Rạo rực Thượng nguyên

Nam Kha 25/02/2013 08:34

Bất chấp mưa mờ phố, du khách đổ về Hội An mấy ngày qua đông nghịt không chỉ để chiêm ngưỡng phố cổ mà còn là dịp lễ chùa cầu may đầu năm…

Phố trong lễ hội

Hội An sống trong bầu không khí lễ hội suốt mấy ngày qua, bất chấp mưa đầy trên mặt phố. Dọc hai con đường ven sông Hoài đầy ắp người, khó khăn mới có thể chen chân. Người dự Tết Thượng nguyên có vẻ không lấy mưa làm khó chịu. Những người khách ngoại quốc đội cả mưa chỉ để nghe những lời rầm rì, thổn thức từ “lán trại” che bên sông vào đêm 14 âm lịch để thành phố mở hội thơ Nguyên tiêu “Tôi yêu Hội An” và đón nhận giải thưởng thành phố được yêu thích nhất thế giới. Những hàng quán dọc đường không thể bán được vì mưa đã trở thành cơ hội cho các nhà hàng ven sông đông khách hơn bao giờ hết. Khách vào hội quán, chùa, đội áo mưa nhàn du trên phố cả ngày lẫn đêm. Dãy hàng quán bán “đặc sản Quảng Nam” như bánh tráng đập, hến xào, chè bắp… bên kia cầu Cẩm Nam không đủ chỗ ngồi. Khách sạn kín phòng. Gọi tới đâu cũng được thông báo: hết phòng. Khách sạn lớn vẫn còn phòng nhưng giá đắt, nên một số khách phải “chào thua”. Anh Võ Phước, Phó Chánh văn phòng UBND TP.Hội An cho biết không còn một chỗ trống ở các khách sạn, kể cả hai nhà khách của thành ủy cũng đã kín phòng từ mấy hôm trước.

Nhiều người xếp hàng để vào được chánh điện tại miếu Quan Công.             Ảnh: T.D
Nhiều người xếp hàng để vào được chánh điện tại miếu Quan Công. Ảnh: T.D

Theo lịch sử của cộng đồng người Hoa ở Hội An, Tết Thượng nguyên không chỉ thuần túy mang thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh: nhớ ơn các vị tiền nhân, cầu mong cuộc sống no đủ, buôn bán phát tài. Đây còn là ngày “Thiên quan tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành cho mọi người trên thế gian. Do vậy phải tổ chức cúng tế, cầu an, cầu phước, đồng thời mở hội vui chơi để bước vào năm mới với nhiều ước vọng như ý cho công việc. Sáng ngày 24 - 25.2 (ngày 15 tháng giêng) cửa các hội quán, đình chùa đã mở. “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng” nên dịp này được xem là ngày đi lễ chùa tốt nhất trong năm. Có thể thấy, sự nhộn nhịp đông vui còn bày ra khắp các hội quán trên đường Trần Phú, Nguyễn Duy Hiệu (Hội An). Tại miếu Quan Công, hàng người vứt bỏ áo mưa lại trên những giá mắc trước cổng chào chen nhau để được vào chánh điện. Ai đi lễ chùa, thắp nhang xong cũng bỏ vào thùng công đức một ít tiền và nhận lộc từ tay người chủ sự bên bàn lễ một miếng giấy màu đỏ viết chữ Nho, lộc chỉ là một gói đựng trầu, muối...

Tâm tịnh, thân yên…

Không đánh đồng tất cả, nhưng thực tế có người đi lễ chùa chủ đích mặc cả với thần thánh. Họ cúng vái, cầu xin tài lộc, thăng quan tiến chức hay thuê viết sớ xin xe hơi, nhà lầu, trúng số. Người này bắt chước người khác, có cảm giác như tranh nhau để giành ân lộc từ thánh thần. Còn tại Hội An, ai cũng trả lời rằng đến để cầu an, cầu phúc và cầu lộc, cầu cho tâm hồn thư thái, giải được vận hạn. Không chỉ cầu cho mình mà còn cầu cho người thân, bạn bè… và cả cho quốc thái dân an. Năm nay, khá đông người kinh doanh đến xem thời cuộc và giải hạn cho một năm khốn khó… cũng như mua sự yên tâm cho mình! Những mong mỏi bình an, sức khỏe, cầu tài lộc cho người thân trong năm mới cùng với niềm tin khấn bái Trời - Phật là tín ngưỡng lâu đời của hầu hết người dân Việt Nam. Thường thì mọi người chọn những ngôi chùa gần nhà để khỏi phải xe cộ, tránh cảnh chen chúc, song phần đông những gia đình buôn bán làm ăn lại chọn những ngôi chùa lớn hoặc có tiếng để xuất hành.

Chị Trung Bê, một chủ cửa hàng bù loong trên phố Mạc Đĩnh Chi (TP.Đà Nẵng) cùng bạn hàng thuê xe vào Hội An lúc 2 giờ sáng để xếp hàng chờ vào xin lễ, xin xăm. Có người vật vạ dọc đường vì không thể tìm đâu ra nhà trọ. Những mái hiên phố cổ trở thành nơi trú chân, chờ sáng của khách thập phương… để được vào chùa. Họ nói, năm trước đã vay, xin của bà, của thánh thần ít lộc, ít vốn làm ăn. Năm nay vào trả và lại mượn, lại xin lộc mới, mong cho buôn may, bán đắt. Không chỉ những người buôn bán mà cả thanh niên cũng lễ để cầu mong làm ăn phát đạt, tình duyên hỷ sự… Với một số chùa, miếu, hội quán người Hoa nếu không có xin xăm thì không còn là chùa. Đó là tập tục. Người dân đến viếng chùa xin một quẻ xăm như trắc nghiệm niềm tin của họ. Người xin xăm không phải bắt buộc làm theo yêu cầu của quẻ xăm mà chỉ là niềm tin đơn thuần và có thể tin hay không tin quẻ xăm đó. Mặt khác, không có thần linh nào lại xui con người trộm cướp, hối lộ, thực hiện những hành vi xấu… mà đều khuyên con người hướng thiện!

Tất cả những chuyện cầu may ngày nay đã trở thành chuyện bình thường. Nhưng sự bình thường ấy có hóa thành nét đẹp, nét duyên và nhu cầu văn hóa hay không còn tùy vào lý thuyết tiếp nhận và “cái phông” văn hóa của mỗi người. Vì thế, sẽ không lấy gì làm quá lạ khi nắng trưa chiều tối tháng giêng, 16, vẫn không thiếu người lặn lội đường xa để viếng lễ chùa, nhất là ngày rằm tháng giêng. Nếu một ngày, mẹ bạn đòi con chở đi lễ Phật, một ngày bà bán bún góc đường, cô hàng cháo hẽm phố quen thuộc… bỗng dưng nghỉ bán vào ngày 15,16 tháng giêng, thì đó là ngày họ đã tự cho mình được phép dạo chơi Nguyên tiêu…

Nam Kha

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rạo rực Thượng nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO