Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 11/08/2016 08:58

7 giờ sáng 23.8.1968, dân đã ra hết khỏi nhà, bọn biệt động quân, cảnh sát dã chiến và phòng vệ dân sự địch siết chặt vòng vây, ném lựu đạn, bắn bừa bãi vào dãy nhà ở góc đường Quang Trung - Đống Đa, dùng loa gọi các chiến sĩ cách mạng đầu hàng. Không để địch bắt sống, Sơn ra lệnh nổ súng. Mục tiêu đã lộ một lần nữa, các anh phải phân tán lực lượng. Sơn, Phúc thoát ra khỏi nhà, vận động theo các ngõ hẻm chiến đấu. Huân, Huệ, Nghĩa mỗi người trụ một góc nhà, hạ gục từng tên liều mạng xông vào. Sau nhiều lần tấn công không thành, bọn địch ném hỏa mù, băng ngang đường nhảy vô nhà. Huân, Huệ ném lựu đạn, bắn thẳng vào đám mù, giết chết thêm nhiều tên địch. Hơn hai tiếng đồng hồ, cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, Nghĩa hy sinh, Huệ, Huân vẫn kiên cường trụ vững.

  • Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Bất ngờ, một quả M79 bắn thẳng lọt vào cửa chính, nổ giữa nhà, mảnh đạn găm đầy người Huệ. Biết mình không thể tiếp tục chiến đấu, anh đề nghị Huân lấy máu của mình đang chảy viết lên tường hai chữ “quyết tử” và yêu cầu anh chạy thoát. Một loạt AR15 từ hẻm sau bắn tới, Huân ngã ngay thềm cửa. Huệ kịp chờm lên viết tiếp “thề... cho Tổ quốc quyết sinh” cũng chính bằng máu mình.

Sau mười lăm phút không có sự kháng cự, tên chỉ huy hò hét bọn cảnh sát dã chiến xông vào nhà. Một tên ở ngoài đường, la lớn: “Coi chừng lựu đạn!”. Cả bọn vội nhảy ra đường. Năm phút sau không có động tĩnh, chúng dò dẫm vào lại. Thấy Huệ nằm bất động, một tên giương súng bắn bồi. Tên khác ngăn cản: “Đừng bắn! Nếu thằng này còn sống, đưa về khai thác, bắt tận gốc lũ Việt cộng nội thành”. Vừa nói hắn vừa cuối xuống cầm tay nghe mạch, gọi xe chở Huệ đến bệnh viện Duy Tân.

Huệ bị thương khắp người, nhưng vẫn còn tỉnh. Anh giả hôn mê, may đâu có thể tránh được cơn khát máu nhất thời của kẻ địch. Và lúc này anh đã lách được cái phút giây nguy hiểm đó. Trên đường đến bệnh viện Huệ thầm nghĩ, dù sao cũng cảm ơn người lính ấy. Không kể mục đích gì, nhưng sự thực là anh ta đã bỏ qua cho Huệ một lần chết.

Huệ đã sa vào tay giặc. Những cuộc chất vấn đầy cân não, những đòn tra tấn dã man, ngục tù tăm tối triền miên. Thử thách này còn cao hơn cái chết. Giữa tột cùng hiểm nguy, Huệ nhớ đến mẹ. Mẹ Huệ là đảng viên, trong giờ phút này bà đang cùng các bác, các chú, các anh chiến đấu tại quê hương Điện Hồng. Mẹ là người nhen nhóm ý chí cách mạng trong anh. Đầu hàng giặc, phản bội đồng đội là phản lại lý tưởng của mẹ. Huệ thầm hứa: “Con nhất định giữ vững khí tiết cách mạng. Bởi dòng máu đang chảy trong cơ thể con là của mẹ. Con nguyện không thể trở thành thằng con bất hiếu, bất trung”.

Vết thương chưa lành, bọn phòng nhì đã kéo đến thẩm vấn Huệ ngay tại giường bệnh. Anh đã tính toán kỹ lời khai để có thể vượt qua cái chết nhưng không tổn hại cách mạng, có cơ hội là trở lại hàng ngũ chiến đấu cùng đồng đội.

Bọn phòng nhì thấy mặt Huệ non choẹt, tưởng có thể dễ dàng truy bức. Bọn chúng gặng hỏi: “Mày ở đơn vị nào, ai là cấp chỉ huy, đi vào thành bằng con đường nào, ai là người dẫn đường...?”. Nhưng anh đã đánh tráo hết tên tuổi, quê quán và đơn vị chiến đấu. Trước sau như một, chúng chỉ nhận được lời khai: “Tôi là Nguyễn Nam, mười sáu tuổi, cha mẹ chết hết, mới đi bộ đội được vài tháng, ở đơn vị Q81, hòm thư 181”. Khôn khéo nhất là anh chọn một nhà đông con cùng làng mình để khai tên tuổi, cấp bậc chỉ huy đơn vị. Anh sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống: Cha là tiểu đội trưởng, mẹ là tiểu đội phó và lần lượt từ anh cả đến em út phụ trách các nhiệm vụ nhỏ hơn. Thuộc lòng tên tuổi và thứ tự cao thấp của gia đình đó nên trong tình huống nào lời khai của Huệ cũng tự nhiên, suôn sẻ, trùng khớp, chứng tỏ anh ở đơn vị bộ đội ấy thật.

Sau hơn một tháng, vết thương vừa lành bọn phòng nhì áp giải Huệ sang trại tù binh Non Nước. Vừa vào cổng, những tên cai ngục liền kiếm chuyện để đánh phủ đầu tù nhân. Chúng gọi tên từng người, hỏi nhiều câu móc họng rồi đánh đập. Đến phiên Huệ, tên Nhu giám thị hỏi: “Tại sao theo Việt cộng? Ai xúi giục mày?”. Huệ thấy trả lời cách chi cũng bị đòn cả, anh dõng dạc, gọn lỏn: “Tôi tự đi”. Tên Nho đứng phía sau, gầm qua cổ họng: “Thằng nhỏ mà ngông cuồng”. Và như con thú dữ, hắn lao tới dùng dùi cui  nện vào đầu, vào lưng, đạp anh ngã chúi nhụi.

Trong trại tù binh này, Huệ là người nhỏ nhất nhưng rất “cứng đầu”, ngay lúc vào cổng cậu ta đã chứng tỏ như vậy rồi. Vả lại bọn phòng nhì chắc mẫm mười mươi Huệ là lính biệt động thành. Mà, biệt động thành là “phần tử nguy hiểm”, là tù nhân đặc biệt cần được khai thác tối đa thông tin... Vì vậy, bọn cai ngục “chăm sóc” anh rất kỹ. Chúng dùng mọi thủ đoạn vừa tra tấn vừa dụ dỗ, buộc anh phải khai báo thân phận của mình. Chúng đưa ảnh của anh Sơn, anh Phúc, chị Hà, chị Lài tra hỏi chặn ngọn: “Mày có biết những tên này không? Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tóm họng chúng nó. Bọn này đã khai hết rồi. Cả lũ tụi bay là biệt động thành. Mày không khai  sẽ bị tra tấn đến chết...”. Trước sau Huệ chỉ nhận mình là bộ đội từ Trường Sơn xuống tấn công vào những cứ điểm do cấp trên định trước tại Đà Nẵng. Anh hoàn toàn không quen biết những người trong các tấm ảnh kia.

Giam giữ, tra tấn Huệ tại Non Nước gần 4 tháng nhưng địch không khai thác được gì hơn. Ngày 17 tháng 2 năm 1969, đúng vào mồng Một tết âm lịch chúng tách anh cùng một số đồng chí nhỏ tuổi khác ra khỏi những người tù lớn tuổi, đẩy lên máy bay C130 đưa vào trại tù binh Biên Hòa. Ở đây, anh bị giam giữ tại khu C dành riêng cho thiếu niên. Khu C có 18 phòng giam, mỗi phòng giam 100 người, tất cả là 1.800 người. Chế độ quản lý nhà tù rất tàn bạo. Bọn cai ngục sử dụng những kẻ phản bội làm trật tự theo dõi trở lại tù nhân. Để chống tù nhân trốn thoát, bọn giám thị đặt ra những chế tài vô cùng khắc nghiệt. Tối đến, hàng rào gần nhất người tù là cái mùng chắn muỗi. Người nào nằm thò đầu, thò chân tay ra ngoài, lập tức bị bọn trật tự lôi ra đánh đập. Tù nhân phải duỗi thẳng hai chân khi ngủ. Mỗi lần đổi ca trực, bọn trật tự đếm chân để bàn giao người. Người nào vô ý co chân ắt bị no đòn. Tình hình căng như vậy, Huệ lại là người mới tới buộc phải cẩn trọng trong mọi quan hệ. Mà có muốn bắt nối quan hệ cũng rất khó. Phòng giam có 100 người, chúng bắt tù nhân nằm nghiêng về một phía trên hai dãy sạp, người này ngó thẳng vào gáy người khác, có lệnh mới được đồng loạt trở mình, không được nói chuyện, ai vi phạm bị trừng trị ngay. Nằm riết như vậy, các lớp da ở hông, mắt cá chân, khuỷu tay, cánh tay chai sần gỡ được thành từng lớp vảy. Các anh ở cái tuổi hiếu động, sống giữa đám đông người, nằm kề bên nhau, nghe từng hơi thở của nhau, nhưng lại bị cô lập riêng rẽ cả tư tưởng và hành động bởi cái hàng rào vô hình do địch thiết lập, thật vô cùng khó chịu.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO