Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh (khóa X) vừa bế mạc, sự đổi mới từ việc tổ chức kỳ họp theo hướng tăng thời gian thảo luận, tranh luận, hay “hỏi nhanh, đáp gọn” ở phiên chất vấn về những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm đã truyền đi thông điệp về quyết tâm tạo sự chuyển biến mới trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thay đổi nhận thức, cách làm
Xoay quanh câu chuyện sinh kế của người dân miền núi, nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ sự trăn trở về các giải pháp giúp nâng cao thu nhập và đời sống người dân để đảm bảo đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Trăn trở vì chính sách đã triển khai nhiều, nguồn lực đầu tư mỗi năm không nhỏ theo phương châm “cho cầu câu, không cho con cá” và nói chung đã làm nhiều cách… nhưng kết quả giảm nghèo ở miền núi còn thiếu bền vững, nhiều hộ tái nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới) còn rất cao. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đã có 4.489 hộ/13.085 hộ thoát nghèo và 932 hộ/13.925 hộ thoát cận nghèo rơi lại vào hộ nghèo, dù những hộ này được hưởng nhiều chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh.
Tham gia ý kiến tại Kỳ họp, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói, giải pháp căn cơ nhất là làm sao thay đổi cho được cách nghĩ, cách làm của người dân ở miền núi về tinh thần tự lực vươn lên, bắt nhịp với việc chuyển từ tập quán canh tác đơn lẻ sang liên kết sản xuất và lựa chọn cây con giống phù hợp để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thì khi đó mới giúp nâng cao thu nhập.
“Công tác giảm nghèo ở miền núi thời gian tới cần tập trung tuyên truyền vận động, khơi dậy tinh thần tự lực vượt khó khăn, khát vọng vươn lên của người dân. Người cán bộ phải xoắn tay áo, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc bằng những giải pháp căn cơ, huy động mọi nguồn lực để giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”.
(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)
Liên quan đến công tác giảm nghèo ở miền núi, trao đổi trước diễn đàn, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nói, cơ chế chính sách đã có rất nhiều, bây giờ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi là vô cùng quan trọng, để họ trở thành cánh tay nối dài cho việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từng nơi phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động, cầm tay chỉ việc, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân. Cùng với tập trung triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thì lồng ghép thêm vào chương trình OCOP để phát triển sản phẩm hàng hóa bản địa.
Ông Tích kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm từ nguồn tăng thu, vượt thu cho các địa phương miền núi đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, giao thông kết nối tạo sự thuận lợi cho giao thương.
Khuyến khích việc chuyển hình thức sản xuất sang liên kết sản xuất, cán bộ trực tiếp cầm tay chỉ việc, tập huấn xây dựng các mô hình sản xuất, làm đầu mối liên kết cho đầu ra của sản phẩm. Về căn cơ lâu dài, ông Tích cho rằng, HĐND tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi để chế biến sản phẩm…
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Phân tích về các điểm nghẽn, nhất là nghịch lý khi Quảng Nam đang tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thì hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC càng trở nên phổ biến.
Vì thế, nhiều ý kiến đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quyết liệt thực hiện Quy định số 455 ngày 22.2.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm hạn chế tình trạng nhiêu khê, gây khó khăn của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, nhất là từ cấp phòng trở xuống.
Ghi nhận ý kiến thảo luận và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian đến.
Trong đó, chú trọng thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh. Đồng thời ban hành Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, Đề án đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI); xem đây là tiêu chí đánh giá xếp loại đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương hằng năm.
Với quan điểm cải cách hành chính phải thực chất, không hình thức, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết tối thiểu 10% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương. Công khai thông tin về tình hình giải quyết TTHC.
Duy trì hoạt động của đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nâng cao chất lượng giải quyết trên môi trường điện tử của nhóm TTHC về đất đai, đầu tư, xây dựng; cải thiện quy trình tiếp nhận hồ sơ điện tử. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh nói: “Các ngành, địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Quyết liệt thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án chuyển tiếp; đẩy nhanh tiến độ thi công, không chờ điều chỉnh giá; thực hiện công tác nghiệm thu, giải ngân vốn khi có khối lượng.
Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công, giảm nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản, nhất là các địa phương có khối lượng giải ngân dưới 30%. Đến cuối tháng 9.2022 rà soát điều chuyển vốn nếu giải ngân chậm; đến cuối tháng 12.2022 sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các địa phương chậm giải ngân”.