Qua hơn 5 năm triển khai, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chính thức thông xe toàn tuyến vào cuối tuần qua. Tuyến cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Cụ thể, thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi chỉ còn hơn 1 giờ, rút ngắn được 2 giờ so với lưu thông trên quốc lộ 1. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thống kê, cả 3 địa phương có dự án đi qua phải tiến hành thu hồi 1.180ha đất, với hơn 18.550 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 1.956 hộ gia đình (2.797 lô đất); di dời 175 công trình công cộng. Dự án thi công nhiều hạng mục với khối lượng chính rất lớn. Chẳng hạn như, đất đá đào đắp lên đến 26,6 triệu mét khối; cấp phối đá dăm trên công trường 1,8 triệu mét khối; dùng 1,5 triệu tấn bê tông nhựa các loại để thảm bề mặt; đúc, sử dụng 2.700 phiến dầm cầu bê tông và 130.000m cọc khoan nhồi. Ngoài ra, các nhà thầu còn thi công 228 đường ngang, đường gom.
Với nhân dân và cán bộ Quảng Nam, khoảng thời gian nêu trên đã nỗ lực không ngừng để khơi thông 91,2km chiều dài mặt bằng, trên tổng số 139,204km toàn tuyến phục vụ xây dựng công trình trọng điểm quốc gia. Các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua phải tiến hành thu hồi gần 570ha đất ở, đất nông nghiệp và đất khác của hơn 10 nghìn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Bố trí 1.271 lô đất tái định cư phục vụ cho gần 900 hộ bị giải tỏa và hơn 12 nghìn ngôi mộ phải di dời. Điều đó phản ánh thực tế là nhân dân vùng dự án đã hy sinh rất nhiều. Bởi lẽ, chỗ an cư, lạc nghiệp dành cho người đang sống và nơi chôn cất người đã khuất đành thay đổi, kéo bao chuyện sinh hoạt, đi lại, lao động, giao tiếp (xóm giềng mới - PV) hàng ngày cũng phải thích ứng theo. “Tôi ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền và cảm ơn bà con nhân dân trong vùng dự án đã đồng thuận nhường đất, di dời công trình, nhà cửa bị ảnh hưởng, ủng hộ chính quyền địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để công trình được xây dựng hoàn thành” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại lễ thông xe.
Theo Sáu Còi, sẽ không thể liệt kê hết sự hy sinh của người dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Nhớ lại thời điểm trước năm 2016, các huyện, thành phố có dự án cao tốc đi qua còn “gồng gánh” khơi thông mặt bằng phục vụ thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1. Rồi chuyện sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện (đơn vị trực tiếp thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho địa phương) về tỉnh cũng gây chi phối không nhỏ, cả về nhân lực lẫn trí lực của cán bộ, nhân viên các trung tâm này. Muốn đưa vật liệu đến đại công trường cao tốc, hàng trăm nghìn lượt phương tiện tải trọng nặng được huy động vào cuộc. Mật độ lưu thông dày đặc khiến những tuyến đường tiếp cận xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng môi trường sống. Chuyện nổ mìn, lu lèn, vận chuyển làm rung nứt nhà tạo nên những “điểm nóng” không đáng có. Đáng mừng là hệ thống chính trị của địa phương, đặc biệt là người làm công tác dân vận hóa giải, được nhân dân đồng thuận cho triển khai, dù không phải lúc nào nhà thầu cũng nhiệt tâm tháo gỡ kịp thời.
SÁU CÒI