Trời bắt đầu nắng ấm, mấy ngày qua người dân ào ạt trở lại bãi tắm Tam Thanh (TP. Tam Kỳ). Sau những ngày dài biển động, sóng lớn, tưởng rác rếnh ùn ứ nhưng không phải vậy, tờ mờ sáng đã thấy bãi biển sạch bong.
Đội công nhân môi trường phụ trách bãi biển Tam Thanh lâu nay được nhiều người khen ngợi về tinh thần làm việc cần mẫn. Hằng ngày, ngay cả những ngày biển động mạnh, cũng thấy các chị tỉ mẩn nhặt từng cọng rác. Vì vậy, bãi biển Tam Thanh luôn giữ được vẻ sạch đẹp, thu hút du khách.
Tam Thanh được kỳ vọng là điểm đến ấn tượng khi du lịch trên địa bàn tỉnh được phục hồi. Đặc biệt, trong Năm du lịch quốc gia mà Quảng Nam đăng cai với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, bãi biển này có thể đáp ứng các tiêu chí “xanh” trong định dạng khái quát về xu hướng du lịch thân thiện với môi trường; trong đó việc thu gom, xử lý, giảm thiểu rác thải hiệu quả được xem là một trong những hoạt động cụ thể hóa của xu hướng du lịch này.
Rác thải là nỗi lo chung của nhiều địa phương, tác động đến nhiều ngành nghề. Đặc biệt với du lịch xanh, nhiều sản phẩm sẽ được kéo ra và hình thành ở vùng nông thôn, gắn với đời sống của người dân địa phương. Vì vậy rác thải còn phản ánh diện mạo đời sống của người dân.
Thật khó có cái nhìn thân thiện với một cộng đồng, một điểm đến khi rác thải được xả bừa bãi khắp nơi. Hay sẽ khó thu hút bước chân du khách khi đường đến những điểm du lịch, rác thải được chất thành đống, không được thu gom kịp thời... Đáng tiếc, thực tế này đang phổ biến ở các vùng nông thôn xứ Quảng, kể cả những vùng nông thôn mới.
Đã từng có những điểm đến mất điểm trong mắt du khách, dù có nhiều tiềm năng du lịch, chỉ vì rác thải. Xã đảo Tam Hải (Núi Thành) là một ví dụ. Cái túi rác khổng lồ của vùng cửa sông ven biển này đã làm giảm sức hút du khách và trở thành lực cản trong việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương.
Đã từng có dự án du lịch không thể triển khai ở ven bờ biển Tam Hải bởi không biết xoay xở thế nào với rác. Tương tự, ở nhiều vùng du lịch nổi tiếng trong cả nước, sự bất lực trước rác thải cũng tước đi nhiều cơ hội để du lịch phát triển.
Ngay cả vùng sông nước rộng lớn đồng bằng sông Cửu Long, nhiều kênh rạch gắn bó với đời sống người dân, đã giảm đi sự thi vị khi đang oằn mình với rác. Chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), rác cũng nổi lềnh bềnh trên sông, như thể đó là một phần không thể thiếu, dù theo hướng tiêu cực.
Với những bước đi đầu tiên, xu hướng du lịch xanh dần hình thành trên địa bàn Quảng Nam. Lễ khai mạc Năm quốc gia với chủ đề du lịch xanh diễn ra vào cuối tuần này tại Hội An, chỉ là dịp “đánh động” để những hoạt động du lịch theo hướng thân thiện với môi trường tiếp diễn và lan tỏa trong cộng đồng. Đó là mục tiêu lớn hơn được đặt ra.
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp dịch vụ du lịch (chủ yếu ở Hội An) đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều sản phẩm du lịch theo hướng “xanh”; và thừa nhận, rất khó theo đuổi những bước đi kế tiếp khi chỉ thực hiện đơn lẻ.
Tuy nhiên, sự đồng bộ không dễ có được khi có quá nhiều yếu tố tác động, gây trở ngại khiến việc “xanh hóa” du lịch chỉ mới dừng lại ở sự nỗ lực của từng đơn vị. Ví như chuyện thu gom, xử lý, giảm thiểu rác thải kịp thời, hiệu quả vẫn là bài toán nan giải ở nhiều địa phương.
Vì vậy, sự chuyển động của xu hướng du lịch xanh rất cần những bước đi kế tiếp để không rơi vào phong trào như việc kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường, thu gom rác thải ở nhiều nơi.