứng dữ dội về việc các di tích lịch sử hàng trăm năm rồi đây sẽ nằm dưới nền resort. Trong khi đó, phát ngôn của ông Hồ Duy Diệm (cựu phó chủ tịch Hội quy hoạch TP.Đà Nẵng) – được VietTimes dẫn lời, rằng Đà Nẵng đã phải trả giá quá đắt khi quy hoạch thành phố bị “băm nát”, chia lô bán nền, không còn giá trị cốt lõi của văn hóa, truyền thống lịch sử, lại lần nữa xới lên chuyện “tư duy chia lô bán nền” hiện diện khắp nơi, không chỉ riêng Đà Nẵng.
Đó sẽ là bài học nhãn tiền cho Quảng Nam. Bởi, dù không nóng như Đà Nẵng, nhưng các khu vực thuộc Quảng Nam, nhất là vùng lân cận Đà Nẵng, các dự án vùng đông, và kể cả TP.Tam Kỳ, chỗ nào cũng thấy giá đất lên vèo vèo từng ngày. Dạo một vòng quanh các khu dân cư mới hình thành hoặc vào trang Batdongsan.com.vn sẽ thấy ngay điều đó.
Năm 2016, khi Tam Kỳ “lên đô thị loại 2”, đã nợ một số nhóm chỉ tiêu do chưa đạt điểm, trong đó có tiêu chí mà đến hiện tại vẫn chưa thể và chưa biết đến khi nào đạt được: tỷ lệ tăng dân số hằng năm (tức quy mô dân số toàn đô thị). Cùng với các điểm nợ khác, đó cũng là điều khiến chính quyền thành phố toan tính trả nợ. Tuy nhiên, với nhiều người thì đó lại là “may mắn”. Thưa người nên kẹt xe chưa có. Trong khi đó, người bản địa Đà Nẵng bảo rằng, mươi năm trở lại đây, thành phố đã… chật không thể tưởng. Mười một giờ đêm ra đường, người và xe cộ vẫn còn nườm nượp. Đã bắt đầu kẹt xe như Sài Gòn. Tam Kỳ chưa phát triển đến mức ấy, nhưng cần tính đến việc làm sao để quy hoạch giao thông Tam Kỳ không giẫm lên vết xe đổ quy hoạch giao thông Đà Nẵng “từ cờ tướng thành cờ vây” như một nhà quản lý nhận định.
Tam Kỳ, cũng đã có đôi chỗ quy hoạch nhưng vẫn xẻ đôi, bán nền, phá vỡ không gian xanh của khu phố mới được cho là kiểu mẫu. Và mới đây, lại có đơn của người dân về việc chính quyền cơ sở phá bỏ công viên cây xanh theo quy hoạch trước đó để xây dựng nhà sinh hoạt khối phố. Từng có một Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 (của công ty Niken Sekkei Civil Engineering Nhật Bản) đạt giải tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của kiến trúc sư nước ngoài trong cuộc thi giải thưởng kiến trúc quốc gia Việt Nam. Chưa có một đánh giá độc lập nào về việc Tam Kỳ tham vấn đồ án này trong quy hoạch phát triển đô thị đến đâu nhưng hẳn đây là gợi mở tốt cho việc giải quyết các bài toán xung đột về quyền hưởng thụ của người dân với bất cập trong sự quản lý của chính quyền về quy hoạch. Trong quá trình phát triển, điều chỉnh quy hoạch là tất yếu, nhưng tuân thủ quy hoạch để đừng phá bỏ mọi thứ khiến người dân nổi giận, lại càng cần thiết hơn. Đừng để đến lúc sẽ phải “trả giá đắt” như Đà Nẵng hiện tại.
C.B.L