Những làng nghề truyền thống, những mô hình du lịch cộng đồng, các di tích lịch sử văn hóa… tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của huyện Điện Bàn trong chuyến khảo sát vừa diễn ra tại vùng đất cố đô nhân sự kiện Festival Huế 2014.
Du lịch cộng đồng
Được xây dựng năm 2011, Tâm Tịnh Viên Homestay (thôn 5, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) mang nét độc đáo riêng với kiến trúc nhà rường Huế. Toàn bộ không gian xung quanh được bao bọc bởi thiên nhiên xanh tốt, yên bình mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị về một vùng quê đặc trưng của vùng đất kinh kỳ. Dù nằm ngoài vùng ven nhưng các dịch vụ nơi đây đều tiện nghi sạch sẽ với phòng máy lạnh rộng rãi có cửa sổ lớn nhìn ra khu vườn và hồ nước. Bên trong mỗi phòng đều bố trí minibar và khu vực tiếp khách cùng hệ thống máy sưởi, nóng lạnh, wifi và lễ tân túc trực 24 giờ. Ngoài ra, còn có các dịch vụ giải trí phụ kèm như tập yoga, đi thuyền chài lưới trên sông hay dạy ngoại ngữ miễn phí cho trẻ em trong làng… Theo lời chủ nhà - bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, khách chủ yếu là người nước ngoài đến nghỉ ngơi hoặc làm các công việc thiện nguyện nên thời gian lưu trú thường rất lâu có khi kéo dài đến 2 tháng. Hai căn phòng hầu như lúc nào cũng có khách đăng ký ở dù mức giá từ 25 - 50 đô la/một ngày.
Học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề từ Làng nón Thủy Xuân. |
Một mô hình khác cũng được đoàn Điện Bàn quan tâm trong đợt khảo sát lần này là du lịch làng nghề, sinh thái với điểm đến là “Di tích lịch sử lưu niệm tội ác Khu vực Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn” (làng An Cựu, phường An Tây), nơi giam giữ những người chống đối và các cán bộ cách mạng trong những năm từ 1957 đến 1963. Vùng đất cấm ngày nào đã được đầu tư xây dựng để trở thành một khu du lịch sinh thái, tham quan với các hạng mục như tượng đài bất khuất; sân hành lễ; nhà tưởng niệm; nhà đón tiếp... Cùng với đó, nhiều loại cây bản địa như thông, sim, sến, hoàng hậu, tùng bút... cũng đã phủ xanh khu vực di tích Chín Hầm tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hùng vĩ của vùng đồi núi Thiên Thai. Nét thu hút của điểm du lịch này không chỉ là chốn về nguồn, giúp người xem hiểu hơn về tội ác của kẻ thù qua các mô hình phục dựng mà còn là nơi để du khách hòa mình với thiên nhiên, lang thang trên những con đường bê tông dưới tán rừng thông vi vút gió. Tuy mới đưa vào hoạt động khai thác hơn 6 tháng nhưng mỗi ngày nơi đây đón tiếp gần 10 đoàn khách từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu… Ngoài ra, trong chuyến khảo sát lần này, đoàn cũng đã đến thăm làng hương, làng nón Thủy Xuân (phường Thủy Xuân) học hỏi mô hình phát triển làng nghề gắn với du lịch thông qua những cách làm độc đáo của người dân như trình diễn, hướng dẫn du khách làm nghề cũng như cách tiếp thị và bán sản phẩm…
Xây dựng sản phẩm tương đồng
Theo ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, khảo sát tại Huế sẽ giúp Điện Bàn tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm làm du lịch từ các mô hình du lịch tương đồng. “Điện Bàn đang quy hoạch xây dựng du lịch cộng đồng tại làng Triêm Tây (Điện Phương) nên các mô hình du lịch homestay như Tâm Tịnh Viên sẽ là một trong những mô hình tương ứng để chúng tôi tham khảo nghiên cứu”- ông Tấn cho biết. Ngoài ra, việc phát triển du lịch lịch sử, sinh thái từ tour tham quan di tích Chín Hầm hay cách khai thác lợi thế làng nghề gắn với du lịch tại Làng hương, Làng nón Thủy Xuân cũng sẽ giúp Điện Bàn có thêm những ý tưởng mới áp dụng cho các điểm du lịch hiện có như di tích Chiến thắng Bồ Bồ (Điện Tiến) hay các làng nghề truyền thống tại Điện Phương.
Qua khảo sát du lịch tại Huế, có thể nhận thấy Điện Bàn có khá nhiều tiềm năng, lợi thế khi nằm trong một không gian hẹp, thuận tiện cho việc kết nối các tour tuyến lại với nhau. Vấn đề nằm ở sự quảng bá! Nhìn từ Huế, nếu gõ cụm từ “Tâm Tịnh Viên” trên internet sẽ có rất nhiều thông tin bài viết liên quan đến homestay này hiện ra. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Điện Bàn cho rằng, để xây dựng thành công một điểm đến, việc xác định mô hình phát triển rất quan trọng. Bên cạnh đó, sự đồng lòng phối hợp giữa các ban ngành, địa phương liên quan sẽ là yếu tố không thể thiếu để tạo nên sự thành công đó. “Trong chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm lần này không chỉ có những cán bộ quản lý du lịch mà còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo văn phòng huyện ủy, UBND huyện cùng các phòng ban và địa phương được quy hoạch phát triển du lịch nhằm giúp có cái nhìn thực tế về cách làm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế”- ông Dũng nói.
VĨNH LỘC