Rằm tháng 8 âm lịch (15.8) năm nay rơi vào ngày 19.9 dương lịch, không khí chuẩn bị đón lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp tại nhiều nước châu Á với những nghi lễ khác nhau, song tất cả đều hướng tới ước mong điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bánh trung thu là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. |
Tại Nhật Bản, Lễ hội Trung thu được gọi là tsukimi hoặc otsukimi, nghĩa là “ngắm trăng”, thường được tổ chức khá ấm cúng bởi mang tính chất gia đình nhiều hơn là cộng đồng. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người tạ ơn trời phật đã cho một vụ mùa bội thu. Vì thế, những mâm cỗ được chế biến từ nông sản do chính người dân làm ra như bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác. Sau khi cúng xong, những người thân trong gia đình sẽ cùng nhau ngắm trăng và thưởng thức những thành quả của mình. Đặc biệt, quan niệm của người Nhật là nhà nào có trẻ em đến tự ý ăn bánh thì họ sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm đó.
Với xứ sở kim chi Hàn Quốc, Tết Trung thu có tên gọi là Chuseok hoặc Hangawi, nghĩa là “trung thu tuyệt vời”, diễn ra vào đúng thời gian thu hoạch lớn trong năm tại đất nước này. Đây là dịp để những người con xa xứ trở về quê nhà đoàn tụ, quây quần bên gia đình, thăm phần mộ tổ tiên. Bánh songypeon hình lưỡi liềm nặn bằng bột gạo rồi đem hấp với lá thông kim là món đặc trưng nhất của lễ hội. Một trong những hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa là vào đêm trăng tròn, phụ nữ và trẻ em ở miền Nam sẽ nắm tay nhau đứng thành vòng tròn và nhảy múa thâu đêm dưới ánh trăng. Trong khi đó, bánh trung thu trở thành món ăn đặc trưng của người Trung Quốc và chủ yếu là bánh nướng. Bên dưới mỗi chiếc đèn lồng của người Trung Quốc được trang trí câu đối hoặc đố vui để giải đố lấy may. Họ thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố trong dịp này. Vào đêm rằm, mọi người sẽ thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân. Ngoài ra, Tết Trung thu còn có lễ rước đèn cho trẻ em, múa lân sư rồng và chú tễu nhảy múa trên phố.
Tại Singapore, quảng trường Sengkang là nơi nhộn nhịp nhất khi mọi người tập trung để tham gia lễ hội bằng đủ loại trò chơi thú vị. Người Thái đón “lễ cầu trăng” khi tất cả già trẻ, gái trai đều phải tham gia cầu nguyện và ban phước lành cho nhau trước một bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên với lễ vật gồm quả đào và bánh trung thu. Theo truyền thuyết của người Thái, Bát Tiên sẽ mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quán Thế Âm và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Với người Lào, Tết Trung thu là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành) nên già trẻ, gái trai đều thưởng nguyệt. Lúc hoàng hôn buông xuống, các chàng trai, cô gái nhảy múa hát ca thâu đêm. Người Campuchia tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống với lễ vật được chuẩn bị từ sớm gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước. Sau đó, người già lấy gạo dẹt nhét đầy miệng của trẻ con để cầu viên mãn, điều tốt đẹp.
Tại Việt Nam, trung thu đã trở thành ngày tết của thiếu nhi khi được tặng đồ chơi, mặt nạ, lồng đèn, bánh ngọt. Những ngày trăng tròn, các em sẽ được bố mẹ hay người thân đưa đi khắp phố phường để thỏa thích vui hội cùng các ông lân khi nhảy múa ở các ngôi nhà những mong đem lại nhiều may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Dịp này, nhiều gia đình tổ chức bày cỗ có trà, rượu, bánh để thờ cúng tổ tiên hay biếu quà bánh trung thu nhằm thắt chặt mối quan hệ thâm giao.
KIM OANH (tổng hợp)