Năm tôi lên sáu tuổi, đã biết cầm chén đũa theo mấy chú bộ đội xuống nhà bếp ăn cơm. Tôi vừa mất mẹ, nên các chú rất thương, thường tới bữa hay dẫn đi ăn cơm tập thể, riết thành quen và biết ăn ớt ngay từ hồi nhỏ.
Hồi đó, có một đơn vị gọi là D16 bộ đội miền Nam tập kết về đóng quân tại làng. Vui lắm! Các chú bộ đội dạy tụi con nít múa hát, tập trận giả. Năm 1960, các chú chuyển đi rồi, tôi là đứa khóc lóc thảm thiết nhất. Tuy vậy, vẫn có bốn chú bộ đội ở lại làm rể làng, lại toàn người Quảng Nam. Đó là niềm vui của tụi con nít chúng tôi, cũng là dấu ấn tình cảm hai miền Nam - Bắc rõ nét nhất tại miền trung du quê tôi, làng Nà Rậm, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Làng tôi. Ảnh: NGUYỄN HÀ |
Có hai người gần gũi với tôi nhất là chú Sáu Ấm - Trần Văn Ấm năm nay vừa tròn 90, quê ở huyện Điện Bàn và chú Đào Mười quê thành phố Tam Kỳ, 88 tuổi rồi mà da vẫn hồng hào, răng chắc hạt bắp lúc nào cũng cười. Hai ông này thường tâm sự với mọi người rằng thương vợ quá nên xin phục viên và ở lại quê tôi. Chú Sáu Ấm một thời là Đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã nên kèm cặp tụi tôi từ nhỏ. Ông này tính nghiêm nghị, thẳng thắn nên xã viên rất ngán, làm ăn lộn xộn là bị chú “chửi” ngay. Năm 15 tuổi tôi đã theo bà con đi làm đồng lấy công điểm. Có lần đi làm cỏ sắn (mì), mải chuyện tào lao với nhỏ bạn nên lưỡi cuốc hớt mất mấy đọt sắn non, chú Sáu giận quá, la: “Lồm không được thì về! Bứt hết đọt mì, mai mốt lấy… ẹc mà eng hả!”. Lần khác đi cuốc ruộng lầy thụt, thấy tôi loi nhoi một chỗ, hai chân thụt tới háng, chú Sáu đi tới, cầm tay chỉ. “Cuốc gom mấy gốc rạ vô giữa, rồi bước chân lên, nhận xuống, như vậy mới không bị thụt”. Chú Sáu Ấm siêng lắm. Buổi trưa người ta đi nghỉ hết, vẫn thấy ổng cuốc xới ngoài mảnh ruộng 5 phần trăm. Chiều xâm xẩm tối, chú vẫn mải mê đắp bờ lấy nước vô ruộng.
Chú Đào Mười thì lại khác, lúc nào cũng cười, tính bô lô, ba la, hay chọc ghẹo phụ nữ, bà vợ lại kém sắc nên ghen dữ lắm, nhiều lần vô cớ vật lộn với mấy “đối thủ” mà chồng hay chọc ghẹo, đến nỗi chi bộ đảng phải đem chú ra phê bình vì để vợ gây mất đoàn kết. Bọn trẻ tụi tôi đi học về ngang qua ngõ nhà chú Mười, thấy ổng đứng chặn đường, nạt. “Vô hết đây tao biểu!”. Tưởng gì, thường là chú hỏi học hành ra sao, có đứa nào bị cô giáo la không? Rồi chia cho mỗi đứa trái ổi hoặc chùm nhãn ngọt mọng. Chú Mười vốn cưng con nít, nên ngoài việc chặn đường… cho quà, chú còn giải quyết mấy vụ học trò, học troẹt đi về hay gây gổ, đánh lộn. Mùa trung thu, thường con nít chúng tôi tập trung tại sân nhà chú Mười để chú dạy hát. Đến giờ tôi còn nhớ bài hát chú dạy hồi đó, có câu mở đầu: “Dân Liên xô vui hát trên đồng hoa…”.
Khi tôi lớn lên, đã đi bộ đội thì chú Huỳnh Chiện mới về nghỉ hưu. Sau khi giải ngũ, chú chuyển ngành sang làm công nhân đường sắt, lâu lâu tới kỳ nghỉ phép hay lễ tết mới về làng. Ông già người miền núi này sống khép kín, không thích giao lưu với người ngoài. Chú Chiện quê huyện Hiên. “Cực lắm! Nóng lắm! Quê tui giáp với Lào mà!”. Chú nói về quê hương như vậy. Ký ức về miền quê miên man núi rừng, u u tiếng tù và gọi chàng thanh niên 16 tuổi sớm cầm mác theo cách mạng, qua bao chiến trường rồi tập kết ra Bắc, rồi lấy vợ sinh liền 5 cô con gái. Chúng tôi thường gặp chú Chiện mỗi buổi sáng, giản dị trong bộ bà ba gụ, đầu trần, xách giỏ đi chợ. Bà vợ chú nói. “Ông ấy quản lý tiền bạc chặt chẽ lắm! Tự mình đi chợ, tự cấp tiền cho vợ con mua sắm quần áo! Thôi cũng đành chịu, bởi vì tôi cũng hoang phí quá cơ!”. Năm chú 82 tuổi, bệnh nặng rồi qua đời, lúc khâm liệm chú, người nhà tìm thấy cái bọc ni lon giấu dưới nệm có hơn 5 triệu đồng.
Chú Lê Văn Tưởng quê ở huyện Đại Lộc, công tác ở Nhà máy đường Việt Trì tới năm 62 tuổi thì về hưu, được chục năm thì qua đời vì cao huyết áp, bị đột quỵ, nếu còn sống năm nay cũng gần 90 tuổi. Còn nhớ hồi mới về nghỉ, chú cưỡi chiếc xe đạp máy hiệu Babeta mà người quê tôi thường gọi vui là “ba bét nhè” vì hay bị hỏng máy bất tử. Đằng sau xe cột chiếc va ly da và chiếc ba lô lính bạc phếch. Gia tài suốt một đời làm cách mạng chỉ có vậy. Chú Tưởng là người đồng hương Quảng Nam cuối cùng về lại làng. Bữa mới về, chú làm một mâm cơm mời trưởng xóm và ba anh em đồng hương tới nhà nhậu gặp mặt. Rượu vào lời ra, bốn ông tranh nhau kể về quê mình, bắt bẻ, lý sự rồi to tiếng, ông trưởng xóm can ngăn mãi mới xong. Chú Sáu Ấm mặt mũi đỏ phừng phừng, cười ha ha vỗ vai ông trưởng xóm. “Chú mầy thông cảm, không có chuyện chi mô. Tại người Quảng Nam tui vậy. Đã có câu Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo mà”.
Khi tôi đang viết bài này thì được tin ngoài quê bà con trong xóm Nà Rậm đã tiến hành lễ truy diệu cho chú Sáu Ấm. Ông già bệnh cả năm nay, hồi Tết tôi về quê có tới thăm, biếu ông cái phong bì. Chú móc phong bì trong túi, lôi tờ bạc một trăm ngàn ra, nói. “Mầy cho chú, tau cám ơn! Nhưng lương xướng được bao nhiêu mà cho nhiều vậy? Tụi bây quen văn hóa phong bì rồi. Cho chú tiền thì đưa thẳng mặt, mắc mớ chi phải bỏ vô phong bì?”. Vậy mà giờ này chú đã nằm yên nghỉ dưới ba thước đất, chưa kịp về thăm lại quê hương Điện Bàn. Trước đó, năm 2009, chú Tưởng cũng già yếu, qua đời. Người duy nhất còn lại là chú Đào Mười. Gần chín chục rồi mà vẫn ham đi chăn vịt, nuôi bò. Ông nói, tau một trăm tuổi mới chết. Sang năm con Gà, đám giỗ anh Chín tao nhứt định về quê, rồi có gì tính sau.
Mùa mưa ở miền Đông Nam bộ đã bắt đầu, những cơn mưa lắc rắc rồi dồn dập trút xuống, thỏa cơn khát của vạn vật. Trong những đêm mưa dịu lạnh, tôi chợt nhớ tới bốn người rể quê Quảng Nam của làng mình. Nhớ tới tuổi thơ ấu sớm biết vị cay nồng của ớt, nhớ tình cảm của các chú bộ đội miền Nam tập kết năm nào.
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ