Chị lẹt quẹt cắp rổ ra vườn trước, nhón tay luống này một ít luống kia một ít. Hành, ngò, cải, tần ô, húng, xà lách; lom khom dòm qua luống dưa leo, cắt vài trái; quành ra bể nước, vặt ít diếp cá. Loáng một chút, mùi rau bừng dậy, líu quíu đeo theo chân chị vào bếp.
Mẹ mở thẩu, gắp miếng thịt dầm mắm, sè sẹ đặt lên thớt, lật qua lật về miếng thịt heo đỏ au, trầm trồ theo mỗi lát thịt được xắt ra. Rồi bày lên dĩa. Từng động tác cứ như người ngoan đạo đang hành lễ: cẩn trọng.
Em mở thẩu, gắp củ kiệu, hành, cà rốt, đu đủ bày ra mấy cái chén con con. Mùi hăng của kiệu của hành khiến em ngây ngây. Mới mấy hôm trước, ngồi cắt rễ kiệu rễ hành em còn chảy nước mắt tràn. Mùi nắng lẫn trong mớ cà rốt phơi trước hiên đã theo vào tận thẩu dưa hành. Mùi ấy vị ấy khiến người ta không ngừng nghĩ đến chuyện ăn ngay.
Ảnh: HƯA THẠNH |
Ai đó đã chia rau thành hai loại: rau thực phẩm và rau gia vị. Em thấy lạ. Với em, không có rau thì tết càng ngấy, “Dửng dưng như bánh chưng ngày tết”. Em thích vọc tay vào rổ rau của chị, giật mình nghĩ vì thiếu hương bồ kết, nếu không đã tưởng đó là tóc chị, mượt và êm như ru. Rau chị trồng ngoài vườn, mỗi loại như một thức trang điểm cho những món ăn ngày tết, mà không có thức ấy, món đã dở đi mươi phần. Chùm ngò rí nhảy múa trên tô canh khoai. Nhúm hành xanh um giữa bát canh mỳ. Lớp xà lách nẩy lên dưới dĩa thịt bò xào…
Ở quê, nhà nào cũng dành một khoảnh sân trước để trồng rau ăn tết. Lại dành riêng một luống cho cải giống. Cải lên ngồng, trổ hoa. Vàng ươm cả ngõ. Sau này chị đi lấy chồng, sẽ trồng vạt cải lấy hoa, tung hoa cải thay pháo. Cứ lần nào ra ngõ ngó rau, em cũng ước mộng lung tung vậy, mà mãi chưa thấy chị sang sông. Chị bảo thương mẹ một mình.
Bầy gà đi loanh quanh bên rào, lục cà lục cục, thò mấy cái mỏ bé xíu vào đám hành, rỉa mấy cọng rau ngả ra ngoài mành tre, chực một chút tết. Mẹ lại bảo, ơ kìa, ra ngõ ngó rau!
QUỲNH ĐÌNH