Với đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bắc Trà My giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030, chính quyền địa phương đặt ra nhiều mục tiêu, kỳ vọng, nhất là khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường.
Phân vùng phát triển
Theo đồ án đã được HĐND huyện Bắc Trà My thông qua, toàn huyện được phân thành 3 tiểu vùng, dựa trên các yếu tố về vị trí địa lý, địa hình, mức độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian đến; cũng như theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Trà My đã được phê duyệt. Cụ thể, theo UBND huyện Bắc Trà My, tiểu vùng 1 gồm các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Bui và Trà Đốc. Phát triển kinh tế với định hướng chủ yếu là lâm nghiệp, với các loại cây nguyên liệu gỗ, giấy; đồng thời, chú trọng phát triển một số cây trồng, con vật nuôi bản địa (quế, bò, dê, heo cỏ); hình thành một số “Làng sinh thái” của vùng để từng bước phát triển du lịch, dịch vụ. Còn tiểu vùng 2 gồm các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Nú, Trà Kót và Trà Giang. Phát triển kinh tế với định hướng chủ yếu là nông - lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi và kinh tế trang trại đi liền với thâm canh, ứng dựng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, tạo thế phát triển lâm nghiệp bền vững; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện trong vùng. Tiểu vùng 3 gồm các xã Trà Tân, Trà Sơn và thị trấn Trà My; phát triển kinh tế với định hướng chủ yếu là “thương mại - du lịch - dịch vụ” gắn với tập trung xây dựng một số cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, với đồ án này, UBND huyện kỳ vọng xây dựng quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn kết chặt chẽ với quy hoạch vùng Quảng Nam đã được phê duyệt; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu; huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. “UBND huyện còn kỳ vọng, quá trình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bắc Trà My giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030 cũng sẽ từng bước điều chỉnh tạo sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng trong huyện, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các tầng lớp dân cư; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn” - ông Vũ chia sẻ.
Huy động nguồn lực
Theo dự báo phát triển của UBND huyện Bắc Trà My, cơ cấu kinh tế địa phương đến năm 2020, lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm 37,25%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 23,97% và thương mại - dịch vụ chiếm 38,77%. Định hướng cơ cấu kinh tế giai đoạn 2025 và 2030 sẽ tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của nông lâm nghiệp. Đến năm 2020, lao động phi nông nghiệp chiếm 25% và tăng lên 30% vào năm 2030.
Theo ông Thái Hoàng Vũ, đồ án đã dựa vào các lợi thế mang tính động lực để dự báo và định hướng được không gian vùng để phát triển và phân bố phát triển kinh tế vùng. Ở đây, các lợi thế mang tính động lực bao gồm lợi thế so sánh về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên gắn với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, tiềm năng du lịch... Để thực hiện hoàn thành mục tiêu của đồ án, UBND huyện đề ra các nhóm giải pháp cơ bản, bên cạnh nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch, chất lượng tổ chức quản lý quy hoạch, địa phương nỗ lực huy động hiệu quả các nguồn lực đảm bảo công tác lập quy hoạch và triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch. Tranh thủ nguồn vốn chương trình mục tiêu, chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án của các ngành đầu tư trên nhiều lĩnh vực và nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hạ tầng. Lập dự án tiếp cận với chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thực hiện lồng ghép đầu tư công trình hạ tầng khung một cách đồng bộ, nhất là công trình về hạ tầng kinh tế. Tập trung triển khai dự án từ nguồn chuyển quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm các xã, sắp xếp lại dân cư, phát triển thương mại - dịch vụ, tạo bộ mặt trung tâm xã khang trang hơn. Phát huy công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng; tăng cường công tác xúc tiến mời gọi đầu tư theo hình thức PPP trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung trên địa bàn huyện.
“Địa phương cụ thể hóa các quy hoạch bằng việc xây dựng kế hoạch, đề án phát triển, có phân kỳ hằng năm, tính toán công trình theo thứ tự ưu tiên, công trình hợp lý đảm bảo nguồn lực và có nghị quyết giám sát thực hiện. Hàng năm, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, những giải pháp phát triển. Theo định hướng của huyện, tập trung xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thị trấn Trà My; giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng khu trung tâm xã. Triển khai quy hoạch bằng cách xây dựng các chương trình và dự án thành phần để đầu tư theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi” - ông Vũ cho biết.