Quảng Nam đang xúc tiến quy hoạch lại nghề khai thác hải sản của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Điều chỉnh sản xuất
Số lượng phương tiện hoạt động trên các vùng biển xa cũng như sản lượng khai thác hải sản của tỉnh dần tăng lên trong những năm qua. Thống kê của ngành thủy sản cho thấy, trong năm 2015, ngư dân khai thác được gần 80 nghìn tấn hải sản, tăng hơn 10 nghìn tấn so với năm 2013 và 2014. Trong vòng 3 năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ của trung ương, ngư dân Quảng Nam đã đóng mới hơn 50 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, nâng số tàu xa bờ của tỉnh lên 352 chiếc. Để tạo thêm cú hích phát triển nghề cá, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT điều tra số liệu, tổ chức quy hoạch lại nghề khai thác hải sản của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh chú trọng tăng đội tàu sản xuất xa bờ, đặc biệt là tàu vỏ thép và vật liệu mới. Theo kế hoạch sắp xếp lại nghề cá, đến năm 2020, tổng số tàu xa bờ toàn tỉnh đạt khoảng 600 chiếc, năm 2030 đạt 750 chiếc, tập trung chủ yếu tại 2 địa phương có truyền thống, tiềm năng khai thác hải sản là Núi Thành và Thăng Bình. Số tàu xa bờ tại Núi Thành theo kế hoạch chiếm hơn 50% tổng số tàu xa bờ của tỉnh, khoảng 325 chiếc vào năm 2020 và 375 chiếc năm 2030. Huyện Thăng Bình đạt khoảng 215 chiếc năm 2020 và 235 chiếc năm 2030.
Đội tàu xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: N.Q.V |
Hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển nghề cá sẽ được triển khai trong thời gian đến, trước hết là kiện toàn hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và bờ, chủ động ứng phó, lai dắt tàu cá ngay khi gặp nạn. Từ những thành quả trong thời gian qua, Quảng Nam tích cực điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản làm cơ sở cho quy hoạch và tổ chức lại hoạt động của các nghề khai thác hải sản. Theo đó, đến năm 2020, nhóm nghề lưới kéo giảm xuống còn 4,6%, nghề lưới vây chiếm 10%, nghề lưới rê chiếm 56,8%, nghề câu chiếm 16,2%, còn lại là các nghề sản xuất khác.
Về tổ chức lại sản xuất, đến thời điểm này, các huyện Núi Thành và Thăng Bình triển khai các hoạt động để hưởng ứng chủ trương sắp xếp lại nghề cá của tỉnh. Huyện Núi Thành đang giúp ngư dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác hải sản, đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm hiện đại sau khi đánh bắt. Cùng với đó là tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập và nhân rộng các mô hình khai thác hải sản đạt hiệu quả của tỉnh, thành khác. Huyện Thăng Bình cũng áp dụng các công nghệ số, viễn thám để theo dõi, quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng phương pháp đánh bắt, ngư cụ, thiết bị khai thác mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả sản xuất cao. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng bọt xốp kết hợp với cải tiến hầm bảo quản bằng inox để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
Nâng cấp hạ tầng
Quảng Nam hiện có cảng cá An Hòa ở xã Tam Giang và 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009 là Khu neo đậu tránh trú bão An Hòa (thuộc 2 xã Tam Giang và Tam Quang), Khu neo đậu tránh trú bão Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Hiện tại, các khu neo đậu tránh trú bão đang sử dụng không đáp ứng yêu cầu neo đậu cho các tàu cá có công suất 600CV trở lên. Vì vậy bổ sung, điều chỉnh, nâng cấp cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong những năm đến là hết sức cần thiết. Căn cứ Quyết định 1349/QĐ-TTg (ngày 9.8.2011) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh lại quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã có chủ trương và đang hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất Trung ương phê duyệt đầu tư cảng cá loại 1 ở Tam Quang (Núi Thành). Các dự án nâng cấp 3 khu neo đậu tàu cá vừa nêu cũng đang được tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề xuất Trung ương đầu tư theo Nghị định 89 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất nước đá với tổng công suất khoảng 27.793 tấn/năm. Nhìn chung, công suất sản xuất nước đá của Quảng Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay của hoạt động nghề cá trong tỉnh. Các cơ sở này tập trung chủ yếu tại huyện Núi Thành và TP.Hội An. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 31 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, trong đó có 7 cơ sở có quy mô đóng tàu từ 400CV trở lên, 3 cơ sở có thể đóng tàu từ 90CV đến dưới 400CV. Các cơ sở còn lại đóng tàu có công suất nhỏ, từ 30CV đến dưới 90CV hoặc chỉ tham gia sửa chữa.
Việc hoàn thiện lại hậu cần là tiêu chí để phát triển nghề cá. Đáp ứng nhu cầu đó, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đầu tư cảng cá mới ở xã Bình Minh (Thăng Bình). Trên cơ sở nâng cấp các khu neo đậu tàu cá, sẽ hình thành thêm các cơ sở cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá mới. Chủ trương của tỉnh là từng bước chuyển giao các công nghệ mới về đóng tàu cho các cơ sở hiện có. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xúc tiến làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở đóng và sửa chữa tàu vỏ thép đóng chân trên địa bàn xã Tam Giang (Núi Thành). Về lâu dài, Quảng Nam chú trọng phát triển các đội tàu dịch vụ hậu cần tại các vùng biển xa, tập trung tại các xã trọng điểm nghề cá. Dự kiến, đến năm 2020, tổng số tàu dịch vụ hậu cần toàn tỉnh đạt khoảng 200 chiếc với công suất bình quân mỗi tàu đạt khoảng 300CV.
NGUYỄN QUANG VIỆT