Những ngày này, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị cho những ngày “chơi hội, khai xuân”. Tất cả hoạt động đều hướng về một cái tết cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội An - đậm sắc màu tết cổ truyền
Một phố cổ trở về với không gian truyền thống, từ những câu đối giăng mắc trên các cung đường phố cổ, những lễ hội dân gian còn trong tư liệu hình ảnh và cả được phục dựng… Với nhiều chương trình độc đáo, mang đậm bản sắc truyền thống, năm nay, du khách đến phố cổ Hội An sẽ được hòa trong nhịp sống tết cổ truyền của người Hội An xưa. Mở đầu với Hội hoa xuân Giáp Ngọ trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự sẽ khai mạc vào ngày 24 tháng chạp, hứa hẹn sẽ phủ sắc xanh tươi, mang hương xuân đến với phố cổ. Cũng như các năm trước, năm nay, hội thi “Bánh tết vì người nghèo” dự kiến diễn ra từ 27 đến 28 tháng chạp, chỉ khác là ngày hội sẽ được tổ chức tại từng xã, phường, hứa hẹn thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ. Điều đặc biệt trong vài năm trở lại đây của tết phố Hội là sự tái hiện hoạt động dựng cây nêu - nét đặc trưng của ngày tết dân tộc. Bắt đầu từ 29 tết, các di tích, đình, miếu, nhà thờ tộc… trên các trục đường chính của phố cổ sẽ phục dựng hình ảnh cây nêu ngày tết, với ước vọng một năm an lành, no đủ cho tất cả mọi người.
Liên hoan Giai điệu sắc màu tuổi trẻ - một trong những hoạt động góp thêm hương xuân cho TP.Tam Kỳ. Ảnh: L.QUÂN |
Hội An không thể thiếu đèn lồng, cũng như cái tết với người phố cổ phải có sự điểm xuyết của những chiếc đèn lồng. Lồng đèn đường phố sẽ được đưa vào trang trí từ ngày 22 tháng chạp với đủ loại kiểu dáng, sắc màu. Nhiều loại đèn lồng rực rỡ sẽ được trưng bày khắp không gian phố cổ từ đêm 22 tháng chạp năm Quý Tỵ đến đêm 15 tháng giêng năm Giáp Ngọ. Một hoạt động đáng chú ý nữa được tổ chức là cuộc thi “Câu đối xuân Giáp Ngọ” với chủ đề xoay quanh cuộc sống và con người, bản sắc phố Hội.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An còn cho biết, từ mùng 1 đến 15 tháng giêng Tết Giáp Ngọ, Vườn tượng An Hội và Quảng trường Sông Hoài sẽ là điểm diễn ra nhiều hoạt động nhằm phục vụ người dân và du khách như Hội thi “Giọng ca trẻ - Nhóm ca trẻ - Đôi khiêu vũ đẹp - Nhóm Hiphop - Thời trang nét xuân…; Liên hoan võ thuật, sinh vật cảnh… Đặc biệt, đêm nhạc “Hương sắc quê nhà” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn với sự tụ hội các ca sĩ nổi tiếng sẽ biểu diễn phục vụ người dân và du khách tại Quảng trường Sông Hoài vào đêm mùng 5 Tết Giáp Ngọ. Bên cạnh đó, hoạt động du ngoạn “Chuyến đò xuân” và trải nghiệm “Đêm phố cổ Hội An - Đêm Thơ Nguyên tiêu” trong đêm 14 tháng giêng sẽ là những hoạt động góp phần làm không gian ngày tết của Hội An thêm phần náo nhiệt.
Phong phú các hoạt động
Ngay tại thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ, không đợi đến khi tết cận kề mới rộn ràng các hoạt động. Đêm 20 tháng chạp, Hội hoa xuân, Hội báo xuân sẽ khai mạc tại Quảng trường 24.3, cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, phục vụ hàng nghìn người dân Tam Kỳ và các vùng lân cận. Ông Nguyễn Ngọc Duy - Phó phòng VHTT Tam Kỳ cho biết: “Để không khí tết thêm phần rộn ràng, năm nay, ngành văn hóa Tam Kỳ quyết định tổ chức các hoạt động du xuân đón tết ngay từ những ngày cuối tháng chạp. Các gian hàng hô hát bài chòi, gian hàng thư pháp khai mạc từ tối 25 tháng chạp tại Trung tâm Văn hóa Tam Kỳ để bà con có thêm không gian và thời gian chơi tết”. Xuân này người dân Tam Kỳ sẽ được chứng kiến lại cảnh “cho chữ” của những ông đồ đến từ các địa phương trên toàn tỉnh. Thêm vào đó, hội vui xuân diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thành phố sẽ tạo thêm điểm vui chơi cho người dân Tam Kỳ. Đặc biệt, chương trình ca nhạc đón xuân được chọn lựa từ các tiết mục xuất sắc trong Liên hoan Giai điệu - sắc màu tuổi trẻ 2013 do Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với Thành đoàn Tam Kỳ tổ chức, kết hợp với màn bắn pháo hoa tại Quảng trường 24.3 vào đêm giao thừa sẽ là lời chia tay của Tam Kỳ với năm cũ, đón năm mới. Ngoài ra, năm nay sẽ có thêm 5 điểm vui xuân tại 3 xã Tam Thanh, Tam Thăng và Tam Phú phục vụ người dân, do UBND TP.Tam Kỳ hỗ trợ kinh phí (khoảng 5 triệu đồng/điểm).
Trong khi đó, ở các huyện miền núi, trung tâm VHTT các huyện phối hợp với hội, đoàn thể cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, thể thao đón Xuân - mừng Đảng. Tại nhiều địa phương, suốt từ đêm 25 tháng chạp đến mùng 9 tháng giêng, các gian hàng lô tô, vui chơi có thưởng do cá nhân tổ chức sẽ là điểm vui chơi cho người dân trong những ngày tết. Tại Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang…, đội múa và đội cồng chiêng các huyện, xã sẽ hoạt động suốt mùa tết tại các gươl phục vụ dân bản và du khách. Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam cũng sẽ góp thêm hương tết cho nhân dân trên toàn tỉnh với những vở diễn đặc sắc, bắt đầu từ ngày mùng 3 tết. Ngày hội Lệ Bà, đua thuyền truyền thống trên sông sẽ là điểm nhấn trong mùa tết cho người dân vùng ven sông Thu Bồn như Nông Sơn, Duy Xuyên.
Với các hình thức sinh hoạt truyền thống phong phú, các trò chơi dân gian và nhiều điểm vui chơi, một cái tết cổ truyền hứa hẹn nhiều niềm vui đang đến gần từng ngày…
LÊ QUÂN