Đoạn tuyến km0+000 - km4+732, tỉnh lộ (ĐT) 609B được nhận diện là “đoạn đường đen” với nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT), thế nhưng vẫn chưa có biện pháp rốt ráo hạn chế nguy cơ trên.
Đường hẹp, xuống cấp còn lưu lượng phương tiện trên ĐT609B rất đông dễ xảy ra TNGT.Ảnh: CÔNG TÚ |
“Đoạn đường đen”
Nằm trọn địa bàn Đại Lộc, năm 2015, đoạn tuyến km0+000 - km4+732 (ngã ba xã Đại Hiệp đến ngã ba Hòa Đông, thị trấn Ái Nghĩa) xảy ra hàng chục vụ TNGT vô cùng thương tâm. Những tháng đầu năm nay, vấn nạn trên tiếp tục xuất hiện, trải dài nhiều điểm. Những năm trước, ngành chức năng xác định một số “điểm đen” chủ yếu thuộc gần cầu Ngọc (km2+662), cầu Đại Hiệp (km3+202), cầu Chánh Cửu (km3+702). Song thời gian gần đây, TNGT bất ngờ “ập” về tại km4+500, nơi có hành lang tuyến khá thông thoáng; hoặc ngã ba Hòa Đông, ngay phía trước cổng Trường THCS Nguyễn Trãi. “Cảnh tượng nhiều vụ va chạm tiếp diễn trên đoạn đường này cứ ám ảnh bà con. Cho nên, con cháu học về trễ một tí, kể cả người lớn có việc ra ngoài ban đêm là thấp thỏm đứng ngồi không yên” - một lão nông ở khu 4, thị trấn Ái Nghĩa chia sẻ.
Cần thiết phải nâng cấp, mở rộng đoạn Hòa Đông - Đại Hiệp ĐT609B bắt đầu từ ngã ba Đại Hiệp (giao nhau quốc lộ 14B, Đà Nẵng - Nam Giang) và kết thúc tại xã Đại Hòa. Ra đến ngã tư Ái Nghĩa, tại km6+569,64, tuyến ĐT609B giao nhau ĐT609. ĐT609B phục vụ người và phương tiện ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn lưu thông ra Đà Nẵng và ngược lại. Hiện nay, đoạn ngã tư Ái Nghĩa - xã Đại Hòa thuộc đường dẫn phía bắc cầu Giao Thủy, cùng đoạn ngã tư Ái Nghĩa - ngã ba Hòa Đông đang được nâng cấp, mở rộng và sắp hoàn thành; còn đoạn ngã ba Hòa Đông - ngã ba Đại Hiệp thì “rớt” lại. Hiện nay, “gánh nặng” lưu thông cho đoạn ngã ba Hòa Đông - ngã ba Đại Hiệp rất lớn. Chưa kể, đầu năm 2017, cung đường chiến lược ĐT610 đoạn Duy Xuyên - Nông Sơn hoàn thành nâng cấp, khớp nối đường dẫn và cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng thì lưu lượng phương tiện trên ĐT609B chắc chắn gia tăng đột biến. Nếu không sớm đầu tư mở rộng, xung đột giao thông tại ngã ba Hòa Đông chắc chắn diễn biến khó lường. |
Có thể thấy, bên cạnh ý thức kém của một bộ phận người dân, hạ tầng đoạn tuyến trên còn tồn tại nhiều lỗi. Chẳng hạn, lề đoạn qua 3 cây cầu Ngọc, Đại Hiệp và Chánh Cửu không có vỉa hè, mặt đường chật hẹp lại gồ ghề; người điều khiển phương tiện thường chạy tốc độ nhanh dễ mất thăng bằng dẫn đến lạc tay lái. Hướng tuyến chạy trước trụ sở xã Đại Hiệp, phía bắc cầu Ngọc, km4+400 bị cong, bề mặt nghiêng không đảm bảo an toàn. Mặt đường qua trước chợ Đại Hiệp quá nhỏ, nền nhà cư dân ở hai bên cao còn mương phía phải tuyến không phát huy tác dụng làm nước mưa đọng lại gây sụt lún, vỡ bê tông nhựa. Đoạn km4+250-km4+400 (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa), lề đất phía phải tuyến cao hơn so với mặt đường bê tông nhựa gần nửa mét, cạnh đó là bề mặt bê tông xi măng mới kiên cố hóa năm 2015. Độ vênh nhau giữa lề và lòng đường, giữa 2 kết cấu bề mặt riêng biệt đã tạo thành vùng trũng, hễ có trận mưa lớn kéo dài là nước đọng gần ngập bánh xe máy. Còn trời nắng ráo, bụi bay mù mịt khi mỗi lần có ô tô tải đi qua. Nút giao ngã ba Hòa Đông quá gấp, tầm nhìn bị ảnh hưởng do vướng nhà dân và trường học đã xảy ra nhiều vụ TNGT đau lòng.
Phải quyết liệt
Từ khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa bắt đầu triển khai trên thực địa, đoạn tuyến vừa nêu đã thường xuyên mất an toàn. Chưa kể, mùa mưa bão tại phía bắc cầu Đại Hiệp có một số trường hợp bị cuốn trôi, khi nước lũ băng qua đường dù mới trên báo động 2. Hơn 2 năm trước, lượng xe tải ben tăng đột biến để chở đất từ các mỏ ven quốc lộ 14B phục vụ thi công dự án cao tốc, đoạn qua thị xã Điện Bàn. “Hung thần” xe ben chở đất, “cộng hưởng” cùng phương tiện vận chuyển cát ra hướng Đà Nẵng và xe đưa xi măng Xuân Thành ở Nam Giang xuống khiến TNGT gia tăng báo động. Mật độ phương tiện quá dày, tài xế chở quá tải trọng đường cho phép, phóng nhanh vượt ẩu để kiếm khối lượng… làm cho bề mặt ĐT609B qua Đại Hiệp và Ái Nghĩa vốn cấp đường thấp đã sụt lún nghiêm trọng. Bức xúc trước tình trạng này, UBND tỉnh phải yêu cầu ngành giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo đơn vị quản lý truyền thống (lúc này đang tạm thời giao ĐT609B cho nhà thầu cao tốc mượn) sửa chữa khẩn cấp. Tuy nhiên, “miếng vá” chỉ là đá cấp phối chẳng mấy chốc lầy lội… dưới bánh xe tải ben. Cuối năm 2015, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo sửa chữa lớn một số vị trí hư hỏng nghiêm trọng bằng bê tông nhựa, riêng đoạn km4+100 kiên cố hóa bằng bê tông xi măng. Những tháng đầu năm nay, phương tiện chở đất cho đường cao tốc không còn bao nhiêu. Song “bù” lại, xe ben chở cát ra hướng Đà Nẵng lại gia tăng chóng mặt, rồi xe vận chuyển bê tông tươi từ Đà Nẵng vào, xe chở xi măng Xuân Thành vẫn chạy ban đêm làm TNGT… vẫn hoàn “nóng”.
“Nhân dân địa phương tha thiết mong tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thiện con đường, vừa đảm bảo tính mạng, lại giải quyết được vấn đề ứ đọng nước gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra bức xúc hiện nay” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, bà Nguyễn Thị Hồng nói. Còn Phó Trưởng phòng phụ trách Kế hoạch - tài chính Sở GTVT, ông Võ Công Phúc cho biết, ngành chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến km0+000 - km4+732, vì mặt đường nhiều chỗ đã nứt nẻ, sụt lún. Trong điều kiện kinh phí chưa cho phép, chúng ta chỉ cần gia cố 3 cây cầu trên tuyến và để đầu tư sau. “Tuyến ĐT610 và cầu Giao Thủy đưa vào hoạt động thì lưu lượng phương tiện trên tuyến ĐT609B càng tăng cao, an toàn giao thông sẽ vô cùng phức tạp” - ông Võ Công Phúc giãy bày.
CÔNG TÚ